Hạ tầng giao thông 'khơi thông' phát triển

Tết Nhâm Dần 2022, có dịp đi trên những cây cầu hay cung đường mới mở từ trung tâm tỉnh Sóc Trăng về tận nông thôn vùng sâu, vùng xa, đến đâu chúng tôi cũng cảm thấy không gian như bừng lên một sức sống mới. Những cung đường 'mùa xuân' đã và đang kết nối giữa thành thị với nông thôn; là 'cầu nối' thông thương hàng hóa, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Nối nhịp đôi bờ sông Đinh

Trong không khí ấm áp của những ngày giáp Tết, chúng có dịp “du xuân” trên tuyến đường Mạc Đĩnh Chi đoạn từ nút giao Lê Duẩn, TP. Sóc Trăng (Sóc Trăng) đến tuyến đê bao ngăn mặn và đường phục vụ an ninh quốc phòng, ứng cứu tàu thuyền vùng biển huyện Trần Đề để nghe bà con chia sẻ niềm vui về công trình vô cùng ý nghĩa này. Ông Nguyễn Văn Minh, ở Phường 4, TP. Sóc Trăng là người dân thường xuyên qua lại tuyến đường này phấn khởi cho biết: “Đón Tết năm nay, không riêng gì tôi mà người dân tỉnh nhà cũng vô cùng phấn khởi khi cây cầu Mạc Đĩnh Chi đã “nối nhịp đôi bờ” sông Đinh, kết nối trung tâm TP. Sóc Trăng đến Quốc lộ Nam Sông Hậu, góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa đến địa bàn các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành cả nước”.

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn cùng Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu trong lần kiểm tra tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm. Ảnh: QUANG BÌNH

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn cùng Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu trong lần kiểm tra tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm. Ảnh: QUANG BÌNH

Được biết, cầu Mạc Đĩnh Chi là một trong những công trình được tỉnh chọn làm lễ khánh thành để chào mừng 30 năm tái lập tỉnh. Theo đó, công trình có tổng chiều dài cầu 366m, gồm 9 nhịp, với 4 làn xe. Lãnh đạo Ban Quản lý Dự án 2 (đơn vị làm chủ đầu tư) cho biết: Đây là công trình huyết mạch có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với tỉnh. Công trình hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ tạo ra sự thông thương giữa các vùng kinh tế, xây dựng các cụm công nghiệp được thúc đẩy phát triển nhanh chóng, góp phần ổn định kinh tế của tỉnh.

Cầu Mạc Đĩnh Chi thông xe “song hành” cùng tuyến đê bao ngăn mặn và đường phục vụ an ninh quốc phòng, ứng cứu tàu thuyền vùng biển huyện Trần Đề với chiều dài khoảng 20km, góp phần kết nối khắp các miền quê. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lâm Hoàng Nghiệp cho biết, cầu Mạc Đĩnh Chi có ý nghĩa rất quan trọng, cầu hoàn thành sẽ mở rộng hướng phát triển, rút ngắn thời gian từ TP. Sóc Trăng đi Trần Đề khoảng 40 phút thay vì đi đường vòng qua rất xa. Hơn nữa, về lâu dài, khi có Cảng biển nước sâu Trần Đề sẽ rất thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.

“Mạch máu” giao thông kết nối khắp các miền quê

Tiếp tục chuyến hành trình, chúng tôi ra tới đường Nam Sông Hậu, rồi đi ngược đến các huyện: Long Phú, Kế Sách để cảm nhận sự đổi thay của quê hương khi hệ thống hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư đúng mức. Trong những ngày này, mùa xuân mới đang về trên khắp các nẻo đường và đến với mọi nhà khi muôn hoa đua nở. Xuân năm nay có phần trầm lắng hơn mọi năm do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tuy nhiên, không vì thế mà việc đón xuân của bà con không diễn ra cho nên mọi người, mọi nhà đều tất bật sửa sang nhà cửa, không khí rộn ràng, hối hả, tấp nập là những gì tôi cảm nhận được khi đi dọc những “con đường xuân”.

