Hà Nội: Xử lý hành chính 1.230 vụ buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng
Theo Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội, tình hình buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm và gian lận thương mại trên địa bàn thành phố vẫn còn xảy ra.
Gia tăng tình trạng lợi dụng luồng thông quan hàng hóa để buôn lậu
Hà Nội: Xử lý hành chính hơn 630 vụ buôn lậu, gian lận thương mại
Ngân hàng đối diện khoảng hẫng pháp lý về xử lý nợ xấu
Nhiều vụ việc bị phát hiện có liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ.
Chủ yếu nhóm hàng tiêu thụ cao
Vi phạm chủ yếu tập trung vào nhóm các mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao như: mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, các mặt hàng phòng chống dịch…
Trong vòng 1 tháng, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 thành phố đã thanh tra, kiểm tra 1.339 vụ; xử lý hành chính 1.230 vụ; khởi tố 5 vụ đối với 9 đối tượng.
Một số vụ việc điển hình như Đội Quản lý thị trường số 1 - Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội thu giữ 11.250 chiếc kính che mặt chống giọt bắn 8M xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đang được bảo hộ; Đội Quản lý thị trường số 15 - Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội phối hợp Phòng 6 - C05 Bộ Công an phát hiện vụ việc kinh doanh hơn 900 kg thực phẩm là tràng lợn, đùi gà, cá tầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Thời gian qua, Ban Chỉ đạo 389 thành phố đã thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo về tăng cường chống buôn lậu, vận chuyển trái phép pháo nổ; kiểm tra, kiểm soát hoạt động nhập khẩu và kinh doanh cá tầm; chống buôn lậu, gian lận thương mại mặt hàng đường cát có xuất xứ từ Thái Lan.
Bên cạnh đó, các đơn vị cũng đã tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển kinh doanh thuốc lá điếu, thuốc lá xì gà do nước ngoài sản xuất; kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật thủy sản và sản phẩm động vật thủy sản từ nước ngoài vào Việt Nam; kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, vận chuyển khẩu trang, găng tay không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc,...
Cùng với đó, ban hành văn bản số 907/BCĐ389/TP-CQTT ngày 05/11/2021 về tăng cường kiểm soát mặt hàng thịt lợn, thúc đẩy các giải pháp bình ổn giá thịt lợn.
Được biết, thành viên Quản lý thị trường thành phố và Quản lý thị trường quận, huyện, thị xã thường xuyên bám sát và kịp thời triển khai các văn bản chỉ đạo, điều hành của cấp trên.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của các sở, ngành, các lực lượng chức năng đã được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, tuân thủ quy định của pháp luật.
Gắn với nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, các lực lượng chức năng luôn quan tâm, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động người dân cam kết không buôn lậu, không kinh doanh hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng và vi phạm an toàn thực phẩm, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh chấp hành các quy định của pháp luật.
Kiểm soát thương mại điện tử
Trong những ngày cuối năm, lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả của Thủ đô sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và văn bản của Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công thương về việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, vận chuyển khẩu trang, găng tay không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc; văn bản của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tiếp tục rà soát, hoàn thiện xử lý khó khăn, vướng mắc trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Cùng với đó, tăng cường công tác chỉ đạo các lực lượng chức năng đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vào các tháng cuối năm 2021, nhất là tại các tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Ban Chỉ đạo 389 thành phố cũng tập trung kiểm soát hoạt động vận chuyển trái phép các mặt hàng phòng, chống dịch Covid-19; lợi dụng thương mại điện tử để buôn lậu, kinh doanh hàng giả và các mặt hàng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm...
Đặc biệt, chú trọng công tác quản lý tốt địa bàn; kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý hàng hóa, không niêm yết giá và bán không đúng giá niêm yết.