Hà Nội: Yêu cầu không được lợi dụng việc chuyển đổi vị trí công tác để vụ lợi, trù dập cán bộ

UBND thành phố Hà Nội nêu rõ yêu cầu, không được lợi dụng việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác vì vụ lợi hoặc để trù dập cán bộ, công chức, viên chức.

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 4410 về việc ban hành Chuyên đề số 9 về thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác theo Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 59 của Chính phủ.

Hà Nội: Không được lợi dụng chuyển đổi vị trí công tác để trù dập cán bộ

Bài liên quan

Hà Nội chấp thuận khai thác trở lại các tuyến xe khách liên tỉnh, xe buýt và taxi

Hà Nội: Ngày mai 14/10, hàng ăn uống tại chỗ, xe buýt được hoạt động trở lại

Hà Nội chưa có kế hoạch cho học sinh đi học trở lại

Cụ thể, danh mục vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi gồm 2 nhóm công việc với 119 vị trí công tác.

Trong đó, nhóm quản lý ngân sách, tài sản trong cơ quan, đơn vị (phân bổ ngân sách; kế toán; mua sắm công) có 3 vị trí.

Nhóm trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc (tổ chức cán bộ; tài chính, ngân hàng; công thương; xây dựng; giao thông; y tế; văn hóa - thể thao và du lịch; thông tin và truyền thông; tài nguyên và môi trường; nông nghiệp và phát triển nông thôn; đầu tư và ngoại giao; tư pháp; lao động - thương binh và xã hội; khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; quốc phòng; công an; thanh tra và phòng, chống tham nhũng) có 116 vị trí.

Phương thức thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác là chuyển đổi vị trí công tác cùng chuyên môn, nghiệp vụ từ bộ phận này sang bộ phận khác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; giữa các lĩnh vực, địa bàn được phân công theo dõi, phụ trách, quản lý hoặc giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương.

Chuyển đổi vị trí công tác được thực hiện bằng văn bản điều động, bố trí, phân công nhiệm vụ đối với người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.

Các trường hợp chưa thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác, gồm: Người đang trong thời gian bị xem xét, xử lý kỷ luật; người đang bị kiểm tra, xác minh, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử; người đang điều trị bệnh hiểm nghèo được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận; người đang đi học tập trung từ 12 tháng trở lên; người đang biệt phái; phụ nữ đang trong thời gian mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; nam giới đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi do vợ mất hoặc trong trường hợp khách quan khác.

Trường hợp không thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác: Không thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với người có thời gian công tác còn lại dưới 18 tháng cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu; chuyển đổi vị trí công tác trong trường hợp đặc biệt.

Đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ có một vị trí trong danh mục định kỳ chuyển đổi mà vị trí này có yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ khác với các vị trí còn lại của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó thì việc chuyển đổi do người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp lập kế hoạch chuyển đổi chung.

Quan điểm trong việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ thuộc danh mục vị trí công tác theo quy định và phải được thực hiện thường xuyên theo kế hoạch, được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; có sự giám sát của tổ chức đoàn thể, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị, địa phương.

Bảo đảm khách quan, hợp lý, phù hợp với cơ cấu ngạch, chức danh nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, năng lục, sở trường công tác và điều kiện thực tế của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị; không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thưởng và không gây tăng giảm, biên chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị

Đồng thời chống biểu hiện bè phái, chủ nghĩa cá nhân, gây mất đoàn kết, làm xáo trộn sự ổn định trong cơ quan, đơn vị và không được lợi dụng việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác vì vụ lợi hoặc để trù dập cán bộ, công chức, viên chức...

Minh Chí

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ha-noi-yeu-cau-khong-duoc-loi-dung-viec-chuyen-doi-vi-tri-cong-tac-de-vu-loi-tru-dap-can-bo-post161290.html