Hà Nội yêu cầu tạm dừng tách thửa: Là việc làm vi hiến, vi phạm pháp luật!
Theo luật sư, việc Sở TN&MT Hà Nội ban hành văn bản có chứa mệnh lệnh chung, có tính quy phạm, ngược với Luật Đất đai là việc làm vi hiến, vi phạm pháp luật.
Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội, vừa ký văn bản chỉ đạo các đơn vị kiểm tra, giải quyết phản ánh, kiến nghị của công dân liên quan đến việc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) ban hành văn bản tạm dừng tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính liên quan đến tách thửa đất.
Theo đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở TN&MT nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của UBND TP tại các văn bản: số 778/VP-TNMT ngày 19/1/2023; số 1754/VP- TNMT ngày 22/2/2023; số 4191/VP-KSTTHC ngày 18/4/2023; số 1601/VP-KSTTHC ngày 17/2/2023 đảm bảo đúng quy định của pháp luật; báo cáo Chủ tịch UBND TP trước 30/4/2023.
Giao Đoàn kiểm tra công vụ TP chủ trì phối hợp Văn phòng UBND TP, Sở Tư pháp tổ chức kiểm tra công vụ đối với Sở TN&MT trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ và ý kiến chỉ đạo của UBND TP đã giao nêu trên; việc tạm dừng thực hiện một số thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai trên địa bàn TP như phản ánh của các cơ quan báo chí đã nêu trên; kết quả kiểm tra báo cáo Chủ tịch UBND TP trước ngày 30/4/2023; kiến nghị Chủ tịch UBND TP có biện pháp xử lý trách nhiệm các đơn vị, cá nhân vi phạm (nếu có).
Trước đó, Sở TN&MT Hà Nội ban hành văn bản 1685 về việc đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước trong thực hiện thủ tục tách thửa đất, hợp thửa đất. Sở này đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tạm dừng phân lô, tách thửa đối với đất nông nghiệp, trừ một số trường hợp cụ thể.
Bộ Tư pháp sau đó đã yêu cầu Hà Nội kiểm tra, xử lý văn bản yêu cầu tạm dừng tách thửa đất vì không có cơ sở pháp lý và sai thẩm quyền.
Theo Bộ Tư pháp, tách thửa là quyền của người sử dụng đất khi áp dụng đầy đủ các điều kiện và được thực hiện theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Do đó, yêu cầu của Sở TN&MT TP Hà Nội không bảo đảm cơ sở pháp lý về nội dung và không thuộc thẩm quyền. Đồng thời, có thể ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.
Bộ Tư pháp cũng nêu rõ công văn 1685 của Sở TN&MT Hà Nội là văn bản hành chính có chứa quy phạm pháp luật, nên việc ban hành văn bản này là hành vi bị nghiêm cấm (quy định tại khoản 2, Điều 14, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
Liên quan đến nội dung này, dưới góc độ pháp lý, luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật Pháp trị (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, hiện nay theo quy định của Luật Đất đai, quyết định của UBND các tỉnh, thành phố đều có quy định hạn mức công nhận đất ở đối với từng thửa đất khi thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất vườn, ao, đất nông nghiệp sang đất ở.
Theo luật sư Lực, hạn mức công nhận đất ở này áp dụng cho một thửa đất. Trong hạn mức người dân không phải đóng tiền sử dụng đất, ngoài hạn mức thì tùy theo thời điểm bắt đầu sử dụng đất mà phải đóng từ 50 - 100% tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Do vậy, người dân hiểu biết đã thực hiện thủ tục tách thửa đất ra trước khi chuyển mục đích sử dụng đất để hưởng tối đa quyền lợi trên.
"Tách thửa là quyền cơ bản của người sử dụng đất được quy định trong Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành để người dân có thể linh hoạt trong việc sử dụng đất phù hợp với nhu cầu của mình", ông Lực nói.
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật khẳng định, văn bản chứa quy định pháp luật là văn bản áp dụng chung, nhiều lần cho các chủ thể, buộc các chủ thể phải thực hiện hoặc không làm những việc nhất định.
Chỉ có một số cơ quan nhất định mới được quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Văn bản cấp dưới phải phù hợp với văn bản của cơ quan cấp trên có thẩm quyền cao hơn cùng lĩnh vực.
Thêm nữa chỉ có một số hình thức, tên gọi văn bản nhất định mới được quyền chứa đựng quy phạm pháp luật. Chỉ cần thiếu một trong các yếu tố trên thì văn bản chứa quy phạm đó đều vi hiến, vi phạm pháp luật và không có giá trị pháp lý.
"Theo quy định, Sở TN&MT không phải cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản chứa đựng quy phạm pháp luật. Công văn không phải loại văn bản được phép chứa đựng quy phạm pháp luật.
Thêm nữa, văn bản cấp dưới còn đi ngược lại, hạn chế quyền của người sử dụng đất đã được quy định trong Luật Đất đai. Do vậy, Sở TN&MT ban hành các văn bản có chứa mệnh lệnh chung, có tính quy phạm, ngược với Luật Đất đai là việc làm vi hiến, vi phạm pháp luật", luật sư Quách Thành Lực nói.
Điều 14, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nêu hành vi bị nghiêm cấm như sau:
1. Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, trái với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Nhà nước cấp trên.
2. Ban hành văn bản không thuộc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định tại Điều 4 của Luật này nhưng có chứa quy phạm pháp luật.
3. Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định tại Luật này.