Hà Nội: Xe khách trá hình ngang nhiên lập 'bến cóc' khắp nội thành

Để đối phó với lực lượng chức năng, một số hãng xe khách vẫn đăng ký lấy lệ vài 'nốt' tuyến cố định trong các bến xe sau đó đưa những phương tiện khác mang phù hiệu xe hợp đồng phục vụ đón khách tại văn phòng, 'bến cóc' trong nội thành Hà Nội…

Hãng xe Daiichi Travel đón hành khách đi tuyến cố định Hà Nội – Quảng Ninh ngay ở địa chỉ văn phòng ở số 96 Nguyễn Hữu Huân, Hoàn Kiếm, Hà Nội (ảnh chụp chiều 29/8). Ảnh: PV

Hãng xe Daiichi Travel đón hành khách đi tuyến cố định Hà Nội – Quảng Ninh ngay ở địa chỉ văn phòng ở số 96 Nguyễn Hữu Huân, Hoàn Kiếm, Hà Nội (ảnh chụp chiều 29/8). Ảnh: PV

Xe khách được cấp cả phù hiệu xe hợp đồng

Số liệu từ Sở GTVT Hà Nội cho hay, tính đến nay, mạng lưới tuyến vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh đường bộ kết nối từ 6 bến xe: Giáp Bát, Gia Lâm, Mỹ Đình, Yên Nghĩa, Nước Ngầm và Sơn Tây đến 41 tỉnh, thành phố trên cả nước.Theo đó, có 655 tuyến vận tải, 450 đơn vị vận tải, 4.647 phương tiện, thực hiện 4.766 chuyến/ngày, trong đó có 51 đơn vị vận tải có trụ sở trên địa bàn Hà Nội với 930 phương tiện.

Theo nhận định của Sở GTVT Hà Nội, hoạt động vận tải khách liên tỉnh tuyến cố định trên địa bàn Hà Nội thời gian qua có dấu hiệu sụt giảm, nhiều nhà xe bỏ bến, hoạt động không đạt 70% số chuyến xe theo biểu đồ đã được phê duyệt. Nhiều nguyên nhân được Sở GTVT Hà Nội chỉ ra, trong đó, các nguyên nhân như sự "bùng nổ" của xe hợp đồng trá hình dạng Limousine, xe "dù", xe chạy tuyến cố định cùng một lúc được cấp hai phù hiệu "xe chạy tuyến cố định" và "xe hợp đồng".

Trong đó, theo Sở GTVT Hà Nội, nắm bắt được nhu cầu và tâm lý đi lại của người dân, nhiều đơn vị vận tải đầu tư phương tiện chất lượng cao "lách luật" hoạt động theo hình thức xe hợp đồng, du lịch để vận chuyển hành khách như tuyến cố định với nhiều phương thức hoạt động, thu hút được người dân sử dụng dịch vụ.

Một số đơn vị vận tải ký hợp Xđồng vận chuyển hành khách với các đơn vị du lịch, lữ hành để thường xuyên tổ chức nhận đặt chỗ, gom khách, hoạt động vận chuyển hành khách hai chiều như tuyến cố định hoạt động. Thống kê của Sở GTVT Hà Nội cũng cho thấy, hiện có khoảng 22 tỉnh, thành phố (chủ yếu ở khu vực miền Bắc và Thanh Hóa) có xe hợp đồng Limousine - loại thường xuyên hoạt động tại Hà Nội. Một thực trạng nữa là xe khách được cấp cả phù hiệu xe hợp đồng. Khi bị kiểm tra xử lý, tùy vào tình huống, đơn vị vận tải sẽ xuất hiện loại phù hiệu giấy tờ kèm theo để che mắt, chống chế với lực lượng chức năng kiểm tra xử lý vi phạm.

Đón khách lẻ, thu tiền trực tiếp rồi lập danh sách

Đi sâu tìm hiểu về nạn "xe dù, bến cóc", chúng tôi được ông Đào Việt Long - Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội) cung cấp thông tin: Hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 655 tuyến vận tải cố định, liên tỉnh, 450 đơn vị vận tải với hơn 4.000 phương tiện hoạt động. Trong khi đó, số lượng xe hợp đồng lớn hơn gấp nhiều lần, đó là chưa tính đến khoảng 46.000 xe hợp đồng và xe du lịch. Lý do chính khiến nhiều nhà xe sử dụng xe khách trá hình là nhằm trốn các loại thuế, phí, cụ thể là phí dịch vụ bến bãi, thuế VAT, thuế thu nhập...

