Hạ thủy tàu hộ vệ tên lửa Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất cho Ukraine
Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ hạ thủy tàu hộ vệ tên lửa lớp Ada dành cho Ukraine, nhiều người đã đặt câu hỏi việc tiếp nhận một con tàu lớn như vậy có phù hợp với Ukraine hay không khi lực lượng hải quân nước này còn nhiều hạn chế.
Thổ Nhĩ Kỳ vừa hạ thủy tàu hộ vệ tên lửa lớp Ada dành cho Ukraine tại nhà máy đóng tàu RMK Marine ở Istanbul vào cuối tuần qua. Buổi lễ có sự tham dự của bà Olena Zelenksa, phu nhân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Các quan chức Ukraine đã hoan nghênh việc hạ thủy tàu hộ vệ tên lửa mà Tổng thống Zelensky đặt tên là Hetman Ivan Mazepa để vinh danh Ivan Stepanovych Mazepa, một quan chức cấp cao của quân đội của Ukraine. Theo một số nguồn tin, việc bàn giao dự kiến chưa thể thực hiện được cho đến năm 2024. Nhiều người đặt câu hỏi việc tiếp nhận một con tàu lớn như vậy có phù hợp với Ukraine hay không khi lực lượng hải quân nước này còn nhiều hạn chế.
Các thông tin từ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, dù đã được hạ thủy, nhưng tàu hộ vệ vẫn cần phải trang bị và kiểm tra các hệ thống vũ khí tùy chỉnh theo đơn đặt hàng. Sau khi hoàn thiện, tàu Hetman Ivan Mazepa dự kiến có trọng tải 2.400 tấn, dài gần 100m, có thể đạt tốc độ tối đa 29 hải lý/giờ. Nó có một nhà chứa máy bay và bãi đáp cho trực thăng cũng như cho máy bay không người lái (UAV) trên boong.
Con tàu lớp Ada này được thiết kế để tiền hành các hoạt động ở khu vực ven biển. “Chúng có khả năng tác chiến chống tàu ngầm và tàu tuần tra trên biển”, trang web chính thức của Tổng thống Zelensky cho biết. Trong thông báo trên Twitter, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho rằng: “Với sự xuất hiện của con tàu này, các khu vực ở Biển Đen và Biển Azov sẽ an toàn”.
Ukraine đã ký hợp đồng mua hai tàu tên lửa hộ vệ do Thổ Nhĩ Kỳ đóng, vào năm 2020, với tổng giá trị 256 triệu USD, sau khi Nga bắt giữ 2 tàu chiến của Ukraine ở Biển Azov vào tháng 11/2018. Vào thời điểm thỏa thuận được ký kết, Ukraine đã có kế hoạch trang bị cho các con tàu này vũ khí, hệ thống phòng không, radar và các cảm biến khác, Naval News cho biết. Kế hoạch do Bộ Quốc phòng Ukraine công bố, yêu cầu sử dụng hệ thống tên lửa chống hạm RGM-84 Harpoon “làm hệ thống tấn công chính của con tàu”. Ukraine cũng xem xét trang bị tên lửa chống hạm nội địa Neptune, tên lửa Harpoon, Atmaca và Naval Strike Missile.
Các tàu hộ vệ tên lửa lớp Ada của Thổ Nhĩ Kỳ được trang bị hai pháo 12,7mm, 8 tên lửa chống hạm, cụm 3 ống phóng ngư lôi săn ngầm hạng nhẹ Mk 32 cỡ 324mm, dành cho ngư lôi Mk 46 Mod 5 và 1 trực thăng S-70B-2 Seahawk. Ông Andrii Ryzhenko, sĩ quan hải quân Ukraine đã về hưu, đồng thời là chuyên gia của Trung tâm Chiến lược Quốc phòng cho biết, vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc trang bị cho Hetman Ivan Mazepa.
Theo nhà phân tích này, với sức mạnh của Hạm đội Biển Đen của Hải quân Nga, việc bổ sung thêm 2 tàu hộ vệ tên lửa lớp Ada cho Ukraine nhiều khả năng vẫn chưa đủ ngay cả khi chúng được chuyển giao khi giao tranh đang diễn ra.
Một mối lo ngại khác là khả năng của ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine trong việc trang bị cho các con tàu. “Vẫn chưa rõ làm thế nào để ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine có thể tham gia vào quá trình này vì các công ty của chúng tôi hiện đang ở Nikolayev – nơi giao tranh diễn ra ác liệt”. Ông Ryzhenko cũng đặt câu hỏi về nguồn lực sử dụng cho các các tàu, do Ukraine cần đang cần huy động nhân lực và vật lực cho cuộc chiến chống Nga.
Hồi tháng 6 vừa qua, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo họ đã gửi 18 tàu đến Ukraine, trong đó có 2 tàu tuần duyên SURC, 10 tàu tuần tra lớp Dauntless Sea Ark, 6 tàu tuần tra chiến đấu hàng hải để giúp Ukraine củng cố năng lực hàng hải cơ bản nhất của nước này.
Sức mạnh hải quân của Ukraine đã suy giảm đáng kể từ khi chiến sự nổ ra. Chỉ 3 ngày sau khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt, hải quân Nga đã phá hủy 8 tàu chiến của Ukraine. Vào tháng 3 vừa qua, tàu khu trục Hetman Sahaidachny thuộc lớp Krivak III/Menzhinskiy có kích thước lớn nhất của Hải quân Ukraine đã bị đánh chìm gần cảng Mykolaiv bên bờ biển Đen, trong bối cảnh các cuộc giao tranh với Nga ở khu vực diễn ra ác liệt. Cũng trong thời gian đó, Nga tuyên bố đã đánh chìm tàu tuần tra Sloviansk của Hải quân Ukraine. Đây vốn là tàu tuần tra của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ nhưng đã được chuyển giao cho Ukraine vào năm 2019.
Một số nhà phân tích cho rằng, việc hạ thủy tàu hộ vệ tên lửa Hetman Ivan Mazepa là dấu hiệu mới nhất cho thấy mối quan hệ ngày càng tăng cường giữa Ukraine với các nhà sản xuất vũ khí Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara cũng là đối tác cung cấp cho Ukraine máy bay không người lái Bayraktar TB2. Loại UAV này tỏ ra rất hiệu quả khi được sử dụng để xác định vị trí mục tiêu, ném bom hoặc thu hút hỏa lực đối phương.
Trong khi máy bay không người lái TB2 tiếp tục đóng một vai trò quan trọng đối với Ukraine trong cuộc chiến, thì vẫn chưa rõ tàu hộ vệ tên lửa Hetman Ivan Mazepa sẽ mang lại ưu thế gì cho Kiev. Mặc dù các tàu hộ vệ lớp Ada có thể giúp Ukraine tăng cường khả năng phòng thủ ven biển song chưa rõ chúng có thể làm thay đổi cán cân sức mạnh nếu xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp diễn ở thời điểm con tàu được bàn giao hay không. Chưa kể chúng sẽ đứng đầu danh sách các mục tiêu tấn công của Nga.
Hiện, Ukraine đang nỗ lực rất nhiều để củng cố năng lực hải quân của nước này. Để làm điều đó, Kiev cần rất nhiều thời gian và kinh phí đóng mới tàu chiến, trang bị và đưa vào hoạt động./.