Hạ tầng giao thông: Bước đột phá để Bình Dương phát triển
Là địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Bình Dương luôn quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là đầu tư mở rộng và xây dựng mới một số tuyến đường huyết mạch để phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), nhằm tạo ra những đột phá mới, thu hút vốn đầu tư và kết nối vùng miền...
Giao thông chưa đáp ứng nhu cầu phát triển
Tỉnh Bình Dương hiện có khoảng 7.300km đường các loại, trong đó quốc lộ là 77,1km và tỉnh lộ là 500km với tỷ lệ nhựa hóa 100%. Là địa phương có hạ tầng giao thông khá tốt, nhưng ở nhiều con đường đã xuất hiện sự quá tải, điển hình là Quốc lộ 13 (QL13) đi qua địa bàn tỉnh.
Được cho là trục giao thông xương sống, QL13 đã giúp Bình Dương từ một tỉnh nghèo thuần nông lên vị trí hàng đầu cả nước về phát triển công nghiệp, đô thị và thu hút đầu tư. QL13 qua tỉnh Bình Dương giao thoa với nhiều tuyến giao thông quan trọng. Từ con đường này có thể đi thẳng về TP Hồ Chí Minh, sang tỉnh Đồng Nai theo đường Phú Lợi, về các tỉnh miền Tây Nam Bộ theo giao điểm với QL1A, hay chạy ngược lên các tỉnh Tây Nguyên theo QL14. Trên tuyến đường này có rất nhiều khu công nghiệp (KCN), trung tâm tài chính, thương mại, khu vui chơi giải trí, nhà hàng, như: KCN VSIP 1, KCN Việt Hương, Trung tâm thương mại Becamex, Siêu thị Big C, Aeon Mall, Minh Sáng Plaza, MB, VietcomBank, VietinBank, Viettel... QL13 cũng đi qua nhiều trung tâm KT-XH của địa phương là: TP Thuận An, TP Thủ Dầu Một, huyện Bến Cát và huyện Bàu Bàng.
Từ khi được tách ra từ tỉnh Sông Bé, Bình Dương đã nhiều lần sửa chữa, mở rộng QL13. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển KT-XH nhanh chóng, con đường này đã trở nên quá tải, hay xảy ra tắc đường, kẹt xe, ngập úng khi mưa lớn. Ông Trần Bá Luận, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương cho rằng: “Việc ùn tắc giao thông trên QL13 ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động KT-XH và làm ảnh hưởng đến giao thông ở các tuyến đường khác trong nội đô TP Thủ Dầu Một, TP Thuận An và TP Dĩ An. Vì vậy, việc nâng cấp mở rộng QL13 và làm mới một số con đường là rất cần thiết”.
Không chỉ quá tải trên QL13, một số tuyến đường khác ở tỉnh Bình Dương cũng có biểu hiện quá tải. Để tiếp tục thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài, địa phương cần phải làm mới, sửa chữa và nâng cấp hệ thống giao thông tốt hơn. Đó cũng là chiến lược kết nối giao thông vùng miền để phát triển KT-XH mà Bình Dương đang theo đuổi.
Đường Mỹ Phước-Tân Vạn và sự sáng tạo của dự án O&M
Năm 2009, con đường cao tốc Mỹ Phước-Tân Vạn được khởi công xây dựng. Tuyến đường có chiều dài 62km, 6 làn xe, bắt đầu từ ngã ba Tân Vạn (phường Bình Thắng, TP Dĩ An) đến huyện Bàu Bàng. Đường Mỹ Phước-Tân Vạn hiện đã hoàn thành giai đoạn 1 (giai đoạn 2 thực hiện đoạn nối dài từ Mỹ Phước đến Bàu Bàng), là mạch giao thông chiến lược của tỉnh Bình Dương, kết nối phát triển vùng công nghiệp phía nam và phía bắc của tỉnh, là một phần của dự án đường Vành đai 3 của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Con đường này góp phần làm giảm áp lực cho QL13, Đường tỉnh (ĐT) 743, đồng thời kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật của tỉnh Bình Dương với cảng Cái Mép-Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu), cũng như sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai) sau này.
