Hà Nội và TP HCM sẽ làm gì để thực hiện mục tiêu tăng trưởng hơn 8%?
Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế được tổ chức theo hình thức trực tuyến sáng 21/2, lãnh đạo TP Hà Nội và TP HCM cùng quyết tâm phấn đấu đạt tăng trưởng trên 8% năm 2025.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh năm 2025 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm có nhiều ngày kỷ niệm trọng đại (135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 95 năm thành lập Đảng, 80 năm thành lập nước, 50 năm thống nhất đất nước, 80 năm ngày truyền thống Công an nhân dân); đồng thời tiếp tục tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18 của Trung ương; tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng; hoàn thành các mục tiêu Đại hội XIII đề ra, phấn đấu đạt 2 mục tiêu 100 năm (tới năm 2030 là nước đang phát triển, công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; năm 2045 là nước phát triển, thu nhập cao).
Theo Thủ tướng, tăng trưởng GDP là yếu tố quan trọng nhất với việc thực hiện 2 mục tiêu nói trên, tăng trưởng GDP sẽ tác động tới quy mô nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, xếp hạng quy mô GDP trên thế giới.
"Không còn cách nào khác, chúng ta phải duy trì tăng trưởng cao, bền vững liên tục trong thời gian từ nay tới 2045, chỉ có như vậy mới vượt qua được bẫy thu nhập trung bình và vươn lên, đạt được các mục tiêu chiến lược, thực hiện khát vọng trong kỷ nguyên mới, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no và hạnh phúc", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị. Ảnh VGP.
Vừa qua, Chính phủ đã đề xuất với Trung ương, Quốc hội phấn đấu đạt tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên và tăng trưởng 2 con số trong những năm tới. Trung ương đã ban hành Kết luận 123 ngày 24/1, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết ngày 19/2 và Chính phủ đã giao chỉ tiêu tăng trưởng năm 2025 cho các địa phương, bộ ngành...
Thủ tướng nêu rõ, muốn cả nước tăng trưởng trên 8% thì tất cả các bộ ngành, địa phương, các lĩnh vực phải tăng trưởng trên 8%, doanh nghiệp trong và ngoài nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân… đều phải tăng trưởng trên 8%, chứ không thể chỉ có một vài địa phương, một vài bộ ngành, một vài doanh nghiệp tăng trưởng cao rồi kéo cả nước lên, điều này là rất khó.
Phấn đấu tăng trưởng 2 con số
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, để đạt tăng trưởng 8% trở lên thì quy mô nền kinh tế của Hà Nội năm 2025 phải đạt quy mô 1,6 triệu tỷ đồng (tăng khoảng 130.000 tỷ đồng so với năm 2024), chiếm khoảng 12,6% GDP cả nước. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội phải đạt khoảng 622.7000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu tăng 7% đạt hơn 20 tỷ USD. Đến ngày 20/2, TP Hà Nội đã thu được là 171.000 tỷ đồng ngân sách và đạt 34% kế hoạch dự toán năm 2025.
Hà Nội sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: Phải khai thác, phát huy các động lực và nguồn lực truyền thống. Về nguồn đầu tư công, Hà Nội phấn đấu khoảng giải ngân 87.000 tỷ đồng trong kế hoạch, đặc biệt tập trung vào các dự án hạ tầng giao thông lớn như cầu, đường sắt đô thị; tiếp tục rà soát khoảng 200 dự án chậm triển khai.
Cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tư nhân, làm sao đảm bảo thu hút vốn qua ngân sách nhà nước tăng trên 18%; nộp ngân sách 360.000 tỷ đồng và vốn đầu tư FDI thì khoảng 3 tỷ USD; thành lập mới khoảng 30.000 doanh nghiệp và vốn đăng ký là trên 300.000 tỷ đồng; tập trung vào hạ tầng điện, đảm bảo năng lượng sản xuất, tiêu dùng; tăng trưởng ngành nông nghiệp trên 7%; phấn đấu có khoảng 190 sản phẩm và 120 doanh nghiệp được công nhận là công nghiệp chủ lực.

Hà Nội tập trung phát triển các động lực tăng trưởng mới, toàn diện. Ảnh VGP.
Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp kích cầu tiêu dùng; phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 14%, giá trị ngành vận tải logistics tăng trên 7,7% và tập trung phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch mới đặc sắc để có thể tăng doanh thu du lịch trên 13%.
Hà Nội tập trung phát triển các động lực tăng trưởng mới, toàn diện. Thành phố cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia với những nội dung trọng tâm trước mắt cũng như dài hạn như: Phấn đấu tỷ lệ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo là trên 50%, tức là khoảng 150.000/210.000 doanh nghiệp đang hoạt động.
Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn, hệ thống quản lý tiên tiến, các công cụ nâng cao năng lực sản xuất; phát triển hơn 200 đơn vị được chứng nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ. Tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế sáng tạo, phấn đấu 2025, tỉ trọng kinh tế số của Hà Nội đạt trên 20 tỷ USD (năm 2024 là 14 tỷ USD); lập thêm các khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao…
Ngoài ra, Thành phố tiếp tục nghiên cứu xây dựng đề án, chương trình phát triển các mô hình tăng trưởng mới như: Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế đô thị, kinh tế chia sẻ; hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, đặc biệt là các vấn đề mà Quốc hội, Trung ương đã giao trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, trong đó có Luật Thủ đô. Đặc biệt các một số nghị quyết cá biệt giao triển khai cụ thể tới đây và tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền xuống cho cấp huyện, thị. Thực tiễn chứng minh việc phân cấp, phân quyền này đang đi vào cuộc sống nhanh hơn.
