Hạ tầng nhiều cảng cá ở TP. Hồ Chí Minh chưa được đầu tư đồng bộ

Nhiều ngư dân mong mỏi, thành phố sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế để tàu cá của bà con ngư dân có thể thuận lợi ra, vào cảng, không phải di chuyển tàu cá đi qua cảng cá của địa phương khác.

Nước thải đen xì, rác nổi lềnh bềnh trên mặt nước tại cảng cá Xí nghiệp cơ khí tàu thuyền, phường Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Nước thải đen xì, rác nổi lềnh bềnh trên mặt nước tại cảng cá Xí nghiệp cơ khí tàu thuyền, phường Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Mặc dù các cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền đánh bắt hải sản trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã phần nào đa dạng các dịch vụ hậu cần phục vụ việc ra khơi đánh bắt của ngư dân nhưng cơ sở hạ tầng tại nhiều cảng cá, khu neo đậu còn rất hạn chế không được đầu tư đồng bộ, nhiều cảng cá đã xuống cấp, cửa ra vào cảng gặp nhiều khó khăn, ô nhiễm trầm trọng…
Cảng cá Bến Lội – Bình Châu thuộc xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũ nay là xã Bình Châu, TP. Hồ Chí Minh đã được đầu tư xây dựng từ năm 2007. Tuy nhiên, từ khi đưa vào sử dụng, khu vực này đã thường xuyên xuất hiện hiện tượng bồi lấp tại khu vực cửa biển, luồng ra vào của tàu đánh bắt hải sản, gây ảnh hưởng rất lớn đến việc di chuyển tàu cá của ngư dân khi ra vào cảng. Có thời điểm, tàu cá tại khu vực này đã không thể xuất bến ra khơi, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống ngư dân.

Cụ thể như thời điểm đầu năm 2023 cửa biển Bến Lội – Bình Châu bị bồi lấp hình thành dãy cát cao, người dân có thể đi bộ qua khu vực này. Các tàu đánh cá công suất 200CV không thể ra vào được, ghe tàu nhỏ phải chờ thủy triều lên cao mới ra, vào được. UBND huyện Xuyên Mộc cũ đã nhiều lần kêu gọi nguồn xã hội hóa để nạo vét luồng. Tuy nhiên, đến nay luồng cửa biển tại khu vực này vẫn liên tục bị bồi lấp khiến tàu đánh cá công suất lớn không thể vào, ra.
Ông Cao Văn Tèo, ngụ ấp Bến Lội, xã Bình Châu, TP. Hồ Chí Minh – ngư dân đang có tàu hành nghề lưới chụp thường xuyên neo đậu tại cảng cho biết, những tàu cá công suất trên 900CV giờ rất khó ra, vào cảng, nhiều chủ tàu công suất lớn phải chuyển ra ngoài cảng cá của tỉnh Bình Thuận cũ nay là tỉnh Lâm Đồng đậu nhờ. Các tàu công suất nhỏ hơn phải chờ khi nào con nước lớn mới có thể ra, vào cảng cá này.
“Nếu cứ nạo vét thông thường việc bồi lấp sẽ không được xử lý triệt để. Các cơ quan chức năng của địa phương cần nghiên cứu có giải pháp lâu dài để xây dựng đê chắn cát sao cho có thể hạn chế thấp nhất việc bồi lấp cát trở lại tại cảng cá này”, anh Tèo mong muốn.
Không riêng gì cảng cá Bến Lội – Bình Châu, cảng cá Lộc An, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũ nay thuộc xã Phước Hải, TP. Hồ Chí Minh được xây dựng và đi vào hoạt động năm 2000 với chiều dài cầu cảng 200m, có khả năng chứa gần 1.000 tàu cá trú đậu. Nhưng theo Ban Quản lý cảng cá Lộc An, nhiều năm qua, luồng vào cảng bị hẹp dần do hiện tượng bồi lắng, gây cản trở, mất an toàn cho tàu thuyền ra vào cảng. Mặc dù vậy, đến nay luồng lạch vào cảng vẫn chưa được nạo vét khơi thông, khiến nhiều tàu cá của ngư dân địa phương phải bỏ đi nơi khác neo đậu, Ban quản lý cảng cá ngày càng mất đi nguồn thu.
Các cảng cá Tân Phước và Phước Hiệp, huyện Long Đất cũ nay là xã Long Hải, TP. Hồ Chí Minh là 2 cảng cá đầu mối lớn trên địa bàn xã và của cả khu vực tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũ. Trước đó, để giảm tải cho cảng cá Phước Hiệp chính quyền địa phương đã xây dựng thêm cảng cá Tân Phước. Thế nhưng đến nay cả hai cảng đều trong tình trạng quá tải.
Cụ thể, cảng cá Phước Hiệp, chiều dài cầu cảng còn nhỏ hơn chỉ có 68m, bố trí cho 3 - 4 tàu vào một lúc, trong khi nhu cầu neo đậu của ngư dân lại gấp 5 - 10 lần. Còn cảng cá Tân Phước, cầu cảng có chiều dài 168m nên chỉ có thể tiếp nhận được từ 7-8 tàu cập cảng một lúc, trong khi tại đây thường xuyên có tới hàng trăm tàu ra vào sửa chữa và lấy nhiên liệu nên vào mùa đánh bắt cảng luôn trong tình trạng quá tải. Do 2 cảng cá này đều được xây dựng hơn 30 năm nên hiện nay 2 cảng này hệ thống xử lý nước thải không đủ công suất phục vụ, vào cao điểm luôn trong tình trạng nhếch nhác, nước từ việc sơ chế cá chảy lênh láng, chảy thẳng ra biển, gây ô nhiễm môi trường biển.
Còn tại phường Vũng Tàu, cảng xí nghiệp cơ khí tàu thuyền là một cảng nhỏ nhưng số lượng tàu đánh bắt cập cảng rất đông, nên luôn trong tình trạng quá tải, nhếch nhác. Nước thải chảy lênh láng rồi được xả xuống biển; rác thải từ xác hải sản, bao nilon, thùng xốp… nổi lềnh bềnh trên mặt nước.

