Hạ tầng giao thông tạo sức bật phát triển kinh tế

Xác định mạng lưới giao thông chính là huyết mạch của nền kinh tế, thời gian qua, tỉnh Phú Thọ đã triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo và mở rộng nhiều tuyến đường giao thông quan trọng theo hướng đồng bộ, kết nối liên vùng nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Hạ tầng giao thông phát triển, góp phần tạo diện mạo mới cho đô thị Việt Trì.

Đầu tư hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ
Nằm ở vị trí trung tâm vùng Trung du miền núi phía Bắc, Phú Thọ có nhiều tuyến giao thông quốc gia chạy qua kết nối giữa các tỉnh Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong vùng. Giai đoạn 2015-2020, tỉnh đã huy động đầu tư hàng nghìn tỉ đồng cho giao thông để xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo và bảo trì 410km đường quốc lộ, đường tỉnh, 32 cầu trên các tuyến quốc lộ được Bộ GTVT ủy thác quản lý. Nhiều dự án được hoàn thành và đưa vào sử dụng như: Các nút giao IC7, IC9, IC11 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường Nguyễn Tất Thành kéo dài, đoạn từ ngã tư giao với đường Hùng Vương đến Khu Di tích lịch sử Đền Hùng; đường QL.32C qua thành phố Việt Trì từ chợ Nú đến cầu Phong Châu; đường nối từ QL.32C vào Khu công nghiệp Cẩm Khê; cầu Văn Lang, cầu Mỹ Lung mới trên QL70B... Cùng với đó, hệ thống đường đô thị được đầu tư xây dựng, trong đó có nhiều tuyến hiện đại như: Đường Trường Chinh kết nối Khu công nghiệp Thụy Vân với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai tại nút giao IC7; đường Phù Đổng, đường Vũ Thê Lang, đường Nguyễn Du, đường Hòa Phong, đường Hai Bà Trưng kéo dài thuộc thành phố Việt Trì, đường Hùng Vương thị xã Phú Thọ... Với vai trò là cơ quan tham mưu, Sở GTVT đã kịp thời tham mưu điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch khi xuất hiện các yếu tố mới có tính kết nối liên vùng nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Nổi bật như: Tuyến đường giao thông kết nối quốc lộ 32 và đường Hồ Chí Minh với quốc lộ 70B tỉnh Phú Thọ đi tỉnh Hòa Bình; dự án xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang- Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, với mạng lưới giao thông trong khu vực và hệ thống giao thông quốc gia, nâng cao hiệu quả khai thác của tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; tuyến giao thông liên vùng kết nối QL.32, đường Hồ Chí Minh với QL32C đi tỉnh Yên Bái; cầu Vĩnh Phú bắc qua Sông Lô; đường QL2, QL2D, QL32C, QL32 kết nối Khu công nghiệp Tam Nông, Khu công nghiệp Phú Hà của thị xã Phú Thọ, cụm công nghiệp Thanh Ba... tạo bước phát triển đột phá về kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh, có tính liên kết vùng, góp phần từng bước hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại. Hiện tại, tỉnh Phú Thọ đang phối hợp với tỉnh Tuyên Quang triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ có tổng chiều dài 40,2km; kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai tại nút giao IC9 thuộc địa bàn xã Hà Lộc, thị xã Phú Thọ và kết nối với các tuyến đường Hồ Chí Minh, QL2, QL70, các đường tỉnh ĐT314B, ĐT315B.

