Hà Nội: Yêu cầu công khai các vụ vi phạm an toàn thực phẩm

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà yêu cầu, trong dịp cao điểm kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) cuối năm, thành phố yêu cầu các lực lượng chức năng phải công khai các vi phạm…

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: PV)

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: PV)

Ban Chỉ đạo (BCĐ) công tác ATTP TP Hà Nội vừa tổ chức giao ban với các quận, huyện, thị xã nhằm tập trung triển khai kế hoạch bảo đảm ATTP dịp cuối năm 2023 và dịp Tết, lễ hội đầu năm 2024.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, ông Vũ Cao Cương cho biết, 10 tháng đầu năm 2023, qua công tác thanh tra, kiểm tra, các lực lượng chức năng phát hiện 10.240 cơ sở vi phạm, trong đó 6.578 cơ sở bị phạt với số tiền hơn 14 tỷ đồng.

“Tình hình vận chuyển, buôn bán, thực phẩm nhập lậu, không bảo đảm ATTP từ tỉnh khác vào Hà Nội tuy giảm nhưng còn diễn ra. Vẫn còn tồn tại các điểm kinh doanh tự phát lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, nơi công cộng, không bảo đảm ATTP”, ông Cương cho hay.

Bàn về vấn đề này, theo Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội, 11 tháng năm 2023, ngành đã kiểm tra và phát hiện hơn 700 vụ vi phạm về ATTP, thu giữ nhiều tấn hàng hóa vi phạm, điển hình là vụ thu giữ 53 tấn thịt hết hạn sử dụng. Lực lượng quản lý thị trường đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để xem xét xử lý hình sự 5 vụ việc vi phạm đặc biệt nghiêm trọng về ATTP.

Ý kiến của đại diện nhiều sở, ngành, địa phương cũng cho thấy, việc bảo đảm ATTP đã khó, khâu tiêu hủy hàng hóa, sản phẩm vi phạm các quy định ATTP càng khó khăn. Nguyên nhân là chủ sở hữu hàng hóa bị phát hiện thường "bỏ của chạy lấy người". Thực tế này khiến các bên liên quan phải tìm nơi tạm trữ, sau đó tổ chức tiêu hủy, nhưng trên địa bàn TP hiện thiếu điểm tích trữ, các cơ quan chức năng thiếu kinh phí tiến hành tiêu hủy…

Để bảo đảm ATTP, trong thời gian qua, các cơ sở, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp phù hợp với từng địa phương. Như huyện Mê Linh, hiện có khoảng 15 kho chứa thực phẩm đông lạnh thường xuyên hoạt động. Huyện Mỹ Đức có Lễ hội chùa Hương thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan, sử dụng nhiều dịch vụ trong 3 tháng đầu năm, vì vậy, lực lượng chức năng của huyện tập trung vào công tác tập huấn về ATTP cho các hộ kinh doanh.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường đã ban hành kế hoạch cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường tháng cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán 2024. Trong đó, tập trung phát hiện xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc…

Kết luận tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà yêu cầu các sở, ngành chức năng, địa phương tập trung cao độ, hành động quyết liệt nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch 2024, Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân Giáp Thìn 2024. Thời gian thực hiện cao điểm trong 90 ngày, từ 15/12/2023 đến hết ngày 15/3/2024.

BCĐ công tác ATTP từ TP đến cơ sở cần rà soát lại thành viên, phân công nhiệm vụ, yêu cầu tất cả thành viên vào cuộc với trách nhiệm cao nhất. Các ngành, địa phương cũng cần xác định rõ địa bàn trọng điểm cần tập trung bảo đảm ATTP, đồng thời chủ động tiến hành thanh, kiểm tra theo thẩm quyền. Nếu phát hiện hành vi vi phạm, lực lượng chức năng cần công khai thông tin, nguyên nhân, kết quả xử lý để người dân nắm rõ, chủ động không sử dụng sản phẩm không bảo đảm an toàn.

Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND TP lưu ý các đơn vị chức năng thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận. Đường dây nóng của BCĐ công tác ATTP TP do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP vận hành, làm đầu mối tiếp nhận thông tin 24/7. Từ thông tin tiếp nhận, các bên có trách nhiệm xác minh, vào cuộc xử lý trong thời gian sớm nhất.

Bích Hằng

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/ha-noi-yeu-cau-cong-khai-cac-vu-vi-pham-an-toan-thuc-pham-post497543.html