Hà Nội xây dựng chiến lược hỗ trợ tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP cho huyện Lâm Hà
Lãnh đạo TP. Hà Nội đã giao các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng chiến lược hỗ trợ tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP; giống cây trồng - vật nuôi; hỗ trợ phát triển thương mại, du lịch cho huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng…
Hà Nội đã tiếp sức giúp huyện Lâm Hà về đích nông thôn mới
Tại buổi làm việc với Đoàn công tác huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng mới đây về việc kết nối, xúc tiến đầu tư, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP của huyện Lâm Hà đến các địa phương của Thủ đô Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, TP. Hà Nội đã xúc tiến đầu tư và hỗ trợ cho nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có huyện Lâm Hà. Hiện nay, tại huyện có nhiều địa phương đặt tên địa danh theo các huyện của Hà Nội và tỉnh Hà Tây (cũ).
Trên cơ sở đó, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị các cơ quan, đơn vị của TP. Hà Nội tiếp tục hỗ trợ huyện cả trước mắt cũng như lâu dài để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, qua đó nâng cao đời sống người dân, bởi Lâm Hà là một phần của Hà Nội. Hà Nội sẵn sàng ủng hộ huyện đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thương mại và quảng bá du lịch tại Thủ đô.
Bí thư Thành ủy Hà Nội mong rằng, qua chuyến thăm và làm việc lần này, Đoàn đại biểu huyện sẽ học tập được các mô hình hay, cách làm tốt trong phát triển nông thôn mới của Hà Nội. Trong đó, có kinh nghiệm phát triển nông thôn mới khi trở thành quận như huyện Đông Anh.
Bí thư Huyện ủy Lâm Hà Nguyễn Văn Sơn cho hay, huyện Lâm Hà hiện có 150.000 dân với 14 xã và 2 thị trấn, trong đó, chủ yếu là người gốc Hà Nội và tỉnh Hà Tây (cũ). Người dân ở đây sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp, với 40 nghìn héc ta cà phê, đứng thứ 2 sau huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng). Cùng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền và bà con nơi đây, huyện còn có sự hỗ trợ, giúp đỡ quý báu của TP. Hà Nội.
Trong giai đoạn 2016-2020, các địa phương của Hà Nội đã hỗ trợ xây dựng 17 công trình hạ tầng về giáo dục, giao thông…, nhờ đó, Lâm Hà đã được công nhận là huyện nông thôn mới. Tuy nhiên, đời sống của một số bà con vẫn còn khó khăn, nhất là cơ sở hạ tầng cho sản xuất. Trong đó, huyện có nhiều sản phẩm OCOP nhưng việc quảng bá, tiêu thụ thời gian qua chưa tốt. Vì thế, huyện mong muốn quảng bá, xúc tiến để tiêu thụ các sản phẩm nông sản tại Hà Nội, qua đó nâng cao giá trị kinh tế của địa phương và đời sống cho người dân.
Điểm lại những kết quả hợp tác, hỗ trợ của thành phố với huyện Lâm Hà thời gian qua, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, huyện Lâm Hà được ví như cầu nối để thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực giữa TP. Hà Nội và tỉnh Lâm Đồng; và sự hợp tác này không chỉ dừng lại ở xúc tiến quảng bá nông sản của huyện tại Hà Nội mà còn thúc đẩy hợp tác một cách toàn diện hơn, đặc biệt là về văn hóa, du lịch.
Ông Nguyễn Văn Phong dẫn số liệu thống kê hiện nay cho thấy, có khoảng 40% du khách đến với huyện Lâm Hà là từ Hà Nội. Vì thế, việc đẩy mạnh xúc tiến, hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, du lịch giữa Hà Nội với Lâm Hà có ý nghĩa quan trọng. Trong đó, TP. Hà Nội có thể tổ chức các đoàn biểu diễn văn hóa, nghệ thuật đến biểu diễn, quảng bá tại huyện Lâm Hà.
