Hạ tầng giao thông tạo 'dấu ấn' phát triển thành phố mang tên Bác
Những công trình giao thông như tuyến metro số 1, nâng cấp mở rộng Xa lộ Hà Nội, cầu Bình Lợi, cầu Rạch Chiếc, cầu Sài Gòn 2... đã làm thay đổi diện mạo của TP. Hồ Chí Minh sau 46 năm giải phóng, đáp ứng nhu cầu kết nối với các tỉnh, thành trong khu vực, đưa TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm kinh tế - xã hội sôi động bậc nhất cả nước.
Từ những năm đầu giải phóng, TP. Hồ Chí Minh ngoài việc duy trì và khai thác hiệu quả mạng lưới GTVT đã tập trung nâng cấp, mở rộng và xây mới nhiều tuyến đường mới. Những năm sau đó, hàng loạt công trình giao thông trọng điểm được xây dựng, đặc biệt là hệ thống đường trục Bắc - Nam với nhiều cây cầu lớn như: Ông Lãnh, Tân Thuận 2, Khánh Hội... Cùng với đó, hệ thống đường trục Ðông - Tây của thành phố cùng các tuyến đường chính ở cửa ngõ như Trường Chinh, Xa lộ Hà Nội, QL13, đường Nguyễn Văn Linh... đã hình thành mạng lưới giao thông đồng bộ, kết nối thuận lợi cho các hướng Ðông - Tây và Bắc - Nam của thành phố, kéo theo sự phát triển kinh tế - xã hội dọc tuyến. Nhiều dự án mang tính chiến lược, kết nối vùng cũng lần lượt hình thành như các tuyến đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, đường Xuyên Á (QL22)... Ðây là những tuyến đường kết nối trực tiếp với các tỉnh lân cận như Ðồng Nai, Tiền Giang, Tây Ninh.
Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2020, Sở GTVT đã tập trung triển khai các công trình ưu tiên khởi công và kịp hoàn thành trong năm 2020, đồng thời tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành 10 công trình, khởi công 23 dự án. Trong đó, một số công trình trọng điểm chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI như: Hầm chui tại nút giao thông An Sương; nâng cấp, mở rộng đường Tô Ký (đoạn từ Đặng Thúc Vịnh đến ngã ba Bầu); xây dựng kè chống sạt lở bờ trái sông Sài Gòn (khu vực phường Thảo Điền, Quận 2); nâng cấp, cải tạo đường Trần Văn Giàu (đoạn từ giáp Tỉnh lộ 10 hiện hữu đến đường Nguyễn Cửu Phú); cầu Phước Lộc, huyện Nhà Bè; xây dựng cầu tạm (kết cấu thép) An Phú Đông...
Sở cũng không ngừng đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm như: Nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ; sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh; xây dựng cầu Thủ Thiêm 2; xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy; xây dựng cầu vượt trước Bến xe miền Đông mới trên Xa lộ Hà Nội; mở rộng nâng cấp Tỉnh lộ 8 (đoạn từ cầu kênh N31A đến ngã tư Tân Quy), huyện Củ Chi; xây dựng hệ thống thoát nước và cải tạo mặt đường Huỳnh Tấn Phát (đoạn từ cầu Phú Xuân đến phà Bình Khánh), huyện Nhà Bè...
Sở GTVT tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện liên quan rà soát, tổng hợp và báo cáo UBND thành phố kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan trong quá trình đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) và xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 (tuyến Bến Thành - Tham Lương). Đặc biệt, năm 2020, thành phố đã đón đoàn tàu metro đầu tiên cập cảng thành phố để chuẩn bị vận hành, khai thác tuyến metro số 1. Thêm vào đó, công tác giải phóng mặt bằng tuyến số 2 đã được lãnh đạo thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt, đến nay đã cơ bản hoàn thành.
Bên cạnh đó, còn nhiều dự án đầu tư do Bộ GTVT thực hiện trên địa bàn thành phố cũng đang được gấp rút thực hiện, đơn cử như việc đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 thuộc đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh. Ông Trần Văn Thi - Giám đốc Ban Mỹ Thuận cho biết: “Dự án góp phần rút ngắn hành trình từ TP. Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đến TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương, tạo điều kiện thuận lợi vận chuyển hàng hóa, tăng cường trao đổi thương mại, phân luồng từ xa và giảm ách tắc cho các tuyến đường nội thị TP. Hồ Chí Minh, từng bước góp phần hoàn chỉnh hệ thống đường Vành đai 3, TP. Hồ Chí Minh theo quy hoạch chi tiết đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngày 19/02/2021, Ban QLDA Mỹ Thuận đã tổ chức lễ ký kết hợp đồng dịch vụ tư vấn thiết kế kỹ thuật và hỗ trợ đấu thấu cho Dự án thành phần 1A thuộc Dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 thuộc đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh. Có thể nói, đây là một dự án trọng điểm giúp hoàn thiện cửa ngõ phía Đông của thành phố, đặc biệt là kết nối vùng tam giác TP. Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai, đáp ứng nhu cầu vận tải lớn của doanh nghiệp và người dân 3 địa phương này.
Nói về giao thông kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ông Lâm cho biết thêm: “Với vai trò tổ trưởng tổ điều phối kết nối giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ngay từ đầu năm, Sở GTVT đã xây dựng kế hoạch thực hiện, định kỳ tiến hành họp giao ban. Trong năm 2021, Sở tiếp tục phối hợp cùng sở GTVT 7 tỉnh trong vùng họp, báo cáo và đề xuất các giải pháp xử lý các bất cập trong quy hoạch, đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối của vùng, từ đó báo cáo, kiến nghị Bộ GTVT trình Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để sớm triển khai đầu tư các dự án quan trọng, trọng điểm kết nối vùng như: đường Vành đai 3, Vành đai 4; xây dựng hoàn chỉnh theo quy hoạch nút giao An Phú, Quận 2, đặc biệt là mở rộng cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành... Những dự án này khi hoàn thiện sẽ trở thành điểm nhấm và giúp thành phố phát triển hơn nữa trong những năm về sau.