Hạ tầng giao thông vận tải phải đi trước một bước

Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó có hệ thống giao thông, điều này cho thấy đầu tư cho hạ tầng giao thông luôn được coi trọng, coi đây là nền tảng để thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.

Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các Ban, ngành, dưới sự chỉ đạo tập trung, thống nhất, quyết liệt của Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố, thủ đô Hà Nội đã phát huy được sức mạnh tổng hợp để phát triển kinh tế - xã hội cả về chiều rộng và chiều sâu.

Hàng loạt các công trình giao thông do Trung ương và Hà Nội đầu tư đã được hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng trên địa bàn thủ đô, tạo điều kiện để Hà Nội chủ động đầu tư kết nối các tuyến đường. Có thể thấy nhiều con đường, nút giao thông đã được xây dựng rất rộng, đẹp đi vào sử dụng thời gian qua như: Vành đai 2 và cầu Vĩnh Tuy, đường Vành đai 3, trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ), Quốc lộ 1A (đoạn Văn Điển – Ngọc Hồi), một số đoạn tuyến của đường vành đai 2,5 và 3,5; các công trình cầu vượt tại các nút giao thông quan trọng như nút giao Nguyễn Văn Huyên – Hoàng Quốc Việt; An Dương – đường Thanh Niên, đường nối từ Vành đai 3 đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường Tản Lĩnh - Ba Vì... những trục giao thông này đã, đang và sẽ cải thiện hạ tầng giao thông, diện mạo đô thị, tạo thêm lực phát triển cho Thủ đô.

 Nhà văn Nguyễn Văn Học: Để tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội thì kết cấu hạ tầng giao thông vận tải phải đi trước một bước.

Nhà văn Nguyễn Văn Học: Để tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội thì kết cấu hạ tầng giao thông vận tải phải đi trước một bước.

Bức tranh giao thông Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung đang từng bước được hoàn thiện theo hướng ngày càng đồng bộ, văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức cần phải vượt qua.

Lấy ví dụ ngay từ Hà Nội. Không khó để thấy Thủ đô hiện chưa có tuyến vành đai nào được đầu tư hoàn chỉnh; các cầu vượt sông còn thiếu so nhu cầu; đặc biệt, mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông khung chưa được đầu tư đồng bộ nên việc kết nối giữa đô thị trung tâm với 5 đô thị vệ tinh (gồm Hòa Lạc, Xuân Mai, Sơn Tây, Phú Xuyên và Sóc Sơn) cũng như kết nối Hà Nội với các địa phương trong vùng Thủ đô còn hạn chế…

Quá tải hạ tầng giao thông tại các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh cũng cần quan tâm khi tình trạng này diễn ra ngày càng nặng thêm do chưa gắn kết được quy hoạch hạ tầng giao thông với các quy hoạch đô thị khác như quy hoạch xây dựng, quy hoạch nhà ở, quy hoạch môi trường đô thị. Ngoài ra, khả năng kết nối giao thông liên vùng còn nhiều khó khăn, vận tải khách công cộng chưa phát triển... tất cả đều là những vấn đề cần lưu tâm để khắc phục.

Để tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội thì kết cấu hạ tầng giao thông vận tải phải đi trước một bước. Trong đó huy động nguồn lực đầu tư là một trong những yếu tố quan trọng. Nguồn lực phải được sử dụng hợp lý, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có thứ tự ưu tiên, gắn với phát huy các tiềm lực về đất đai, con người, văn hóa và điều kiện tự nhiên… của những khu vực đã được đầu tư, tạo nên giá trị, nguồn lực mới để tái đầu tư các công trình giao thông khác.

Thời gian vừa qua, ở một số khu vực khó giải phóng mặt bằng, do cơ chế đền bù chưa khoa học, dẫn đến việc người dân chưa đồng thuận cao. Để tạo điều kiện cho các tập đoàn, doanh nghiệp xây dựng thì cần tiếp tục hoàn thiện các quy định, thủ tục, cơ chế, chính sách để làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và ổn định; tăng cường kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực đầu tư và quản lý vốn đầu tư.

Nhà văn Nguyễn Văn Học (Báo Nhân Dân)

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ha-tang-giao-thong-van-tai-phai-di-truoc-mot-buoc-115417.html