Hà Nội yêu cầu các cơ sở công khai nguồn gốc thực phẩm
UBND Thành phố yêu cầu tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiểm nghiệm, hậu kiểm, giám sát chất lượng ATTP, kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; yêu cầu các cơ sở công khai Giấy chứng nhận/cam kết ATTP và địa chỉ cơ sở cung cấp nguyên liệu nguồn gốc thực phẩm.
Với mục tiêu nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) từ Thành phố tới các xã, phường, thị trấn, UBND Thành phố ban hành kế hoạch chỉ đạo triển khai công tác An toàn thực phẩm thành phố Hà Nội năm 2020, yêu cầu các cấp, ngành Thành phố tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Quán triệt thực hiện quyết liệt các nội dung chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thành ủy, UBND Thành phố về công tác ATTP;
Tăng cường tuyên truyền Tháng hành động, Tháng cao điểm vì ATTP trên địa bàn Thành phố… Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiểm nghiệm, hậu kiểm, giám sát chất lượng ATTP, kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; yêu cầu các cơ sở công khai Giấy chứng nhận/cam kết ATTP và địa chỉ cơ sở cung cấp nguyên liệu nguồn gốc thực phẩm; chủ động giám sát chất lượng thực phẩm lưu thông trên thị trường và các vùng sản xuất; tăng cường phối hợp với các tỉnh trong quản lý, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, nông, lâm, thủy sản vào Hà Nội;
Xây dựng các mô hình điểm, chuyên đề về ATTP, phát triển các vùng sản xuất an toàn, phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ an toàn, kiểm soát kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Hỗ trợ các sản phẩm OCOP tới các hệ thống phân phối, người tiêu dùng Thủ đô, trong nước, tiến tới xuất khẩu. Phát triển ứng dụng sử dụng QRcode trong quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc, đảm bảo ATTP đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Xây dựng kế hoạch thí điểm bắt buộc đối với một số sản phẩm nông sản phải có mã truy suất điện tử QR trên hệ thống (check.gov.vn) và xây dựng kế hoạch tích hợp vào Hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa Quốc gia.
Triển khai và quản lý quy hoạch về lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn Thành phố đến năm 2020. UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng lộ trình, phương án cụ thể để di dời các cơ sở giết mổ trong khu dân cư vào các cơ sở giết mổ tập trung đã và đang được triển khai xây dựng. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở giết mổ vi phạm quy định về vệ sinh thú y, ATTP, đảm bảo giảm nhanh số điểm giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo ATTP.
Triển khai đầu tư phát triển hệ thống chợ, chợ đầu mối thông qua kết hợp giữa cải tạo và nâng cấp hệ thống chợ, chợ đầu mối hiện có với việc mở rộng và phát triển thêm các chợ, chợ đầu mối mới theo quy hoạch. Phát triển Chợ Thương mại điện tử tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản xuất theo chuỗi giá trị. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm. Sử dụng các xe chuyên dụng kiểm nghiệm nhanh ATTP trong kiểm tra các chợ, chợ đầu mối, siêu thị, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm.
Đảm bảo kinh phí, nhân lực, cơ sở vật chất phục vụ ATTP; nghiên cứu mô hình bộ máy tổ chức quản lý ATTP thuộc UBND Thành phố. Thực hiện các thủ tục hành chính về ATTP; tăng cường cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, Giấy xác nhận kiến thức về ATTP.