Cũng liên quan đến mục tiêu tăng trường, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được đề xuất một số giải pháp để thực hiện chủ trương đưa Thành phố phát triển 2 con số theo chủ trương của Chính phủ.
Theo đó, TP HCM đánh giá cao và thống nhất với nội dung báo cáo về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá để thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 là đạt hơn 8%. Ngay từ cuối năm 2024, trên cơ sở quán triệt theo nghị quyết Trung ương, Chính phủ giao cho Thành phố tăng trưởng 8%, thành phố rất quyết tâm vì cả nước, vì đồng bào Thành phố nên Thành phố phấn đấu tăng trưởng ít nhất 10% năm 2025. Đây là nhiệm vụ hết sức là nặng nề, hết sức khó khăn nhưng không thể không làm. Để thực hiện nhiệm vụ mục tiêu ấy, Thành phố xin đề xuất một số cái giải pháp trọng tâm, trước mắt cũng như là lâu dài.
Về nhiệm vụ trước mắt, ông Nguyễn Văn Được nếu một số giải pháp: Đưa bộ máy sắp xếp đi vào hoạt động nhanh, kịp thời, đúng theo tinh thần tinh - gọn - mạnh từ năng lực đến hiệu quả và không để tình trạng gián đoạn trong quản lý nhà nước và gắn với triển khai đề án xây dựng nền công vụ của Thành phố hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024 - 2030, đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ phục vụ của công chức ở thành phố. Đây là việc đầu tiên ổn định bộ máy để bắt tay vào làm việc.
Thành phố sẽ tập trung cải cách hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn, các cái dự án tồn đọng, các dự án có vướng mắc. Thành phố sẽ tập trung để phân loại, có giải pháp cụ thể cho từng nhóm, từng vướng mắc và xin ý kiến của Chính phủ cũng như ý kiến các Bộ, ngành để có giải pháp tháo gỡ, để các dự án đi vào hoạt động, tạo nguồn thu ngân sách, nguồn lực để cho Thành phố phát triển trong thời gian tới. Mặc dù hết sức khó khăn nhưng Thành phố quyết tâm làm. Kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành giúp Thành phố trong việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án còn tồn đọng kéo dài cũng như khơi thông nguồn lực.
Giải quyết các điểm nghẽn, xử lý các dự án tồn đọng, dự án dừng thi công, khẩn trương triển khai và hoàn thành đưa vào sử dụng để chống lãng phí, thất thoát. Thành phố sẽ tập trung rà soát và xử lý các vướng mắc, báo cáo các cấp thẩm quyền và các ngành có liên quan để tháo gỡ khó khăn theo Công điện 1112 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 7307 của UBND Thành phố. Đây là hai nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Thành phố sẽ huy động mọi nguồn lực, nguồn vốn xã hội để tập trung cho đầu tư phát triển và lấy đầu tư công dẫn dắt cho đầu tư tư và chủ yếu là đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông.

TP HCM phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số. Ảnh VGP.
Còn về các giải pháp lâu dài, Thành phố sẽ tiếp tục phối hợp và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ còn lại được Thủ tướng Chính phủ giao, thực hiện Nghị quyết số 98; rà soát, đề xuất với Bộ KHĐT báo cáo Chính phủ trình Quốc hội, UBTVQH ban hành cơ chế chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược, phấn đấu đến 2025 khởi công 2 dự án trong 5 dự án đầu tư BOT theo nghị quyết của Quốc hội. Đây là những dự án đặc thù cho TP HCM.
Tiếp tục duy trì và làm mới các động lực tăng trưởng, tận dụng các cơ hội mới cho Thành phố phát triển như chương trình hành động của Nghị quyết 57.
Triển khai dự án Trung tâm tài chính quốc tế mà Thủ tướng đã chỉ đạo để làm sao tạo ra kênh thu hút vốn cho quốc gia cũng như cho TP HCM, đảm bảo nhu cầu vốn cho các dự án trong thời gian tới. Tập trung cho dự án cảng trung chuyển quốc tế.
Đây là những nhiệm vụ trọng tâm trước mắt và lâu dài, còn các nhiệm vụ khác thì thành phố sẽ triển khai theo kế hoạch đã đề ra.
Để thực hiện những giải pháp nêu trên, Thành phố kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành thực hiện tháo gỡ những kiến nghị theo Thông báo số 392 mà Thủ tướng đã có chỉ đạo.
Đến nay, 14/49 kiến nghị được các Bộ ngành giải quyết và hiện nay Thành phố sẽ chủ động làm việc với các Bộ ngành để thực hiện các kiến nghị còn lại.
Thành phố tiếp tục hứa với Thủ tướng vì cả nước, vì đồng bào Thành phố sẽ phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số như Thủ tướng đã kỳ vọng.