Hạ tầng mở lối, vận tải Gia Lai bứt tốc

Báo cáo mới nhất của Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai gửi Bộ Xây dựng cho thấy, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong thực hiện Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Bứt phá trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông

Tính đến tháng 6/2025, Gia Lai đã hình thành hệ thống hạ tầng giao thông khá đồng bộ với tổng chiều dài đường bộ đạt hơn 23.700km. Hệ thống này bao gồm 10 tuyến quốc lộ, 22 tuyến đường tỉnh, cùng nhiều tuyến đường giao thông đô thị, nông thôn và chuyên dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho kết nối nội vùng và liên vùng.

Cảng Quy Nhơn (Gia Lai) là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực loại I phục vụ cho tàu đến 50.000 DWT đầy tải (ảnh minh họa).

Cảng Quy Nhơn (Gia Lai) là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực loại I phục vụ cho tàu đến 50.000 DWT đầy tải (ảnh minh họa).

Giao thông hàng hải cũng có bước phát triển nổi bật. Với 134 km bờ biển, hệ thống cảng biển của tỉnh tập trung chủ yếu tại TP. Quy Nhơn và khu vực Đầm Thị Nại. Cụm cảng Quy Nhơn được xác định là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I), có khả năng đón tàu 30.000 – 50.000 DWT đầy tải và tàu 70.000 DWT giảm tải.

Gia Lai cũng khai thác tuyến đường thủy nội địa Hải Cảng – Nhơn Châu dài khoảng 30km, kết hợp vùng nội thủy rộng hơn 3.200km² dọc bờ biển, góp phần mở rộng không gian vận tải thủy.

Về đường sắt, tỉnh có tuyến Hà Nội – TP.HCM đi qua với tổng chiều dài 158,4km, cùng ga Diêu Trì – đầu mối vận tải hành khách và hàng hóa quan trọng trong khu vực.

Giao thông hàng không tiếp tục được đầu tư mở rộng, với hai cảng hàng không lớn là Pleiku và Phù Cát đạt chuẩn 4C, khai thác hiệu quả các dòng tàu bay A320, A321. UBND tỉnh đang tập trung đầu tư đường cất hạ cánh số 2, các đường lăn, sân đỗ và nhà ga mới tại Phù Cát nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải tăng nhanh trong thời gian tới.

Song song với phát triển hạ tầng, tỉnh Gia Lai tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải đổi mới phương tiện, ứng dụng công nghệ, cải thiện chất lượng dịch vụ.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 84 đơn vị vận tải tuyến cố định (798 xe); 88 đơn vị vận tải hợp đồng (1.639 xe); 24 đơn vị taxi (1.753 xe); 3 đơn vị xe buýt (35 xe) và 3 đơn vị xe điện bốn bánh (112 xe).

Trong 6 tháng đầu năm 2025, sản lượng vận tải hành khách đạt 39,8 triệu lượt, tăng 15,7% so với cùng kỳ; luân chuyển hành khách đạt 5.154 triệu HK.km, tăng 13%. Vận tải hàng hóa đạt 26,8 triệu tấn, luân chuyển đạt 3.813 triệu tấn.km, tăng lần lượt 15,7% và 7,3%.

6 tháng đầu năm, vận chuyển hành khách bằng đường bộ và đường thủy tại Gia Lai tăng 15,7%, luân chuyển tăng 13% so với cùng kỳ (ảnh minh họa).

6 tháng đầu năm, vận chuyển hành khách bằng đường bộ và đường thủy tại Gia Lai tăng 15,7%, luân chuyển tăng 13% so với cùng kỳ (ảnh minh họa).

Tăng tốc chuyển đổi xanh

Nhằm hiện đại hóa ngành vận tải, Gia Lai đang đẩy mạnh chuyển đổi số, sử dụng năng lượng sạch và công nghệ tiên tiến. Nhiều đơn vị vận tải đã đầu tư phương tiện chất lượng cao, thân thiện với môi trường. Tin học hóa trong quản lý, điều hành vận tải được triển khai đồng bộ.

Sở Xây dựng cũng phối hợp chặt chẽ với các cảng hàng không Pleiku và Phù Cát trong điều phối thông tin, đặc biệt vào các dịp cao điểm như lễ, Tết để đảm bảo hoạt động vận tải thông suốt, không tăng giá bất hợp lý.

Địa phương cũng đề xuất trung ương hỗ trợ cơ chế, chính sách phát triển vận tải xanh, giảm khí thải CO₂ và methane; đồng thời mở các lớp đào tạo chuyên sâu cho cán bộ quản lý vận tải về chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ hiện đại.

“Hoạt động vận tải tại Gia Lai đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh, không chỉ của tỉnh mà còn của cả khu vực Tây Nguyên và duyên hải miền Trung”, đại diện Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai nhấn mạnh.

Yến Chi

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/ha-tang-mo-loi-van-tai-gia-lai-but-toc-192250725152401533.htm