Hà Nội: Việc ghi chỉ số công tơ điện đúng quy trình, công khai
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 26-6, Đoàn công tác của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã làm việc với Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) về việc ghi chỉ số công tơ, lập hóa đơn tiền điện, giải quyết kiến nghị của khách hàng.
Đoàn công tác do ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN làm Trưởng đoàn, với sự tham gia của các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.
Trước đó, Đoàn công tác đã kiểm tra thực tế tại quận Thanh Xuân và huyện Mê Linh.
Theo báo cáo của EVNHANOI, trong 22 ngày của tháng 6-2020, số khách hàng sinh hoạt có sản lượng tiêu thụ điện tăng từ 30% trở lên chiếm tỷ lệ 66% (trong đó có 97.287 khách hàng có sản lượng tiêu thụ điện tăng 200-300%; 110.039 khách hàng có sản lượng tiêu thụ điện tăng 300%).
Những tháng trước, số lượng khách hàng dùng trên 1.000 kWh là khoảng 24.000 hộ. Tuy nhiên, từ đầu tháng 6 đến nay, đã có 110.000 hộ dùng điện vượt mốc 1.000 kWh, tăng gấp 4 lần.
Về công tơ đo điện, đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng cho rằng, các công tơ đều đáp ứng quy định về đo lường, được niêm phong, kẹp chì, không có dấu hiệu thay đổi. Quy trình kiểm định công tơ điện được ban hành, thống nhất toàn quốc.
Đoàn kiểm tra cho rằng, tỷ lệ công tơ cơ khí của EVN vẫn còn cao trên cả nước, dẫn đến việc chốt chỉ số thủ công có thể gây nhầm lẫn.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh EVN cho biết, việc thay công tơ điện tử cần nguồn lực rất lớn, nên phải thực hiện theo lộ trình.
Trong khi đó, đại diện Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) nhận định, giá điện tăng có thể do việc nhảy bậc thang khi mức tiêu thụ tăng.
Theo thống kê của EVNHANOI, thành phố có khoảng 2,3 triệu hộ dùng điện. Từ đầu tháng 6-2020 đến nay, phụ tải đã tăng 52% so với tháng 5, trung bình khoảng 76 triệu kWh/ngày. Mức bình quân của tháng 4 là 42 triệu kWh/ngày. Với bậc giá bán lẻ điện hiện tại, nếu khách hàng dùng trên 1.000 kWh, sẽ phải trả mức tiền khá cao.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đề nghị, ngành Điện nên thông tin, cảnh báo người tiêu dùng khi mức tiêu thụ quá cao.
Kết luận cuộc kiểm tra, Phó Tổng Giám đốc EVN Võ Quang Lâm ghi nhận, tại EVNHANOI và các đơn vị thành viên, công tác kiểm tra thiết bị đo đếm và ghi chỉ số công tơ đúng quy trình, công khai.
Thời gian tới, để giảm thiểu sai số trong quá trình thu thập chỉ số tiêu thụ điện, EVN sẽ đẩy mạnh việc chuyển đổi thiết bị đo điện từ công tơ cơ khí sang công tơ điện tử. Đây cũng là biện pháp tăng tính minh bạch cũng như khả năng giám sát của người dân.