Nhìn những chuyến xe xuôi ngược nối từ tỉnh ta đến các tỉnh, thành trong cả nước hay những con đường liên huyện, liên xã được đầu tư làm giao thương thuận tiện, tôi cũng như người dân Sóc Trăng hết sức mừng vui. Bên tách trà ấm của những ngày chớm xuân, ông Lê Văn Năm - cán bộ hưu trí ở xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) bồi hồi nhớ lại: “Ngày trước, việc đi lại của người dân gian nan, vất vả lắm. Nhưng từ khi tái lập tỉnh đến nay đã gần 30 năm, tỉnh nhà đã nỗ lực, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư của các bộ, ngành Trung ương, của tỉnh để đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, góp phần dệt nên những cung đường mùa xuân. Các con đường kết nối vùng, kết nối các xã vùng sâu, vùng xa được hình thành, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương ngày càng phát triển”.

Với sự thông suốt của những con đường, giờ đây người dân không còn cảnh “ăn chực nằm chờ” đón xe, đón đò để về quê ăn Tết. Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Sóc Trăng Trang Trường Thanh thông tin, mạng lưới giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư bảo đảm ấp liền ấp, khóm liền khóm, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện. Giai đoạn từ 2003 đến nay, tỉnh đã đầu tư mới, nâng cấp, sửa chữa 7.584km đường, 1.496 cây cầu với tổng kinh phí 4.151 tỉ đồng, 60/80 xã đạt tiêu chí 2 về giao thông. Đường ôtô đến trung tâm xã đạt 100%, đạt tiêu chuẩn theo quy định và đạt kế hoạch đề ra.

Tạo đà phát triển trong tương lai

Mạng lưới giao thông hiện đã bao phủ toàn tỉnh - với 5 tuyến giao thông đối ngoại gồm: Quốc lộ 1, Quốc lộ Nam Sông Hậu, Quốc lộ Quản lộ Phụng Hiệp, Quốc lộ 60 và Quốc lộ 61B dài 261km; giao thông đối nội gồm 17 tuyến đường tỉnh dài 425km và đường đô thị, đường huyện, đường xã dài 6.670km đảm bảo kết nối giữa giao thông đối ngoại với giao thông nội tỉnh, giữa thành phố với các huyện, thị xã.

Để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, theo đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tích cực huy động các nguồn vốn và đa dạng hóa các hình thức để tập trung đầu tư các công trình, dự án hạ tầng trọng điểm về giao thông đường bộ, đường thủy kết nối với các tỉnh, thành trong nước. Ưu tiên các lĩnh vực hạ tầng về giao thông vận tải, gồm: Cảng biển nước sâu Trần Đề; kéo dài tuyến Quốc lộ 60, Quốc lộ 61B; cầu Đại Ngãi… Sóc Trăng kiến nghị Chính phủ sớm triển khai đầu tư các tuyến giao thông huyết mạch, quan trọng của vùng, trong đó có tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (điểm cuối kết nối vào Quốc lộ Nam Sông Hậu tại huyện Trần Đề), đặc biệt là tuyến động lực ven biển nối TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ sớm đầu tư cầu Đại Ngãi để kết nối tuyến Quốc lộ 60 đến các cửa khẩu quốc tế, cảng biển nước sâu, các trung tâm kinh tế trong vùng, phát triển hành lang kinh tế ven biển gắn với dịch vụ logistics, các mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm, khám phá; đồng thời, đảm bảo quốc phòng - an ninh và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Với kết quả đạt được về phát triển hạ tầng giao thông nêu trên cho thấy, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng bằng ý chí và nỗ lực không ngừng của các cấp chính quyền và nhân dân, nhiều công trình hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đầu tư, hoàn thiện đưa vào sử dụng để mỗi khi “Tết đến - xuân về”, đi trên những cây cầu mới, những cung đường mới càng thêm tin tưởng, tự hào vào sự phát triển của quê hương. Tin rằng trong thời gian tới, Sóc Trăng sẽ có thêm nhiều công trình cầu, đường cao tốc, cảng biển nước sâu… được quan tâm đầu tư, góp phần xây dựng quê hương Sóc Trăng trở nên giàu đẹp trong tương lai không xa.

QUANG BÌNH

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/kinh-te/ha-tang-giao-thong-khoi-thong-phat-trien-53738.html