Hà Nội: Vừa lắp đặt phao cứu sinh được vài ngày, lại mất!
Việc lắp đặt phao cứu sinh trên các cây cầu bắc ngang qua sông Hồng với mong muốn có thể giảm thiểu được phần nào những tai nạn đáng tiếc xảy ra trên sông. Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày lắp đặt, nhiều chiếc phao đã biến mất một cách lạ kì.
Những chiếc phao cứu sinh xuất hiện trên các cầu bắc ngang qua sông Hồng trong những ngày gần đây là một dự án nhỏ trong chuỗi dự án ''Tình yêu sông Hồng'' được thực hiện bởi anh Nguyễn Ngọc Khánh cũng như CLB Bơi Khám phá.
Với mong muốn có thể giúp đỡ kịp thời những người bị đuối nước cũng như giảm thiểu tai nạn trên sông, anh Khánh cũng như CLB Bơi Khám phá đã lắp đặt trên 100 chiếc phao tại Lào Cai, Yên Bái, Hà Nội, Tuyên Quang. Trong đó tại Hà Nội là 33 chiếc trên 6 cây cầu.
Được biết, theo kế hoạch số lượng phao được lắp đặt trên các cây cầu Chương Dương, Long Biên, Nhật Tân, Thăng Long, Vĩnh Tuy, Thanh Trì theo thứ tự là 6-5-6-5-5-6. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, chỉ sau khi lắp đặt phao trên các cây cầu tại Hà Nội được vài ngày, nhiều chiếc phao đã không cánh mà bay. Đặc biệt, trên cầu Chương Dương và cầu Nhật Tân đã không còn chiếc phao nào.
Theo khảo sát của phóng viên tại khu vực cầu Long Biên, nhiều người dân cho biết họ cũng không rõ những cây cầu ở đây được lắp đặt phao từ khi nào, mục đích là gì. Họ không để ý cũng như hiểu rõ ý nghĩa của việc lắp đặt phao. Việc này rất có thể là nguyên nhân dẫn đến những chiếc phao bị mất ngay giữa cây cầu đông đúc, nhộn nhịp nhiều người qua lại.
Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Ngọc Khánh cho biết: ''Việc những chiếc phao bị mất cắp là điều nhóm mình đã lường trước được. Mình nghĩ việc này phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người dân. Có lẽ sang tuần mình sẽ thống kê lại toàn bộ số lượng phao và cho lăp đặt lại, ngoài ra mình cũng sẽ để thêm một bảng chỉ dẫn bên cạnh để giải thích cũng như cảnh báo người dân xung quanh".
Hàng năm, những thống kê về các vụ đuối nước vẫn nhan nhản trên các tờ báo, tivi hay các phương tiện truyền thông khác. Thế nhưng những vụ việc như vậy vẫn liên tục xảy ra. Nhận thức được vấn đề và trách nhiệm cá nhân đối với cộng đồng, anh Khánh cùng những người bạn của mình đã thành lập CLB Bơi Khám phá. Từ năm 2021, nhóm đã cắm rất nhiều các biển cảnh cáo ở các bãi bơi sông Hồng để hạn chế các em học sinh xuống sông tắm, cũng như những người lớn không có đồ bảo hộ.
Bên cạnh đó, năm 2022, nhóm đã triển khai việc lắp đặt phao cứu hộ trên các cây cầu bắc ngang sông Hồng để cố gắng hạn chế hết mức có thể các vụ việc đáng tiếc xảy ra. Thế nhưng, phao thì mất, người dân thì vẫn vô tư tắm sông, mặc cho có nguy hiểm như thế nào.