Hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2030 sẽ được hoàn thiện như thế nào?
Hạ tầng giao thông tại Việt Nam những năm gần đây từng bước được cải thiện, song chưa theo kịp được nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội (KTXH). Đó là thông tin được đưa ra tại Dự thảo Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ giai đoạn 2021-2030, thực hiện đột phá chiến lược phát triển KTXH đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến.
Hạ tầng giao thông có nhiều cải thiện
Tại Dự thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra những thành tựu quan trọng mà Việt Nam đã đạt được trong phát triển hạ tầng giao thông những năm qua. Cụ thể về đường bộ, đã có sự phát triển tương đối toàn diện từ đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông nông thôn đến đô thị. Mạng lưới đường bộ Việt Nam đang khai thác tính đến nay dài 668.895km, trong đó hệ thống quốc lộ với 154 tuyến, dài 24.598 km, do Bộ Giao thông vận tải quản lý, chiếm 3,68% chiều dài hệ thống đường bộ; đường cao tốc có 20 tuyến, dài 1.114 km; hệ thống đường địa phương dài 635.324km… Những năm gần đây, đã có nhiều tuyến đường mới được đầu tư xây dựng hiện đại, như: Đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng; TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây; một số đoạn trên đường cao tốc Bắc – Nam, đường Hồ Chí Minh… cùng với đó nhiều tuyến quốc lộ đã được cải tạo, nâng cấp, mở rộng với quy mô lớn hơn, hiện đại hơn, tải trọng và năng lực thông xe đều cao hơn so với trước đây.
Mạng lưới đường sắt quốc gia bao gồm 7 tuyến đi qua địa bàn 34 tỉnh, thành phố và được phân bố theo các tuyến chính: Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh; Hà Nội – Hải Phòng; Hà Nội – Đồng Đăng; Hà Nội – Lào Cao; Hà Nội – Quán Triều; Kép – Lưu Xá; Kép – Hạ Long… Mạng lưới đường sắt quốc gia có tổng chiều dài 3.143km, trong đó 2.703 km tuyến chính và có 277 ga, bao gồm 3 ga loại khổ đường là 1.000mm (chiếm 85%), 1.435 mm (chiếm 6%) và khổ đường lồng 1.000mmm và 1.435mm (chiếm 9%). Mật độ đường sắt đạt khoảng 7,9km/1.000 km2. Hiện có 2 tuyến đường sắt kết nối liên vận với đường sắt Trung Quốc là tuyến Hà Nội – Đồng Đăng và tuyến Hà Nội – Lào Cai.
Đường hàng không, hiện cả nước có 23 cảng hàng không, sân bay phục vụ hoạt động hàng không dân dụng, trong đó: 22 cảng hàng không đang hoạt động và 1 cảng hàng không đang dừng khai thác (cảng Nà Sản), có 10 cảng hàng không quốc tế và 13 cảng hàng không nội địa. Các cảng hàng không được chia theo 3 khu vực, Bắc – Trung – Nam, ở mỗi khu vực đều có các cảng hàng không quốc tế, đóng vai trò trung tâm và các cảng hàng không nội địa vây quanh, tạo thành cụm cảng hàng không.
Về giao thông hàng hải, Việt Nam đã hoàn thành đầu tư xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép – Thị Vải, hạ tầng cơ sở dùng chung và hai bến khởi động cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện. Hiện các cảng biển này có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn, từ 130.000 tấn đến 200.000 tấn (DWT) đi thẳng bờ Tây nước Mỹ, Canada, châu Âu. Cùng với đó, các cảng hành khách tại Phú Quốc, Hạ Long cũng được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động.
Về đường thủy nội địa, kết cấu hạ tầng đã được khai thác phục vụ cho hoạt động vận tải nội địa nhờ hệ thống đường thủy chính tại hai vùng đông dân cư nhất, kinh tế phát triển nhất và được kết nối trực tiếp với các cảng biển lớn, cụ thể: Hệ thống đường thủy nội địa khu vực phía Bắc nằm ở Đồng bằng sông Hồng, tập trung vào trung tâm tăng trưởng kinh tế là Hà Nội và kết nối với cảng biển cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. Hệ thống đường thủy nội địa khu vực phía Nam tập trung tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối với trung tâm tăng trưởng TP. Hồ Chí Minh và các cảng biển lớn của khu vực Đông Nam bộ.