Đánh giá về tình trạng "xe dù, bến cóc" tại Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Mạnh - Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải ô tô Điện Biên cho biết, sau khi TP. Hà Nội điều chuyển luồng tuyến vận tải nhằm bảo đảm trật tự ATGT, dường như tình trạng "bến cóc", "xe dù" lại hoạt động thuận lợi hơn, đặc biệt là các khu vực xung quanh các bến xe.

"Thậm chí, tình trạng "xe dù, bến cóc" đã diễn ra suốt 4 - 5 năm nay nhưng vẫn không được xử lý dứt điểm. Doanh nghiệp vận tải hành khách liên tỉnh tuyến cố định phải chịu sự quản lý rất chặt chẽ nhưng loại hình xe hợp đồng thì lại lỏng lẻo, dẫn tới phá vỡ quy hoạch luồng tuyến vận tải, gây mất trật tự ATGT...", ông Mạnh cho biết.

Trong vai hành khách từ Hà Nội đi du lịch Hải Phòng, chiều 29/8, phóng viên đã gọi điện đặt chỗ và được nhân viên thông báo xe đón ở tuyến phố Nguyễn Hữu Huân (quận Hoàn Kiếm). Khi chúng tôi vừa đi taxi đến đầu phố Nguyễn Hữu Huân, ngay lập tức có vài người ào đến mở cửa xe hỏi: "Các anh đi Cát Bà, Hải Phòng à? Để tôi chở ra xe đi ngay, 20.000 đồng tiền xe ôm thôi".

Lên xe ôm đến văn phòng hãng xe Daiichi Travel ở số 96 Nguyễn Hữu Huân, chúng tôi hỏi nhân viên phòng vé: "Chuyến xe gần nhất đi Cát Bà, Hải Phòng khởi hành lúc mấy giờ?" thì nhận được câu trả lời: "14h30 xe xuất bến tại đây, giá vé 260.000 đồng/người". Sau khi mua 2 vé xe đi Cát Hải, Hải Phòng, chúng tôi được người của Văn phòng Daiichi Travel dồn lên chiếc xe 45 chỗ. Đúng lịch, chiếc xe "xuất bến" và chạy ra phía đường 5B đón thêm một nhóm khách khác.

Tương tự, các nhà xe khác chạy tuyến Hà Nội – Quảng Ninh như Phúc Xuyên, Hà Vy, Trung Thành và Nhật Hồng cũng không vào bến xe đón khách mà lập "bến cóc" tại văn phòng và một số điểm ngay trong nội đô. Có một điểm chung, mặc dù gắn phù hiệu xe hợp đồng nhưng các nhà xe này "vô tư" đón khách lẻ, thu tiền trực tiếp của hành khách rồi hỏi tên để ghi vào danh sách nhằm đối phó khi cơ quan chức năng kiểm tra.

Tiếp tục hành trình mục sở thị, với nhu cầu tìm xe khách đi tỉnh Thái Bình, chúng tôi thấy một hàng dài các hãng xe mời chào, trong đó có rất nhiều hãng không đăng ký chạy tuyến cố định trong các bến xe hoặc chỉ đăng ký lấy lệ vài "nốt", còn chủ yếu dùng xe mang phù hiệu xe hợp đồng, đón khách tại văn phòng của nhà xe, tại các "bến cóc" trong nội thành và dọc đường. Có những nhà xe còn ngang nhiên đón, trả khách ở khu vực trường học, bệnh viện và trước cổng Bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát như các hãng xe Tôn Thắng, Phiệt Học, Hà Hải...

Không thể lấy lý do chưa có hành lang pháp lý mà thiếu xử lý chặt

Trước vấn nạn nhức nhối trên, trong tháng 4 vừa qua, tại buổi làm việc giữa Bộ GTVT và Ủy ban ATGT Quốc gia về xử lý "xe dù, bến cóc", Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ yêu cầu thành lập 3 đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành để xử lý "xe dù, bến cóc", xe hợp đồng trá hình, trong đó phải xây dựng một kế hoạch cụ thể, phân công rõ thành viên, thông báo rõ nội dung kiểm tra.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng cho rằng, không thể lấy lý do chưa có hành lang pháp lý mà thiếu xử lý chặt chẽ. Chỉ cần các cán bộ địa phương, cơ quan chuyên ngành quyết liệt, truy tận gốc vấn đề, không cần làm nhiều, chỉ cần làm vài điểm thật mạnh, thật nghiêm, "không cưỡi ngựa xem hoa" thì chắc chắn vi phạm sẽ giảm.

Nhóm Phóng Viên

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/ha-noi-xe-khach-tra-hinh-ngang-nhien-lap-ben-coc-khap-noi-thanh-20190830160015831.htm