Hà Nội: Vi phạm hành lang an toàn đường sắt vẫn tái diễn
Tại Hà Nội, tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè để kinh doanh, chụp ảnh tại các tụ điểm... vẫn tiếp tục tái diễn dù lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý nghiêm. Đây là hành vi vi phạm trật tự đô thị và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông.
Vi phạm vẫn tiếp tục tái diễn
Dù đã có quy định cấm kinh doanh, buôn bán tại khu vực hành lang an toàn đường sắt nhưng một số nơi tại Hà Nội, tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông (ATGT) đường sắt như dựng lều lán, kinh doanh gần đường ray, mở đường ngang trái phép, phớt lờ biển cảnh báo... vẫn diễn ra rất phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn.
Đặc biệt, trên địa bàn Thành phố Hà Nội, dọc tuyến đường sắt đi qua các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Thanh Trì…, tình trạng vi phạm hành lang ATGT đường sắt đang diễn ra phổ biến.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, tại đoạn phố cà phê đường tàu từ Trần Phú – Phùng Hưng thuộc địa bàn phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm thì có rào chắn và bảo vệ túc trực. Bên trong vắng vẻ, khách chỉ đứng từ bên ngoài chụp ảnh.
Tuy nhiên trái ngược với đoạn vắng vẻ nói trên, tại khu vực đường tàu chạy qua phố Khâm Thiên (Đống Đa, Hà Nội) hàng loạt hàng quán đã tận dụng địa điểm này để mở các quán cà phê, ăn uống bất chấp nguy hiểm. Hàng chục chiếc bàn, ghế được bày la liệt ngay sát đường tàu để phục vụ những du khách muốn ngắm tàu chạy, chụp ảnh tại đây.
Không những vậy, nhiều người dân đã tự ý trải bạt, kê các tấm gỗ để tạo lối đi lại qua đường ray. Đoạn đường này là điểm tiếp xúc giữa đường sắt Bắc - Nam và đường Lê Duẩn, cách điểm chắn gác khoảng 400m.
Chị L.C (25tuổi, Đống Đa) một người dân sinh sống trên phố Khâm Thiên (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, thường xuyên phải chứng kiến các hàng quán cafe tại đây bày bàn, ghế ra sát đường ray để thực khách ngồi uống nước, chụp ảnh bất chấp nguy hiểm.
“Lối đường tàu ở khu vực này vừa hẹp vừa nguy hiểm nhưng nhiều người dân vẫn bày bàn ghế ra sát đường tàu để thu hút khách đến uống cà phê. Thậm chí, du khách còn cảm thấy thích thú coi đây là trải nghiệm mạo hiểm khi đến thăm Hà Nội” – chị C cho hay.
Chị C mong rằng, chính quyền địa phương sẽ có những biện pháp để giải quyết tình trạng trên, đảm bảo an toàn cho người dân.
Tương tự, nhiều khu vực hành lang đường sắt tại Hà Nội bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh. Trên đường Lê Duẩn, Giải Phóng nhiều tiểu thương ngang nhiên trưng bày các mặt hàng kinh doanh, biển quảng cáo tràn ra sát đường ray, lấn chiếm lối đi lại của người dân.
Nhiều hệ lụy nhưng vẫn chủ quan
Theo số liệu từ Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) trong quý I/2024, cả nước đã xảy ra 46 vụ tai nạn đường sắt, làm chết 21 người và bị thương 25 người. Trong đó, 1 vụ tai nạn rất nghiêm trọng, 18 vụ tai nạn nghiêm trọng và 27 vụ tai nạn ít nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tai nạn là do người băng qua đường sắt không chú ý tín hiệu cảnh báo khi tàu hỏa đến. Nhiều người còn cố tình băng qua đường sắt trong khi tàu hỏa đang đến gần.
Điển hình, mới đây trên mạng xã hội lan truyền đoạn video một nữ du khách liều mình nhảy ra giữa đường ray tạo dáng, khi chiếc tàu hỏa đang lao tới rất gần. Rất may, một người đàn ông đứng bên đường vội vã lao tới ngăn cản, kịp thời đẩy nữ du khách vào vỉa hè. Sau đoạn video ghi lại hành động quá nguy hiểm của nữ du khách, nhiều người cho rằng cần phải "khai tử" phố cà phê đường tàu vì nơi đây tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn, mất ATGT đường sắt.
Trước đó, ngày 16/3, tại khu vực đối diện nhà số 1333 đường Giải Phóng, phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) khi tàu hỏa SE1 lưu thông đến Km 6+500 đã va phải người đàn ông đang nghe điện thoại không để ý tín hiệu còi cảnh báo của tàu. Mặc dù người điều khiển tàu đã dùng biện pháp "hãm khẩn" để dừng tàu nhưng vì cự ly quá gần nên không tránh khỏi tai nạn khiến người đàn ông tử vong.
Thống kê cũng cho thấy, tai nạn tại các lối đi tự mở chiếm 50% (24 vụ tại lối đi tự mở, 8 vụ tại đường ngang có cảnh báo, 1 vụ tại đường ngang có người gác, 13 vụ dọc 2 bên đường sắt) gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Xác định xóa bỏ lối đi tự mở là giải pháp căn cơ để hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông đường sắt, Cục Đường sắt Việt Nam đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp để đôn đốc các địa phương, doanh nghiệp.
Theo quy định của pháp luật, đường sắt là tuyến đường ưu tiên hoạt động. Khi đi qua đường sắt, các phương tiện giao thông đường bộ phải tuân thủ các quy định về đảm bảo hành lang ATGT đường sắt, nhường đường cho tàu hỏa, bất luận đó là đường ngang dân sinh hay đường ngang có rào chắn, có phòng vệ.
Luật Đường sắt năm 2005 và Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cũng đã quy định rõ các nội dung nhằm đảm bảo an toàn cho tàu chạy cũng như người, phương tiện lưu thông giao nhau với đường sắt. Cụ thể tại Điều 12, Luật Đường sắt 2005 nghiêm cấm các hành vi: “Lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt; Tự ý mở đường ngang, xây dựng cầu vượt, hầm chui, cống hoặc các công trình khác qua đường sắt…”.
Quy định là thế, song hiện tình trạng dựng lều quán, trồng cây xanh, kinh doanh, mở đường ngang dân sinh trái phép… xâm phạm an toàn đường sắt vẫn xảy ra ở khắp nơi.
Có thể thấy, tình trạng vi phạm hành lang ATGT đường sắt trước hết là do ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, không thấy được hết những hệ lụy khôn lường đi kèm với hành vi vi phạm của mình.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần siết chặt quản lý, phối hợp với ngành Đường sắt và lực lượng chức năng tổ chức giải tỏa các vi phạm hành lang ATGT đường sắt, chống tái lấn chiếm. Đối với các điểm nhức nhối, thường xuyên xảy ra va chạm, cần sớm triển khai xây dựng hệ thống đường gom dân sinh để người dân đi lại được an toàn, thuận tiện.