Dù đạt được những kết quả nhất định, nhưng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hạ tầng giao thông nước ta vẫn chưa mang tính đồng bộ. Các công trình, dự án phát triển kết cấu hạ tầng chưa đạt được mục tiêu, trong đó về đường bộ vẫn chưa hình thành tuyến cao tốc Bắc – Nam, dẫn đến năng lực vận tải chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, chi phí vận tải ở mức cao, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Về đường sắt, mạng lưới đường sắt quốc gia đến nay đã cũ kỹ, lạc hậu, hệ thống đường sắt vẫn là đường 1 chiều, khổ đường ray 1.000 mm là chủ yếu, công nghệ chạy tàu lạc hậu, chưa được điện khí hóa. Tỷ trọng vận tải hành khách và hàng hóa bằng đường sắt ngày càng giảm so với các phương thức vận tải khác.
Trong khi đó, về hàng không chưa hình thành các cảng lớn mang tầm cỡ khu vực và thế giới để thực hiện chức năng trung chuyển quốc tế, tận dụng lợi thế của quốc gia nằm ở vị trí trung tâm Đông Nam Á và khu vực có mật độ đường bay quốc tế dày đặc, hàng đầu thế giới, có khả năng cạnh tranh với các cảng hàng không quốc tế như Changi (Singapore), Suvarnabhumi (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia)… về quy mô và chất lượng.
Định hướng giai đoạn 2021-2030
Nhằm hoàn thiện hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2030, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra định hướng, về đường bộ, tập trung hoàn thành toàn tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam, đồng thời đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc quan trọng khác, kết nối các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, với các đầu mối vận tải lớn như: Cảng hàng không quốc tế, cảng biển cửa ngõ quốc tế. Đến năm 2030 phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông.
Về đường sắt, trong đó đường sắt quốc gia, cần nghiên cứu đầu tư, xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao, đáp ứng nhu cầu vận tải lớn trên trục Bắc – Nam. Xây dựng tuyến đường sắt nhẹ TP. Hồ Chí Minh – Càng hàng không quốc tế Long Thành đồng bộ với tiến độ dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1…
Về đường sắt đô thị, khẩn trương hoàn tất công tác nghiệm thu, sớm đưa vào khai thác tuyến đường trên cao Cát Linh – Hà Đông tại Hà Nội; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thi công dở dang là Nhổn – Ga Hà Nội tại Hà Nội và Bến Thành – Suối Tiên tại TP. Hồ Chí Minh. Cùng với đó, nghiên cứu, đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị mới theo hướng chủ yếu đi ngầm trong khu vực nội đô, chỉ đi trên cao ở các khu vực ngoại ô, nhằm hạn chế lưu lượng giao thông trên mặt đất và tránh tranh chấp với hoạt động vận tải đường bộ.
Đối với đường hàng không, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần triển khai xây dựng Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 một cách đồng bộ, hiện đại, theo chuẩn quốc tế. Phấn đấu hoàn thành giai đoạn 1 của dự án trước năm 2025 đúng như mục tiêu mà Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội đã đề ra. Lưu ý đầu tư hệ thống hạ tầng giao thống kết nối một cách đồng bộ với mạng lưới đường bộ, đường sắt trong khu vực. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư, cải tạo, nâng cấp hệ thống đường cất, hạ cánh và đường lăn tại các cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất, khắc phục tình trạng quá tải, xuống cấp hiện nay, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng cao tại 2 cửa ngõ giao thông quan trọng hàng đầu của cả nước. Đồng thời, triển khai đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T3 cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, khắc phục tình trạng quá tải hiện nay.
Về hàng hải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, cần nghiên cứu đầu tư, cải tạo, nâng cấp các luồng tàu vào các bến cảng biển Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu; TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nghi Sơn… để tàu biển cỡ lỡn có thể hành hải vào cảng dễ dàng. Bên cạnh đó, triển khai đầu tư xây dựng các bến container số 3,4, nghiên cứu triển khai xây dựng các bến tiếp theo thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Lạch Huyện) theo nhu cầu và quy hoạch được phê duyệt.
Về đường thủy nội địa, cần hoàn thành cải tạo, nâng cấp hạ tầng trên các tuyến vận tải thủy, đảm bảo đồng bộ theo cấp kỹ thuật, nâng tỷ lệ theo chiều dài các tuyến đạt tiêu chuẩn cấp 1-2. Chú trọng các dự án kết nối giữa các tuyến đường thủy và các dự án kết nối với các loại hình vận tải khác, phát triển các cảng thủy địa có quy mô lớn, hiện đại. Đồng thời, tập trung cải tạo, nâng cấp tuyến ven biển nối các tỉnh duyên hải từ Bến Tre - Trà Vinh – Sóc Trăng – Bạc Liêu – Cà Mau…