Hạ tầng giao thông trợ lực cho Long An phát triển đô thị bền vững
Xác định hạ tầng giao thông đi trước một bước, dẫn đường cho phát triển đô thị quy mô, tỉnh Long An đang nỗ lực thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực tham gia hoàn thiện hạ tầng giao thông, tạo nền tảng vững chắc cho quá trình đô thị hóa.
Hạ tầng giao thông “dẫn đường”
Hệ thống giao thông là kết cấu hạ tầng không thể tách rời, huyết mạch giúp một đô thị phát triển. Thực tế chứng minh, các tuyến đường liên vận quốc tế được nâng cấp, cải tạo góp phần không nhỏ thúc đẩy phát triển đô thị mới, đặc biệt là đô thị dịch vụ vùng biên. Các công trình giao thông đầu mối được mở mới và nâng cấp cũng là yếu tố quan trọng tại các đô thị gắn với cảng biển, cảng hàng không, các điểm đầu mối giao thông quan trọng.
Long An vừa nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vừa là cửa ngõ kinh tế của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Kết hợp với lợi thế lớn về địa lý kinh tế, việc phát triển đô thị quy mô cùng hoàn thiện hạ tầng giao thông trở thành nền tảng cốt lõi cốt lõi góp phần giúp tỉnh thu hút nguồn đầu tư.
Vì vậy, nhiều năm qua, Long An tăng tốc hoàn thiện hàng loạt dự án giao thông kết nối tại các địa bàn trọng điểm, phát triển công nghiệp của tỉnh là Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, TP. Tân An.
Trong đó phải kể đến ĐT 830 kết nối huyện Đức Hòa đến cảng Quốc tế Long An; ĐT 818 nối huyện biên giới Đức Huệ với huyện vùng hạ Tân Trụ... Tuyến đường này không chỉ tạo thuận tiện cho lưu thông, vận chuyển hàng hóa mà còn góp phần quan trọng hút nguồn lực, nâng tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp và hình thành nhiều tuyến dân cư, tạo nền tảng phát triển các khu đô thị mới. Các tuyến giao thông quan trọng như ĐT 825, ĐT 823, ĐT 826B… cũng được xây dựng hoàn thiện.
Ngoài ra, Long An cùng các đô thị vệ tinh cũng được hưởng lợi từ hệ thống giao thông liên vùng. Như cao tốc Bến Lức - Long Thành khi hoàn thành sẽ kết nối miền Tây Nam Bộ - điểm đầu là tỉnh Long An với Đông Nam Bộ, giúp liên thông mạng lưới cao tốc, quốc lộ, hệ thống cảng biển và cảng hàng không quốc tế Long Thành. Dự án đường Vành đai 3 có tổng chiều dài hơn 76 km, sau hoàn thiện sẽ giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa TP.HCM, Long An, Đồng Nai và Bình Dương.
Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM đi qua 5 tỉnh trong đó có Long An sau khi thông xe hứa hẹn tăng tính kết nối các tỉnh trong vùng và khu vực ĐBSCL với khu vực miền Đông Nam Bộ.
Đồng thời, Quốc lộ 50B kết nối TP.HCM với các tỉnh Long An, Tiền Giang được thi công xong sẽ tạo trục liên kết giao thông với các tuyến Vành đai 3, Vành đai 4, góp phần tăng cường kết nối tới cảng Hiệp Phước, càng nước sâu Thị Vải - Cái Mép (Long An) và sân bay quốc tế Long Thành.
Tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư
Trên địa bàn tỉnh Long An hiện có 19 đô thị. Trong đó, TP. Tân An đang là đô thị loại II; còn lại là 6 đô thị loại IV và 12 đô thị loại V. Theo đề cương Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ có 24 đô thị; đến năm 2050, Long An sẽ trở thành điểm đến thân thiện dựa trên cam kết phát triển bền vững. Đồng thời, Long An cũng hướng tới trở thành địa phương năng động, hấp dẫn với các nhà đầu tư, là một trong những tỉnh dẫn đầu khu vực ĐBSCL, tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Để thực hiện những mục tiêu trên, tỉnh Long An xác định hạ tầng giao thông sẽ phát triển theo hướng hiện đại, tăng cường tính kết nối các trung tâm đô thị lớn, các trung tâm tăng trưởng và các khu vực trong tỉnh với nhau; Đảm bảo vận chuyển hàng hóa, hành khách an toàn, hiệu quả.
Trước nhu cầu lớn về vốn để phát triển hạ tầng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định thực hiện chương trình “Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh”.
Theo đó, chương trình nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ các thành phần kinh tế để cùng với ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Long An với 8 công trình giao thông, mức đầu tư dự kiến là 11.897 tỷ đồng.
Để đảm bảo các công trình hoàn thành đúng thời gian, đưa vào sử dụng có hiệu quả và tạo cơ sở cho các ngành, các cấp, các doanh nghiệp xây dựng những định hướng đầu tư phù hợp, tỉnh Long An sẽ tập trung công tác rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch liên quan để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, qua đó làm cơ sở đầu tư các công trình hạ tầng và kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế.
Cùng với đó, Long An cũng đặc biệt chú trọng thực hiện nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư để thực hiện dự án. Tỉnh đồng thời tăng cường hợp tác các dự án giao thông dưới nhiều hình thức như BOT và PPP…
Có thể thấy, với tiềm năng lớn về nguồn lực đất đai, hạ tầng giao thông từng bước hoàn thiện, Long An hứa hẹn là miền đất vàng thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực, góp phần tạo diện mạo mới trong quá trình đô thị hóa.