Theo đồng chí Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương: Cùng với QL13, đường Mỹ Phước-Tân Vạn đóng vai trò kết nối các KCN trên địa bàn Bình Dương, Bình Phước, các tỉnh Tây Nguyên về TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là đến các đầu mối giao thông đường bộ, cảng biển của quốc gia với tổng vốn đầu tư khoảng 4.300 tỷ đồng. Đầu tư xây dựng đường Mỹ Phước-Tân Vạn là thể hiện quyết tâm rất cao của lãnh đạo tỉnh, được nhân dân đồng tình ủng hộ, được đầu tư bằng 100% nguồn vốn xã hội hóa do Tổng công ty Becamex IDC huy động. Không những vậy, tất cả kinh phí duy tu, bảo dưỡng con đường, cảnh quan, hệ thống thoát nước, hệ thống chiếu sáng cũng do Becamex IDC đảm nhận hoàn toàn. Hiện nay, hai bên đường Mỹ Phước-Tân Vạn có rất nhiều công ty, xí nghiệp, các dự án nhà chung cư, khu dịch vụ, thương mại, nhà hàng, bệnh viện... đã mọc lên và đi vào hoạt động.
Hiện một số đoạn trên tuyến đường Mỹ Phước-Tân Vạn đang được theo dõi sụt lún để duy tu, sửa chữa và hoàn thiện. Bên cạnh đó, HĐND tỉnh Bình Dương vừa thông qua chủ trương dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông trên các tuyến đường: Mỹ Phước-Tân Vạn, ĐT 746, ĐT 747B, ĐT 743 (gọi tắt là dự án O&M). Dự án này sẽ tiếp tục huy động nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư cho các công trình trên, do Tổng công ty Becamex IDC thực hiện với tổng mức đầu tư dự kiến 9.623 tỷ đồng (trong đó chi phí dự kiến xây dựng trạm thu phí trên đường Mỹ Phước-Tân Vạn ở phía bắc giao lộ ngã sáu An Phú là 48 tỷ đồng, sửa chữa mặt đường 613 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng 1.238 tỷ đồng...). Nguồn thu của trạm thu phí này dùng để đầu tư xây dựng các cầu vượt, hầm chui, cầu vượt bộ hành tại các giao lộ, trả tiền điện chiếu sáng hằng tháng, hằng năm và thực hiện duy tu, sửa chữa mặt đường, hệ thống cây xanh, hệ thống thoát nước theo định kỳ.
Dự án O&M nhằm thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước trong thu hút các nguồn lực xã hội hóa cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh Bình Dương. Ông Nguyễn Đình Toàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định: “Xây dựng tuyến đường Mỹ Phước-Tân Vạn bằng nguồn xã hội hóa là việc làm đúng đắn của tỉnh Bình Dương. Dự án O&M để cải tạo cảnh quan đẹp, chống ùn tắc và duy trì tốt hoạt động của tuyến đường này và một số tuyến đường khác là rất chủ động, sáng tạo”.
Tiếp tục nâng cấp và làm mới những con đường huyết mạch
Trong quý III và quý IV-2020, nhiều tuyến đường nữa ở tỉnh Bình Dương đang và sẽ được nâng cấp, như: Đường 7A (từ cầu Đò đến ngã ba Rạch Bắp), ĐT 741, ĐT 742, ĐT 743, ĐT 744, ĐT 746, cầu Ông Cộ, đường Phạm Ngọc Thạch... Cũng thời gian này, tỉnh tiếp tục triển khai nâng cấp, mở rộng QL13 để giải quyết tình trạng ùn tắc và kết nối giao thông vùng. Bên cạnh các tuyến đường trên, tỉnh Bình Dương đang triển khai đầu tư xây dựng từng đoạn tuyến của đường Vành đai 4 nhằm kết nối với TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai; đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu Bạch Đằng 2 qua sông Đồng Nai. Các dự án này hoàn thành góp phần liên kết giao thông vùng miền và tạo thuận lợi cho người dân đi lại.
Việc nâng cấp, mở rộng và làm mới đường huyết mạch ở tỉnh Bình Dương, như: QL13, đường Mỹ Phước-Tân Vạn là đòi hỏi khách quan, đáp ứng với nhu cầu phát triển KT-XH của địa phương. Phát triển giao thông một cách đồng bộ, bảo đảm sự kết nối tốt thì mới đem lại hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển của Bình Dương cũng như cả vùng trong giai đoạn mới.