Khu vực cửa biển vào cảng cá Bến Lội - Bình Châu, xã Bình Châu, Thành phố Hồ Chí Minh đã nạo vét luồng nhiều lần nhưng vẫn liên tục bị bồi lấp khiến tàu cá gặp nhiều khó khăn khi ra khơi. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Khu vực cửa biển vào cảng cá Bến Lội - Bình Châu, xã Bình Châu, Thành phố Hồ Chí Minh đã nạo vét luồng nhiều lần nhưng vẫn liên tục bị bồi lấp khiến tàu cá gặp nhiều khó khăn khi ra khơi. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Ngư dân Nguyễn Đình Ngọc, phường Vũng Tàu cho biết: Lượng tàu cá đánh bắt hải sản của TP. Hồ Chí Minh khá nhiều, chủ yếu tập trung tại khu vực tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũ, cùng với đó vào mùa đánh bắt cao điểm hay mùa giông bão có rất nhiều tàu cá từ các tỉnh miền Tây, miền Trung tập trung về các cảng cá của phường Vũng Tàu. Tuy nhiên, hệ thống cảng của phường hiện khá chật hẹp, luôn trong tình trạng quá tải, cơ sở vật chất của cảng không được đầu tư, hiện đại hóa mà ngày càng xuống cấp, ô nhiễm trầm trọng.
“Điểm đáng lo ngại nữa là tại các cảng cá trên địa bàn phường đang phát sinh một khối lượng lớn chất thải và nước thải từ các hoạt động bốc dỡ, sơ chế hải sản, vệ sinh tàu, bảo dưỡng tàu thuyền, sinh hoạt của bà con ngư dân... Trong khi đó, hệ thống xử lý nước thải tại các cảng không đủ công suất xử lý hoặc nhiều cảng chưa có hệ thống xử lý nước thải, nước thải từ hoạt động sơ chế hải sản tràn ra ngoài và chảy trực tiếp xuống biển, thường xuyên bốc mùi hôi thối, vừa ảnh hưởng đến môi trường, vừa ảnh hưởng đến chất lượng hải sản đánh bắt”, ngư dân Nguyễn Đình Ngọc chia sẻ.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, hầu hết các cảng cá trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tập trung chủ yếu tại địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũ. Các cảng cá này đều đã khai thác trong thời gian dài, nhiều cảng được sử dụng từ 15 đến trên 30 năm, nên cơ sở hạ tầng kỹ thuật đầu tư không đồng bộ, xuống cấp, sạt lở, bồi lắng, trong khi đó kinh phí duy tu, sửa chữa còn hạn hẹp. Bên cạnh đó, chưa có các cảng được đầu tư hiện đại hóa nên chưa đáp ứng được công tác bảo quản thủy sản sau đánh bắt cho ngư dân.
Nhiều ngư dân mong mỏi, thành phố sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế để tàu cá của bà con ngư dân có thể thuận lợi ra, vào cảng, không phải di chuyển tàu cá đi qua cảng cá của địa phương khác hoặc tỉnh khác đậu nhờ gây tốn kém thêm kinh phí, trong khi đó nguồn lợi hải sản thì ngày càng cạn kiệt, thu nhập của người dân thì ngày càng bị thu hẹp.

Hoàng Nhị/vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ha-tang-nhieu-cang-ca-o-tp-ho-chi-minh-chua-duoc-dau-tu-dong-bo/379812.html