Hà Nội với nỗ lực đẩy lùi ô nhiễm không khí
Ngoài các nguyên nhân do phương tiện giao thông tăng nhanh, hạ tầng kỹ thuật giao thông chưa bảo đảm, bất cập trong quản lý khí thải công nghiệp… thì những hoạt động sinh hoạt của người dân, không có ý thức khi thu gom, xử lý chất thải rắn, rác sinh hoạt đã khiến cho môi trường nói chung và môi trường không khí nói riêng trên địa bàn TP. Hà Nội bị ô nhiễm.
Phương tiện giao thông là nguồn gây ô nhiễm chủ yếu
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí rất đa dạng, trong đó GTVT vẫn được đánh giá là nguồn gây ô nhiễm nhiều nhất đối với không khí.
Qua thống kê, tính đến hết năm 2017, trên địa bàn TP. Hà Nội có khoảng 4,1 triệu phương tiện, trong đó 368 nghìn ô tô và khoảng 3,8 triệu xe máy, chưa kể khoảng 50 nghìn phương tiện giao thông vãng lai; hơn 01 nghìn xe buýt... Ước tính, tốc độ gia tăng phương tiện giao thông cá nhân của Hà Nội vào khoảng 15%/năm. Thế nhưng, tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông quá ít, chỉ chiếm từ 7 đến 8% đất xây dựng đô thị, trong khi đó mức yêu cầu hợp lý cho một đô thị hiện đại từ 20 đến 26%.
Với mật độ phương tiện giao thông dày đặc như hiện nay, nhất là tình trạng phương tiện chất lượng kém vẫn đang lưu hành dẫn đến lượng khí thải gây ô nhiễm không khí có xu hướng gia tăng. Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật giao thông cũng gây ô nhiễm không khí đáng kể do hoạt động của máy móc thi công, phương tiện vận chuyển phát sinh chất khí độc hại và tiếng ồn. Việc chiếm dụng lòng đường, vỉa hè để xây dựng các công trình cũng kéo theo nguy cơ UTGT dẫn đến làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm không khí do khói bụi, hơi xăng dầu tại các vị trí ùn tắc.
Không chỉ phải “sống chung” với bụi, người dân Hà Nội còn đối mặt với sự nhức nhối của khí thải công nghiệp. Theo thống kê, ngoài 10 khu công nghiệp đang hoạt động, TP. Hà Nội có 107 cụm công nghiệp đã và đang triển khai xây dựng, trong đó 43 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, cơ bản lấp đầy diện tích và hoàn thiện hạ tầng cơ sở với tổng diện tích 759 ha. Ngoài ra, Hà Nội có 1.350 làng nghề, trong đó 286 làng nghề được Thành phố cấp Bằng công nhận làng nghề. Qua quan trắc, chất lượng môi trường không khí tại các khu công nghiệp đã bị ô nhiễm bởi bụi và đặc biệt là khí benzen từ hoạt động sản xuất công nghiệp.
Nguyên nhân là do các khu công nghiệp trước đây không được quy hoạch đồng bộ, tách rời mà nằm xen kẽ trong các khu vực dân cư và gần các trục đường giao thông. Các thiết bị máy móc lạc hậu và thiếu hệ thống xử lý khí thải cũng dẫn đến bụi, benzen, SO2 có giá trị vượt QCVN. Sau này, các khu công nghiệp được xây dựng hoặc do nước ngoài đầu tư phần lớn có hệ thống xử lý khí thải tiên tiến, do đó nồng độ bụi và khí thải đều nằm trong giới hạn cho phép. Tương tự, kết quả phân tích chất lượng không khí, tiếng ồn tại các cụm công nghiệp, cụm tiểu thủ công nghiệp cho thấy các chỉ tiêu bụi, benzen có xu hướng tăng vị trí và mức vượt so với QCVN. Còn với làng nghề, mức độ ô nhiễm đều vượt giới hạn cho phép của QCVN.
