Hà Nội: Xã Thanh Liệt loạn biến đất nông nghiệp làm nhà xưởng, kinh doanh rồi 'xin sau'
Đại điện UBND xã Thanh Liệt (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết đất nông nghiệp ở đường Phạm Tu sử dụng kém hiệu quả nên đang xin cấp trên cho chuyển đổi đa mục đích.
Hàng loạt thửa đất nông nghiệp ven đường Phạm Tu (xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội) từng là ao nuôi cá, ruộng rau… nay bị đổ trạc thải, rác thải xây dựng cho bằng mặt rồi dựng lán, mái tôn, khung thép. Không ít hộ biến khu vực thành điểm bán cây cảnh, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ.

Toàn cảnh khu vực đất nông nghiệp tại xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì, TP.Hà Nội)

Khu vực đất nông nghiệp ven đường Phạm Tu (xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội) đang có dấu hiệu sử dụng đất sai mục đích
“Ở đây là đất của người dân, mỗi hộ có vài chục mét. Sau đó xã đứng ra thuê lại, rồi một người đại diện đứng lên thuê lại qua xã. Trong hợp đồng chỉ ghi rõ mục đích trồng cây, ngoài cây ra thì không được phép. Nếu làm sai mục đích, người thuê phải tự chịu trách nhiệm”, một người dân thuê đất cho biết.

Phế thải xây dựng bị đổ tràn lan trên đất nông nghiệp tại xã Thanh Liệt

Khu vực ao hồ tại xã Thanh Liệt bị san lấp bằng trạc thải xây dựng với quy mô lớn

Xe tải chở trạc thải xây dựng hoạt động ngay trên khu vực đất nông nghiệp tại xã Thanh Liệt, cho thấy tình trạng san lấp ao hồ, cải tạo mặt bằng đang diễn ra công khai

Nhiều công trình tạm bợ được dựng lên trên đất nông nghiệp, ven theo bờ kênh bị bồi lấp bởi rác thải xây dựng và sinh hoạt

Vật liệu xây dựng như khung sắt, tôn lợp được tập kết tại khu vực đất nông nghiệp xã Thanh Liệt, để chuẩn bị dựng nhà tạm tại khu vực này

Công nhân đang thi công công trình trên nền đất nông nghiệp tại xã Thanh Liệt

Một khu vực đất nông nghiệp được quây tôn kín mít, che khuất toàn bộ bên trong
Theo người thuê đất, nếu chỉ trồng cây đúng mục đích đất nông nghiệp thì “không tốn tiền luật”; ngược lại, dựng công trình trái phép sẽ phải chi “bôi trơn” tùy mức độ.
Trao đổi với phóng viên, ông Trình Quốc Thắng, Chủ tịch UBND xã Thanh Liệt xác nhận, toàn bộ khu vực nói trên là đất nông nghiệp, một số nằm trong quy hoạch dự án thu hồi nhưng chưa triển khai. Một số hộ dân đã xin chuyển đổi mục đích sử dụng sang trồng hoa, cây cảnh để nâng cao hiệu quả kinh tế. Xã đã có văn bản xin ý kiến và được UBND huyện thống nhất chủ trương. Hiện tại, khu đất này được giao cho người dân với mức thuế sử dụng đất nông nghiệp là từ 5.000 – 17.000 đồng/m2/tháng.

Trụ sở UBND xã Thanh Liệt
“Chúng tôi đã làm báo cáo, trình cấp có thẩm quyền là UBND huyện Thanh Trì phê duyệt. Những ao hồ, ruộng canh tác không hiệu quả, người dân đã tự cải tạo, đổ đất từ lâu chứ không phải gần đây. Việc phê duyệt đề án sẽ được hoàn tất trong vài ngày tới”, ông Thắng cho biết thêm.
Tuy nhiên, tại thời điểm làm việc với phóng viên, đề án chưa được huyện phê duyệt. Điều đó đồng nghĩa việc tự ý san lấp, dựng công trình vẫn là hành vi sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích. Nguồn lợi lớn thu được từ hoạt động cho thuê đất nông nghiệp nhưng nộp thuế đất nhỏ giọt đã gây ra tình trạng thất thu cho ngân sách nhà nước trong thời gian dài.
Từ thực tế trên cho thấy, việc sử dụng đất nông nghiệp ở xã Thanh Liệt hiện đang tồn tại nhiều điểm chưa minh bạch, tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ quy hoạch và sai phạm pháp luật nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Trong khi chờ đợi phê duyệt đề án chính thức, câu hỏi đặt ra là: Ai sẽ chịu trách nhiệm khi đất trồng cây bị "biến tướng" thành nơi kinh doanh, xây dựng không phép?