Hà Nội: Xác định khâu đột phá phát triển

Thể chế và quản trị; hạ tầng đồng bộ, hiện đại và kết nối; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; khoa học công nghệ và tài nguyên nhân văn; đô thị, môi trường và cảnh quan là các khâu đột phá phát triển của Thủ đô Hà Nội được nêu tại Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050.

Hà Nội chọn thể chế và quản trị là một trong các khâu đột phá phát triển.

Hà Nội chọn thể chế và quản trị là một trong các khâu đột phá phát triển.

Hoàn thiện thể chế phát triển Hà Nội toàn diện, đồng bộ

Về thể chế và quản trị, Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô toàn diện, đồng bộ, thống nhất, khả thi với các cơ chế, chính sách đặc thù.

Thành phố tăng cường phân cấp, phân quyền với phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", thực hiện cơ chế thí điểm phù hợp, hiệu quả, trọng tâm là các lĩnh vực đầu tư, tài chính, quy hoạch, quản lý phát triển đô thị, đất đai, môi trường, phát triển văn hóa, giao thông, dân cư, tổ chức bộ máy nhằm tạo sự chủ động sáng tạo, tăng tính tự chủ, tự lực, tự chịu trách nhiệm, kiểm soát quyền lực trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Ngoài ra, Hà Nội xây dựng cơ chế huy động mọi thành phần kinh tế, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực văn hóa, con người, tài nguyên nhân văn, tài nguyên đất đai, tài nguyên số; ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút các tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước tham gia các chương trình trọng điểm của Thủ đô.

Quản trị chính quyền được đổi mới theo hướng hiện đại, tổ chức bộ máy chính quyền đô thị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, giảm tầng nấc trung gian; xây dựng cơ chế, tổ chức đặc thù cho mô hình thành phố trong Thủ đô; đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, chính quyền phục vụ, tạo đột phá về môi trường đầu tư, kinh doanh.

Hà Nội ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, năng lượng, chuyển đổi số

Khâu đột phá thứ hai là phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, kết nối liên vùng, tập trung xây dựng các tuyến đường cao tốc, đường quốc lộ, đường vành đai, hoàn thành các nút giao thông cửa ngõ, hệ thống cầu qua sông Hồng, sông Đuống.

Hà Nội tập trung phát triển hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt tập trung đầu tư, sớm hoàn thành hệ thống đường sắt đô thị kết nối các khu tập trung đông dân cư, kết nối đô thị trung tâm với các trung tâm đô thị mới, kết nối Thủ đô với trung tâm các tỉnh trong vùng.

Huy động tổng hợp các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng theo phương thức hợp tác công tư PPP; khai thác các nguồn lực mới thông qua mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD).

Hà Nội chú trọng khai thác không gian ngầm để xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, giao thông công cộng có khối lượng vận chuyên lớn, tạo không gian mới phát triển dịch vụ đồng bộ tại trung tâm các đô thị.

Ngoài ra, còn có nhiệm vụ phát triển hạ tầng số, hạ tầng khoa học cộng nghệ và đổi mới sáng tạo đồng bộ, hiện đại, liên thông các cơ sở dữ liệu lớn về: Dân cư, y tế, giáo dục, bảo hiểm, đất đai, nhà ở... tạo nền tảng phát triển chính quyền số, xã hội số, công dân số và kinh tế số.

Phát triển nguồn nhân lực của Hà Nội có chất lượng cao; khoa học công nghệ và tài nguyên nhân văn

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh khâu đột phá thứ ba là xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ cao, tư duy khoa học, chuyên nghiệp, có bản lĩnh, phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có ý chí vươn lên, khát vọng cống hiến. Xây dựng cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội trong đào tạo, tuyển dụng, thu hút, trọng dụng nhân tài, đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý giỏi, văn nghệ sĩ hàng đầu trong nước và quốc tế tham gia vào các chương trình phát triển, tham mưu, tư vấn đóng góp cho Thủ đô.

Hà Nội tạo lập cơ chế khuyến khích, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, chuyển giao, ứng dụng công nghệ xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu Việt Nam, với nòng cốt là Khu công nghệ cao Hòa Lạc và Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, các viện nghiên cứu, trường đại học; thí điểm xây dựng một số mô hình áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox); nghiên cứu phát triển sàn giao dịch công nghệ trọng điểm quy mô cấp vùng.

Ngoài ra, Hà Nội chú trọng áp dụng các cơ chế đặc thù thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, khai thác tài nguyên nhân văn thành nguồn lực phát triển bền vững của Thủ đô.

Phát triển đô thị Hà Nội đồng bộ, văn minh, hiện đại

Thành phố cải tạo, chỉnh trang các khu phố cổ, phố cũ có giá trị về mặt kiến trúc thành phố đi bộ. Ảnh: Dương Hiệp

Thành phố cải tạo, chỉnh trang các khu phố cổ, phố cũ có giá trị về mặt kiến trúc thành phố đi bộ. Ảnh: Dương Hiệp

Ở nhóm đột phá về môi trường, đô thị và cảnh quan, thành phố định hướng phát triển một số khu đô thị mới theo mô hình TOD có hạ tầng đồng bộ, văn minh, hiện đại.

Cải tạo, chỉnh trang các khu phố cổ, phố cũ có giá trị về mặt kiến trúc thành phố đi bộ, phát triển kinh tế đêm, không gian văn hóa ẩm thực và lưu trú phục vụ khách du lịch. Cải tạo tổng thể các khu chung cư cũ, khu nhà ở thấp tầng xung quanh khu vực có ga đường sắt đô thị theo mô hình TOD.

Để nâng mực nước vào mùa cạn tạo không gian cảnh quan, làm sống lại các dòng sông, tạo nguồn cấp nước ổn định phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội Thủ đô và sản xuất trong vùng, thành phố nghiên cứu, xây dựng đập dâng trên sông Hồng, sông Đuống theo Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi.

Bên cạnh đó, Hà Nội nghiên cứu phương án sử dụng phù hợp, hiệu quả quỹ đất hai bên bờ sông Hồng, sông Đuống cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là cho phát triển du lịch, dịch vụ.

Phát triển trục sông Hồng là trục trung tâm phát triển của Thủ đô với sự phân bố hài hòa các không gian sinh thái, văn hóa, lịch sử, dịch vụ, du lịch và nghỉ dưỡng, không gian đô thị hiện đại hai bên sông.

Tại khu vực đô thị, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được xây dựng hệ thống thu gom nước thải tách riêng nước mưa, kết hợp hệ thống xử lý nước thải cục bộ với hệ thống xử lý tập trung. Nghiên cứu mô hình tiêu thấm, lưu trữ, thoát nước, chống ngập thông minh kết hợp tuần hoàn nước đô thị, giải quyết triệt để tình trạng ngập úng và ô nhiễm môi trường nước.

Bảo Hân

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ha-noi-xac-dinh-khau-dot-pha-phat-trien-688162.html