Hà Nội: Việc đốt rơm rạ làm phát sinh 163,3 tấn bụi mịn và 23.000 tấn CO2
Theo thống kê, chỉ riêng vụ Đông Xuân năm 2020, tổng lượng rơm rạ bỏ lại trên đồng ruộng ở Hà Nội là 384.505 tấn. Khoảng 20% trong số đó bị đốt, làm phát sinh 179,08 tấn bụi PM10, 163,3 tấn bụi mịn PM2,5 và 23.000 tấn CO2.
Gần 350 tấn bụi và hơn 23.000 tấn CO2 phát sinh mỗi vụ đốt rơm rạ. Ảnh: Quang Hùng
Bài liên quan
Hà Nội cần xử lý nghiêm việc đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch vụ mùa
Cần giải pháp đồng bộ chấm dứt tình trạng đốt rơm rạ
Hà Nội: Chấm dứt hoàn toàn tình trạng đốt rơm rạ trước ngày 31/12/2020
Ô nhiễm bụi mịn tại miền Bắc là do đốt rơm rạ
Theo kết quả “Kiểm kê phát thải do hoạt động đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng” vừa được Sở TN&MT Hà Nội kết hợp Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) cùng nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Khoa học Tự nhiên công bố, chỉ tính riêng vụ Đông Xuân năm 2020, tổng lượng rơm rạ bỏ lại trên đồng ruộng ở Hà Nội là 384.505 tấn. Khoảng 20% trong số đó bị đốt, phát sinh 179,08 tấn bụi PM10, 163,3 tấn bụi mịn PM2,5 và 23.000 tấn CO2. Đây đều là những chất gây ô nhiễm môi trường.
Nghiên cứu cũng chỉ ra, việc đốt rơm rạ phát sinh lượng bụi mịn PM2,5 rất lớn. Đây là vấn đề đáng quan ngại khi PM2,5 được coi là sát thủ trong không khí, nguyên nhân của hàng loạt bệnh về hô hấp và tim mạch.
Tháng 9/2019, Cảng vụ Hàng không miền Bắc đã có văn bản đề nghị UBND huyện Sóc Sơn và 5 xã quanh sân bay ngăn chặn tình trạng người dân đốt rơm rạ gây ảnh hưởng đến hoạt động bay
Trước đó, UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND với mục tiêu tới ngày 1/1/2021, 100% rơm rạ và phụ phẩm cây trồng phát sinh được thu gom, tái sử dụng hoặc xử lý đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật môi trường. Không còn hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải rắn thải sinh hoạt không đúng quy định trên địa bàn thành phố.
Ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiến tiến, hiện đại trong công tác thu hoạch sản phẩm, thu gom, vận chuyển, xử lý rơm rạ và phụ phẩm cây trồng đảm bảo thân thiện với môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Tuy nhiên trên thực tế khó có thể để đạt được mục tiêu không còn hoạt động đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp trong quá trình sản xuất trên địa bàn Thành phố Hà Nội vì thói quen của người dân tình trạng đốt rơm rạ vẫn diễn ra khá phổ biến.
Trước tình trạng đốt rơm rạ phức tạp, ngày 9/6/2021, Bộ TN&MT đã phải gửi công văn hỏa tốc số 3115/BTNMT-TCMT tới các địa phương có liên quan, trong đó có Hà Nội, đề nghị xử phạt nghiêm hành vi đốt rơm rạ không đúng quy định, gây ảnh hưởng tới môi trường này.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Cảnh sát Môi trường, chính quyền cơ sở cấp quận, huyện, phường, xã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm việc đốt chất thải, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch không đúng quy định; chỉ đạo Thanh tra Giao thông, Cảnh sát Giao thông kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện chở đất đá, vật liệu xây dựng, chất thải rắn sinh hoạt không che chắn, gây ô nhiễm môi trường; quy trách nhiệm cho người đứng đầu chính quyền cấp cơ sở nếu để xảy ra tình trạng đốt chất thải, chất thải rắn sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp, vận chuyển vật liệu xây dựng, chất thải rắn sinh hoạt không đúng quy định gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn.