Hà Nội: Xét tuyển đặc cách, hàng trăm giáo viên hoang mang vì không có bảo hiểm
Hàng trăm giáo viên hợp đồng tại hai huyện Ứng Hòa và Mỹ Đức (Hà Nội) đang hoang mang vì không được tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo Bộ luật Lao động, không đáp ứng đủ điều kiện để được xét tuyển đặc cách.
Gần chục năm công tác vẫn chưa được đóng bảo hiểm
Sau suốt nhiều tháng đấu tranh, hàng nghìn giáo viên hợp đồng của Hà Nội đã nhận được câu trả lời sẽ tiến hành xét đặc cách cho giáo viên có thời gian ký hợp đồng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của luật Bảo hiểm xã hội làm công việc giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn trước ngày 31/12/2015.
Tuy nhiên, sau khi có thông tin này, hàng trăm giáo viên hợp đồng tại hai huyện Ứng Hòa và Mỹ Đức lại được phen hoang mang, đứng trước nguy cơ thất nghiệp, bởi, trong nhiều năm được ký hợp đồng giảng dạy, những giáo viên này chưa được hưởng bất kỳ chế độ đãi ngộ nào cũng như không được tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo Bộ luật Lao động.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, cô giáo N.T.H., một giáo viên hợp đồng giảng dạy môn Địa lý từ ngày 08/10/2012, tại một trường trung học cơ sở trên địa bàn huyện Ứng Hòa cho biết, cho đến nay, vẫn không được đóng bảo hiểm xã hội. “Trên địa bàn huyện Ứng Hòa, theo tôi được biết, chỉ có giáo viên mầm non được đóng bảo hiểm, còn giáo viên bậc tiểu học và trung học thì không được đóng bảo hiểm”, giáo viên này thổ lộ.
Cô giáo N.T.H. thở dài khi nhắc đến câu chuyện của mình: “Tôi đã đi dạy được gần 8 năm. Vì yêu nghề, tôi vẫn cố gắng bám trụ với đồng lương ít ỏi mong có ngày được tuyển vào viên chức. Suốt những năm qua, tôi cũng có tham gia kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, năm nào cũng bồi dưỡng học sinh giỏi môn Địa lý, cũng được xem là có những cống hiến nhất định cho ngành giáo dục địa phương.
Nhưng, kỳ thi tuyển vừa rồi, riêng huyện tôi có khoảng 400 thí sinh tham gia kỳ thi, thì trượt đến gần một nửa. Đa số các thầy cô cũng giống như tôi, trượt ở môn Tiếng Anh. Như tôi, trước đây, hồi còn đi học, môn ngoại ngữ mà tôi học là Tiếng Trung, rồi sau bao nhiêu năm ra trường, giảng dạy, không sử dụng ngoại ngữ, giờ lại bắt thi Tiếng Anh, nên tôi không có thời gian để ôn luyện, cũng không đủ khả năng để trau dồi cấp tốc”.
“Kỳ thi vừa rồi, trường tôi có hai chỉ tiêu, giáo viên môn Toán và môn Địa lý, vẫn trống vị trí giáo viên bộ môn Địa lý. Trên địa bàn huyện, cũng trong tình trạng chung là thiếu rất nhiều giáo viên Địa lý, chủ yếu là các giáo viên hợp đồng.
Giáo viên hợp đồng ở huyện Ứng Hòa rất mong muốn được xét đặc cách nhưng cũng nhận thấy không đủ điều kiện, vì còn chưa được đóng bảo hiểm. Chính vì vậy, tôi rất mong mỏi và hy vọng có thể được xét tuyển đặc cách và tạo điều kiện đối với việc chưa được đóng bảo hiểm”, cô giáo N.T.H. cũng bày tỏ.
“Có kế hoạch” đóng bảo hiểm, nhưng chưa thực thi
Chia sẻ về vấn đề từng “có kế hoạch đóng bảo hiểm” của huyện Ứng Hòa, cô giáo Q.T.H., một giáo viên tiểu học đã có hơn 6 năm giảng dạy cho biết: “Sau khi ra trường, tôi công tác 2 năm ở huyện Mỹ Đức, sau đó, năm 2016, tôi lập gia đình nên chuyển công tác sang huyện Ứng Hòa.
Cũng vì thế, tôi càng băn khoăn, vì cả hai huyện Mỹ Đức và Ứng Hòa đều không đóng bảo hiểm; mà tôi công tác đã 6 năm nhưng hợp đồng ở hai huyện khác nhau nên cũng chưa biết mình có được xét tuyển đặc cách hay không?!
Năm 2018, huyện Ứng Hòa cũng có đề xuất đóng bảo hiểm, trường tôi mới đưa ra đề xuất nhưng chưa thực hiện. Còn như ở trường bạn tôi, khoảng đầu năm 2018, Hiệu trưởng có đi dự một hội nghị về cũng thông báo “Sắp được đóng bảo hiểm”, kế toán trích một phần lương vì “có kế hoạch” đóng bảo hiểm, tuy nhiên, sau đó, chưa được cấp kinh phí nên lại trả lại phần đó cho giáo viên.
Tôi cũng thấy có sự thiệt thòi. Như những bạn bè cùng khóa tốt nghiệp với tôi, hiện đang dạy ở Chương Mỹ, Thanh Oai, Hà Đông,… đều nói rằng được trích lương đóng bảo hiểm ngay từ khi bắt đầu ký hợp đồng lúc mới ra trường”.
Cô giáo L.T.T. cho biết: “Trong khoảng hai năm gần đây, kế toán của trường có nói rằng trích lại một phần lương vì sắp tới “có kế hoạch” đóng bảo hiểm. Mặc dù không còn được nhận nguyên lương là 1.490.000 đồng, nhưng chúng tôi cũng mừng vì được đóng bảo hiểm. Tuy nhiên, đến khoảng 1 tháng trước kỳ thi tuyển viên chức, kế toán lại hoàn trả lại khoản tiền đó và thông báo là chưa được đóng bảo hiểm.
Có thể ở huyện cũng đã có sự liên hệ để đóng bảo hiểm cho giáo viên nhưng gặp khó khăn ở khâu nào đó nên lại không thành công”.
“Tình trạng này cũng khiến chúng tôi hết sức băn khoăn, như hiện nay, trường tôi đang còn tôi và một giáo viên nữa là giáo viên hợp đồng, dự tính sang năm tới tổ chức thi tuyển tiếp. Nhưng chúng tôi cũng lo lắm!
Biết đâu các giáo viên ở trường khác đỗ rồi, về đây dạy thay chúng tôi thì hết hạn hợp đồng 31/12/2019, chúng tôi lại không được ký nữa. Vậy thì sau bao nhiêu năm công tác, cống hiến lại “đi tong”, cho nghỉ việc luôn”, cô giáo L.T.T trăn trở.
Việc ký hợp đồng giảng dạy với hàng trăm giáo viên hợp đồng của huyện Ứng Hòa cả gần chục năm nay, nhưng không hề đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đang gây bức xúc trong dư luận. Hàng trăm giáo viên đã nhiều năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” vẫn đứng trước nguy cơ mất việc và mất cơ hội được tuyển dụng đặc cách do không được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. “Số phận” những “người đưa đò” tri thức sẽ đi về đâu?!