Cùng với đó, các cơ quan báo chí của Thủ đô có thể mở các chuyên mục để giới thiệu về vùng đất giàu tiềm năng của Lâm Hà. Đồng thời, thành phố Hà Nội có thể chia sẻ kinh nghiệm phát triển các mô hình nông nghiệp; hỗ trợ Lâm Hà xúc tiến, quảng bá các sản phẩm nông sản, sản phẩm du lịch tại Thủ đô.
TP. Hà Nội có 2 nguồn hỗ trợ của TP (94 tỷ) và các quận/huyện hỗ trợ (120 tỷ đồng) dành cho huyện Lâm Hà.
Theo ông Đinh Tiến Dũng, TP. Hà Nội hiện có 1.370 sản phẩm OCOP nhưng chưa có các vùng sản xuất bền vững. Trong khi đó, huyện Lâm Hà có nhiều vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp bền vững có thể hợp tác với Hà Nội để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.
Trên cơ sở hợp tác với huyện Lâm Hà, ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh việc thúc đẩy hợp tác toàn diện và mang tính chiều sâu trên các lĩnh vực với tỉnh Lâm Đồng, đặc biệt về văn hóa nghệ thuật, giáo dục đào tạo… Đồng thời, Thành phố sẵn sàng tạo điều kiện hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản của huyện Lâm Hà tại Hà Nội; tiếp tục tháo gỡ khó khăn để hoàn thành hỗ trợ cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của huyện.
Hà Nội hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP của huyện Lâm Hà lên sàn thương mại điện tử
Tại buổi làm việc do Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn chủ trì với đoàn công tác của huyện Lâm Hà, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Thủ đô Hà Nội hiện có 87 điểm quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, cùng hơn 1.000 siêu thị, nhiều trung tâm thương mại… Thời gian tới, Hà Nội sẽ hỗ trợ huyện Lâm Hà đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối này.
Cũng theo Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, ngoài các hệ thống phân phối, Hà Nội cũng thường xuyên tổ chức các tuần hàng, hội chợ… Đây cũng là cơ hội để các cơ sở sản xuất, kinh doanh của huyện Lâm Hà tham gia. Sở Công Thương sẽ thông tin và hỗ trợ truyền thông về sản phẩm của huyện Lâm Hà… Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ hỗ trợ huyện Lâm Hà đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử khi thực tế hiện nay cũng đã có 8 sản phẩm của huyện Lâm Hà lên sàn thương mại điện tử của TP.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, tỉnh Lâm Đồng có 15 chuỗi liên kết với Hà Nội, trong đó có nhiều sản phẩm của huyện Lâm Hà. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục hỗ trợ huyện Lâm Hà trong việc cung ứng giống rau, hoa; giống bò sữa, bò thịt chất lượng cao; hỗ trợ các đoàn công tác của huyện Lâm Hà đến tham quan, học hỏi những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Hà Nội…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn đánh giá, thời gian qua, Hà Nội đã tích cực hỗ trợ huyện Lâm Hà nhưng chủ yếu là về nâng cấp cơ sở hạ tầng, do đó, thời gian tới cần đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nhằm nâng cao đời sống cho người dân huyện.
Đối với nội dung kiến nghị của huyện Lâm Hà, ông Lê Hồng Sơn đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành của Hà Nội và huyện Lâm Hà trong việc xây dựng chiến lược, kế hoạch hợp tác, hỗ trợ bài bản, lâu dài; trong đó, giao đầu mối, phân công cụ thể các nội dung nhiệm vụ, phần việc cho các sở, ngành, địa phương để tổ chức thực hiện hiệu quả.
Đặc biệt, trong công tác hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP cho huyện Lâm Hà, cần huy động sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp; trong đó, lựa chọn một số doanh nghiệp tiêu biểu của Hà Nội để cùng đoàn công tác của các sở, ngành trực tiếp vào khảo sát, đầu tư tại huyện Lâm Hà.
Đối với nhiệm vụ cụ thể, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội đề nghị Sở Công Thương nghiên cứu, xây dựng chiến lược hỗ trợ tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ về giống cây trồng - vật nuôi; Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Du lịch lựa chọn mô hình điểm để hỗ trợ phát triển thương mại, du lịch cho huyện Lâm Hà…