Do tốc độ đô thị hóa ở Hà Nội diễn ra khá nhanh, thành phố như một công trường lớn với nhiều dự án cải tạo, xây dựng các nút giao thông, khu đô thị mới, thời gian kéo dài cũng gây ô nhiễm bụi cả khu vực rộng lớn. Môi trường không khí còn bị ảnh hưởng bởi hoạt động sinh hoạt của người dân, xử lý chất thải rắn... cũng gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng. Một số chất ô nhiễm không khí còn phá hoại cây trồng. Hơn nữa, việc lắng đọng axit trong đất đã làm mất đi một số chất dinh dưỡng quan trọng đối với cây trồng như calci và gây ảnh hưởng xấu đối với một số vi sinh vật có ích như các sinh vật phân hủy. Khói quang hóa có thể làm giảm quá trình sinh trưởng của cây, phá hoại tế bào lá và gây tổn thương nhiều loại cây trồng...
Nhiều giải pháp đẩy lùi ô nhiễm không khí
Nhằm giảm thiểu ô nhiễm bụi, bảo đảm môi trường xanh - sạch - đẹp, đi đôi với công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng, thời gian qua lực lượng chức năng của Hà Nội đã tăng cường giám sát việc chống bụi ngay tại các công trường xây dựng, các bãi khai thác, trung chuyển cát, sỏi; các phương tiện vận chuyển vật liệu và phế thải xây dựng bắt buộc phải được che chắn kín khi tham gia giao thông; kiểm soát chặt chẽ về các biện pháp bảo vệ môi trường, giảm bụi đối với tất cả các công trường thi công xây dựng các công trình ở khu vực nội thành.
Bên cạnh đó, Thành phố đã có sự quản lý thống nhất việc sửa chữa, cải tạo đường sá và các hệ thống công trình ngầm ở mỗi đường phố; có biện pháp mạnh với các công trình vi phạm quy định về bảo vệ môi trường. Đặc biệt, các quận, huyện, thị xã đã bố trí và công bố công khai các điểm tập kết để trung chuyển đất thải, phế thải xây dựng trên địa bàn; xử lý nghiêm đối với các trường hợp đổ đất thải, phế thải không đúng nơi quy định, làm rơi đất, phế thải trên đường; xây dựng trạm rửa xe tại khu vực bãi trung chuyển, khai thác cát, sỏi, vật liệu xây dựng và trên một số tuyến đường cửa ngõ vào trung tâm Thành phố; tăng cường phun nước và rửa đường vào các ngày nắng hanh khô, quét dọn và giữ gìn vệ sinh, đảm bảo đường phố luôn luôn sạch sẽ...
Song song với đó, Thành phố thực hiện trồng mới hàng loạt tuyến đường cây xanh. Thành phố xác định, ngoài chức năng điều hòa không khí, giảm thiểu hiệu ứng khí nhà kính thì hệ thống cây xanh được kỳ vọng làm tăng thẩm mỹ cảnh quan, tạo ra sự phong phú về hình khối, màu sắc.
Đồng thời, tại Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm UTGT và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030", Thành phố cũng đã giao Sở GTVT TP. Hà Nội phối hợp với Công an thành phố và UBND các địa phương tổ chức phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030. Để thực hiện nhiệm vụ này, ngay trong các năm tới Thành phố sẽ tổ chức điều tra, rà soát, thống kê số lượng xe máy đã qua sử dụng trên địa bàn (theo năm sản xuất) thông qua đăng ký, từ đó đề xuất các biện pháp xử lý đối với xe không bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và vệ sinh môi trường; đề xuất quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy…
Hy vọng, bằng sự nỗ lực của các cấp, các ngành, TP. Hà Nội sẽ ngăn chặn hiệu quả, đẩy lùi được tình trạng ô nhiễm không khí
Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/ha-noi-voi-no-luc-day-lui-o-nhiem-khong-khi-d63039.html