Hà Nội: Xây dựng phương án chủ động tự cung, tự cấp hàng hóa
Đặt tình huống các địa phương khác bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Phó Chủ tịch TP. Hà Nội yêu cầu các ngành liên quan xây dựng phương án chủ động tự cung, tự cấp hàng hóa một cách cao nhất, đáp ứng được nhiều nhất nhu cầu hàng hóa; xây dựng phương án 'luồng xanh' trong nội đô từ vùng sản xuất đến các cửa hàng phân phối, bảo đảm thông suốt, không ách tắc.
Chiều 19/7, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền chủ trì cuộc họp về phương án cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Hà Nội. Cuộc họp có sự tham dự của đại diện các sở, ngành, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Thành đoàn Hà Nội, đại diện các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa lớn như: BRG, Big C Thăng Long, Saigon Coop...
Bảo đảm hàng hóa cung ứng cho thị trường
Tại cuộc họp, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, từ đầu năm, Sở đã tính toán 17 mặt hàng thiết yếu và nhu cầu sử dụng của người dân trong một tháng. Theo đó, trong một tháng, nhu cầu thiết yếu của 17 mặt hàng có giá trị 21.000 tỷ đồng, từ đó Sở đề xuất doanh nghiệp tăng lượng dự trữ lên gấp 3 lần. Từ đầu năm, các doanh nghiệp đã dự trữ với giá trị khoảng 194.000 tỷ đồng. Do đó, suốt 7 tháng qua, diễn biến dịch bệnh phức tạp nhưng hàng hóa vẫn bảo đảm cung ứng tốt, chưa xảy ra tình trạng tăng giá đột biến.
Đến thời điểm này, theo bà Lan, thuận lợi nhất là Thành phố đang khống chế dịch tốt, dịch bệnh đang trong tầm kiểm soát nên việc cung ứng hàng hóa thuận lợi...
"Khi dịch bệnh phức tạp hơn thì sẽ có rất nhiều tình huống xảy ra", vì vậy, bà Trần Thị Phương Lan đề nghị Sở Giao thông vận tải tham mưu cho Thành phố về phương án vận chuyển; bên cạnh đó là công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Để khắc phục tình trạng thiếu nguồn nhân lực, hệ thống phân phối có đề nghị đoàn thanh nhiên hỗ trợ thêm nguồn lực trong trường hợp cần huy động. Với ngành y tế, cần đặt ra bài toán hướng dẫn sản xuất bảo đảm chống dịch; lưu thông hàng hóa, vận chuyển và xét nghiệm việc vận chuyển như thế nào để nhanh chóng hỗ trợ cho hệ thống phân phối.
Đại diện Quản lý thị trường cho biết, tối qua lực lượng đã triển khai kiểm tra tại các hệ thống siêu thị, tuyên truyền cho người dân về việc hàng hóa bảo đảm, người dân không cần tích trữ. Sau thời điểm tối qua sức mua có tăng, đến sáng nay hàng hóa đầy đủ tại các siêu thị và lượng mua giảm. Tuy nhiên, Thành phố cần kịch bản cho các nguồn hàng theo từng cấp độ. Với mặt hàng đồ khô có thể không thiếu cục bộ nhưng riêng về thực phẩm tươi sống, rau củ quả phải có kế hoạch; chuẩn bị về kho bãi cho hàng hóa; xây dựng phương án vận chuyển, phương án nhân lực trong điều kiện nếu bị ảnh hưởng bởi dịch; đẩy mạnh bán hàng online đưa hàng đến người tiêu dùng. Bên cạnh đó cần lên kịch bản nguồn hàng tại các chợ truyền thống, tránh sự thiếu hụt.
Trao đổi tại cuộc họp, đại diện Công ty bán lẻ BRG; đại diện Masan (siêu thị Vinmart và Vinmart +); đại diện cho hệ thống Big C, Nguyễn Kim... đều nêu các ý kiến kinh nghiệm từ bài học thực tế của các đơn vị có cơ sở kinh doanh ở TPHCM. Đại diện hệ thống Vinmart nêu, hiện nay thay vì trữ tại các đơn vị cung cấp, Vinmart đã mở rộng các kho bãi tại Hà Nội để sẵn sàng ứng cứu phòng trường hợp các siêu thị hết hàng. Hiện nay, Vinmart có 4 kho bãi tại Đông Anh, Thanh Trì và một kho phụ trợ tại Bắc Ninh.
Còn theo đại diện hệ thống Mega market Việt Nam, doanh nghiệp đã rút kinh nghiệm và lên kịch bản cho các chuỗi hệ thống tại Hà Nội.
Doanh nghiệp cũng nêu ý kiến, theo quy định thì các cửa hàng chỉ được mở cửa đến 21h, tuy nhiên, trong bối cảnh giãn cách xã hội, nhu cầu mua sắm của nhân dân cao thì doanh nghiệp đề xuất Thành phố và các sở, ngành cho phép kéo dài thời gian mở cửa.
Tạo "luồng xanh" trong nội đô để không ách tắc
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh tinh thần ưu tiên cho phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm sự an toàn cho người dân, cho xã hội. Vì vậy, sau cuộc họp, các ngành phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, các nội dung thảo luận, chia sẻ tại cuộc họp để triển khai cụ thể phương án của từng đơn vị.
Phó Chủ tịch TP. Hà Nội yêu cầu: "Người đứng đầu các đơn vị phải nhập vai vào tình huống khi dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn để chỉ đạo ngay từ đơn vị mình".
Với ngành nông nghiệp, cần tính toán theo lộ trình dịch bệnh có thể tiếp diễn 14 ngày, một tháng hay nhiều hơn, như thế sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sản xuất. Từ đó xây dựng, rà soát lại ngành sản xuất, rà soát mùa vụ đang trồng loại rau, củ, quả nào; rà soát về gia súc, gia cầm, thủy sản... để có phương án tổ chức sản xuất tham mưu cho Thành phố.
"Tất cả phải theo tinh thần chủ động tự cung, tự cấp một cách cao nhất, đáp ứng được nhiều nhất nhu cầu hàng hóa của người dân", Phó Chủ tịch Thành phố yêu cầu.
Về giao thông vận tải, đề nghị xây dựng phương án "luồng xanh" trong nội đô. Từ cung cấp của Sở Công Thương về tổng hợp các điểm bán hàng để phân phối, Sở Giao thông vận tải xây dựng phương án "luồng xanh" từ vùng sản xuất đến các cửa hàng phân phối, bảo đảm thông suốt, không ách tắc.
Sở Công Thương cần rà soát lại toàn bộ hệ thống chợ, TTTM, cửa hàng tiện ích, cửa hàng bình ổn, lên danh sách cụ thể để khi hàng hóa về thì phân phối bảo đảm tiêu dùng. Tính toán từng loại sản phẩm để tiếp tục thực hiện liên kết chuỗi với các địa phương ở khu vực phía bắc, đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu cần đa dạng vùng cung cấp, không chỉ lấy nguồn cung cấp hàng hóa chỉ ở một vùng để có phương án thay thế khi cần thiết.