Các tuyến đường liên xã tại huyện Thanh Ba được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi kết nối giao thông vùng.
Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Xác định đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông là yếu tố cốt lõi đặt lên hàng đầu, huyện Phù Ninh đã tích cực huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư, từng bước hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại. Ông Đỗ Quốc Hà- Trưởng phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện cho biết: Đến nay, huyện Phù Ninh đã đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo được 121,11km đường giao thông, tỉ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa đạt 72,5%, trong đó hơn 70% có quy mô mặt đường trên 5m. Huyện đang tiếp tục quan tâm đầu tư đường ngõ, xóm, đường trục chính nội đồng để nâng cao chất lượng giao thông địa phương. Không chỉ ở Phù Ninh, giờ đây hệ thống giao thông thuận tiện xuyên suốt các huyện vùng đồng bằng như Việt Trì, Lâm Thao, đất giữa Cẩm Khê, Thanh Ba hay vùng cao như Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập… Hạ tầng giao thông tốt là điều kiện thuận lợi để Phú Thọ ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN, CCN). Theo số liệu thống kê, Hàn Quốc hiện là quốc gia đứng đầu về số dự án nước ngoài đầu tư tại tỉnh. Đáng chú ý, vốn đầu tư cũng tăng nhanh vào những lĩnh vực mà tỉnh khuyến khích và có lợi thế thu hút đầu tư như: Sản xuất, gia công, xuất khẩu hàng may mặc; sản xuất, gia công, lắp ráp các linh kiện điện tử, linh kiện điện thoại di động… Ông Kim Chayn Kuy - Phó Giám đốc Công ty TNHH Mirea soong won vina - một trong những doanh nghiệp FDI được thành lập tại CCN thị trấn Yên Lập, huyện Yên Lập, chuyên sản xuất vải bạt xuất khẩu, chia sẻ: “Sở dĩ tôi lựa chọn Yên Lập là điểm dừng chân để đầu tư sản xuất kinh doanh vì nơi đây hệ thống đường giao thông đối ngoại thuận lợi, thêm vào đó nguồn lao động dồi dào, môi trường đầu tư ổn định…làm chúng tôi khá hài lòng. Đây là điều kiện hết sức quan trọng để nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc tiến hành đầu tư, tăng vốn đầu tư và gắn bó lâu dài với Phú Thọ”.Giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh đã thu hút 746 dự án, vốn đầu tư quy đổi đạt 105.457 tỉ đồng (4,585 tỉ USD). Đến hết năm 2020, có 4/7 KCN đã triển khai theo quy hoạch được duyệt, tỉ lệ lấp đầy các KCN, CNN đạt trên 60%. Hoạt động của các doanh nghiệp có sự tăng trưởng ổn định (doanh nghiệp Nhà nước tăng 4,4%, ngoài quốc doanh tăng 15,3%, doanh nghiệp FDI tăng 15,3%). Tỉ lệ đóng góp của doanh nghiệp cho GRDP của tỉnh đến năm 2020 đạt 56,2%, tương đương 38.778 tỉ đồng. Tỉ lệ đóng góp NSNN đạt 41,74%, tương đương 3.615 tỉ đồng.Giao thông thuận tiện cũng là cơ hội để tỉnh tăng cường hợp tác và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển các dự án dịch vụ trung tâm thương mại, biệt thự liền kề, nhà hàng, khách sạn…Đặc biệt, Phú Thọ có Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng và hai di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cùng hệ thống tài nguyên du lịch nhân văn, có giá trị tiêu biểu là tiềm năng thuận lợi xây dựng và phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ gắn với phát triển du lịch, các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành dịch vụ của tỉnh giai đoạn 2016-2020 đạt 7,1%, giá trị tăng thêm ngành dịch vụ năm 2020 ước đạt gần 29.700 tỉ đồng. Để tạo điều kiện thuận lợi hơn trong kết nối liên vùng, Sở GTVT đề xuất bổ sung, điều chỉnh các tuyến đường cao tốc, quốc lộ qua địa bàn tỉnh vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Triển khai xây dựng hoàn thiện tuyến đường Hồ Chí Minh theo quy hoạch các đoạn từ Xuân Mai - Tam Nông để giúp tỉnh có thêm điều kiện thu hút nhiều nhà đầu tư vào các KCN Trung Hà, huyện Tam Nông; Phú Hà, thị xã Phú Thọ và các CCN dọc hai bên tuyến. Bổ sung vào quy hoạch phát triển hệ thống đường quốc lộ và đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 một số tuyến đường bộ mang tính kết nối trên địa bàn tỉnh…Ông Nguyễn Tiến Hùng - Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: Phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông với phương châm “đi trước một bước” là đòi hỏi bức thiết của thực tiễn. Những định hướng đề xuất nhằm phát triển hệ thống giao thông hoàn thiện không chỉ là chủ trương đúng đắn, kịp thời mà còn tạo luồng gió mới, góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí giao thông hiện đại. Các dự án hạ tầng giao thông được lựa chọn và phân kỳ đầu tư trong thời gian tới sẽ là giải pháp hiệu quả để tiếp tục tạo nên diện mạo mới cho hạ tầng giao thông tỉnh phát triển theo hướng hiện đại, thuận lợi, an toàn; tạo sự kết nối vùng, liên vùng nhanh và bền vững.

Thanh Nga

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202108/ha-tang-giao-thong-tao-suc-bat-phat-trien-kinh-te-178954