Hà Nội về đích nhiều chỉ tiêu quan trọng trong xây dựng nông thôn mới
Ngày 21/9, tại Hà Nội, gần 1.000 đại biểu tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội và 9 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng, đại diện các chương trình mục tiêu quốc gia đã tham dự Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân.
Mười năm qua, với ý chí, quyết tâm cao, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở, đặc biệt là sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực từ nhân dân, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (Chương trình xây dựng nông thôn mới) và Chương trình số 02 Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội “Về phát triển nông nghiệp, xây dưng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” đã được triển khai sâu rộng, đạt được kết quả toàn diện, về đích nhiều chỉ tiêu quan trọng.
Báo cáo tổng kết tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã được lan rộng trong toàn thành phố, nhận thức của người dân được nâng lên; kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng khá; quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đổi mới; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng... Các mục tiêu đề ra cơ bản hoàn thành và đạt khá.
Cụ thể, Hà Nội có 3 chỉ tiêu vượt trước 2 năm so với mục tiêu Chương trình xây dựng nông thôm mới đề ra là giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế/1ha đất nông nghiệp, tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới và tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm thường xuyên. Sản xuất nông nghiệp đạt được những kết quả quan trọng, cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực.
Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 đạt 46,5 triệu đồng/người/năm. Toàn thành phố đã dồn điền, đổi thửa đạt 104,6% kế hoạch. Đến nay, Hà Nội đã có 6 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 325 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 84,2% số xã), không còn xã dưới 10 tiêu chí.
Tốc độ tăng trưởng bình quân của giá trị sản xuất nông lâm thủy sản giai đoạn 2010-2018 là 3,34%/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế năm 2018 đạt 259 triệu đồng/ha/năm, vượt trước 2 năm mục tiêu của Chương trình (250 triệu đồng/ha/năm), tăng 117 triệu đồng/ha/năm so với năm 2010 (133 triệu đồng/ha/năm).
Tổng kinh phí huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới từ năm 2010 đến nay là 76.451 tỷ đồng; trong đó, ngoài nguồn kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ, trong 10 năm qua, thành phố đã vận động hàng nghìn tập thể, cá nhân, doanh nghiệp, hộ gia đình chung sức xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí 14.741tỷ đồng, chiếm 19,3% tổng kinh phí.
Ông Nguyễn Thạc Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho biết, thành công lớn nhất sau 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện là từ huyện thuần nông đã phát triển theo hướng đô thị sinh thái; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng cao, với mức thu nhập bình quân 96 triệu đồng/người/năm. Huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới từ năm 2015. Một thành tựu khác của huyện là đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ chuyên cần, nhân dân đồng thuận, sản xuất phát triển...
Chia sẻ sau 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, ông Nguyễn Chí Viễn, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa cho biết, thành tựu nổi bật của huyện chính là kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội đã được đầu tư theo hướng khang trang, kiên cố, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.
Bên cạnh đó, đời sống văn hóa và các thiết chế văn hóa, tinh thần của nhân dân được cải thiện. Huyện đã hình thành được các vùng sản xuất mang tính hàng hóa, có giá trị kinh tế cao, tạo ra sản phẩm chủ lực của địa phương. Đặc biệt, chất lượng cuộc sống của nhân dân và thu nhập của nông dân ngày càng nâng cao.
Đối với huyện Thường Tín, ông Kiều Văn Huy, Chủ tịch UBND huyện cho biết, huyện đã có nhiều chuyển biến rõ nét, từ diện mạo nông thôn đến đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân; trong đó có hạ tầng giao thông, trường học, thiết chế văn hóa ở cơ sở.
Từ huyện có xuất phát điểm thấp, hiện nay, huyện Thường Tín có 24/28 xã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Từ kết quả đạt được, huyện Thường Tín phấn đấu trong năm 2019 sẽ có thêm 4 xã cuối cùng hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới, phấn đấu năm 2020 sẽ trở thành huyện nông thôn mới.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn của thành phố vẫn còn một số tồn tại. Theo đó, việc chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp có nhiều tiến bộ, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Sản xuất nông nghiệp quy mô lớn còn ít, tăng trưởng nông nghiệp còn thấp.
Việc thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế. Kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các huyện còn chưa đồng đều, trong khi một số huyện đã có 100% số xã đạt chuẩn thì vẫn còn một số huyện có nhiều xã chưa đạt.
Nguyên nhân do đầu tư cho phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng hạ tầng kỹ thuật nông thôn ở một số địa phương còn dàn trải. Công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, phương châm, cách làm trong xây dựng nông thôn mới tuy đã được cải tiến, nhưng hiệu quả chưa cao, hình thức chưa phong phú, một số nơi chưa phát huy được nội lực của địa phương....
Ông Nguyễn Đức Chung cho biết, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm; phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân từ 3,5 - 4%/năm trở lên; tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới... Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 có 85% só xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới.