Hà Tiên nỗ lực chặn buôn lậu qua biên giới
Trong diện mạo của một đô thị đang phát triển, TP Hà Tiên (Kiên Giang) vẫn từng ngày, từng giờ đối mặt nạn buôn lậu, vận chuyển hàng cấm. Ðể hạn chế và tiến đến xóa bỏ vấn nạn này, những người lính quân hàm xanh Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang phải dàn quân trên tuyến biên giới.
Trở lại TP Hà Tiên một ngày lất phất mưa, xe chầm chậm qua cầu Tô Châu, tiến thẳng về Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên. Tai không nghe tiếng gầm rú của động cơ xe máy, mắt không thấy những đoàn xe thồ hàng chạy với tốc độ cao, một hình ảnh vốn quen thuộc ở đây. Theo thống kê của Bộ đội Biên phòng Kiên Giang, lúc nhiều nhất, mỗi ngày có từ 300 đến 350 tấn đường và khoảng 15 đến 20 nghìn cây (mỗi cây 10 bao) thuốc lá được tuồn từ Cam-pu-chia qua biên giới vào Hà Tiên. Các đối tượng buôn lậu mua hàng từ các chủ hàng ở ngoại biên rồi thuê người vận chuyển qua biên giới về các điểm tập kết hoặc vận chuyển thẳng về bến xe, bến tàu để đưa vào trong nước hay ra các đảo của tỉnh Kiên Giang tiêu thụ. Hàng lậu nhiều chủng loại, nhưng chủ yếu là đường cát và thuốc lá điếu.
Với đường cát, các đối tượng lợi dụng thời điểm giao ca lúc sáng sớm, giữa trưa và chiều tối. Chúng bố trí người theo dõi, cảnh giới chờ lúc sơ hở của lực lượng chống buôn lậu là đưa hàng qua biên giới. Ðối với thuốc lá điếu, các đối tượng sử dụng mô-tô đã được "độ" lại, chạy tốc độ cao, vận chuyển sâu vào nội địa. Loại hàng này khi bị bắt với số lượng lớn sẽ xử lý hình sự, cho nên chúng chia thuốc lá ra thành nhiều bao, bọc để khi đối mặt với lực lượng chức năng dễ dàng vứt bỏ, tẩu tán, bỏ chạy.
Trên vùng biển, tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép tuy không phức tạp như trên đường bộ, nhưng vẫn lén lút. Các đối tượng thường sử dụng phương tiện đánh bắt hải sản qua Cam-pu-chia mua hàng rồi ngụy trang cất giấu trong các thùng xốp, khi có nguy cơ bị lộ thì vứt xuống biển. Với mặt hàng gỗ, các đối tượng thuê người Cam-pu-chia sử dụng xuồng máy, lợi dụng đêm tối vận chuyển đến những bãi biển vắng người để lên hàng giao cho đối tượng phía Việt Nam dùng ô-tô vận chuyển đi tiêu thụ.
Ðại tá Hồ Tú Ðiền, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang cho biết, khi lực lượng chống buôn lậu đấu tranh quyết liệt thì tình hình có giảm, nhưng khi rút quân để thực hiện các nhiệm vụ khác tình hình lại phức tạp. Nạn buôn lậu không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến nhiều vấn đề xã hội khác như tai nạn giao thông, bất ổn an ninh trật tự trong xã hội...
"Ðể hạn chế, tiến đến xóa trắng vấn nạn này, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã mở cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa; dựng các chốt cắm quân 24/24 giờ trên dọc tuyến biên giới để đấu tranh ngăn hàng lậu, hàng cấm tràn qua", đại tá Hồ Tú Ðiền cho biết.
Ðứng chân tại điểm cực tây nam của Tổ quốc, Ðồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế (CKQT) Hà Tiên có nhiệm vụ quản lý vào bảo vệ 14,5 km đường biên giới trên bộ giáp với nước bạn Cam-pu-chia và 20,5 km đường biển, cùng chín cột mốc đã được phân định. Cùng Trung tá Nguyễn Văn Tùng, Phó Ðồn trưởng Ðồn Biên phòng CKQT Hà Tiên đi dọc theo tuyến biên giới bộ, trên con đường nhựa cắt ngang một cánh đồng lớn, vào mùa mưa nước lấp xấp, những bờ ruộng trở thành những con đường mòn nối liền hai bờ biên giới. Cứ khoảng 1 km, Bộ đội Biên phòng cắm một chốt có từ hai đến ba sĩ quan, chiến sĩ túc trực. Những địa bàn có nhiều đường mòn, lối rẽ, chốt trực được bố trí dày hơn. Thoáng qua, chúng tôi cảm nhận trên tuyến biên giới khá thanh bình. Bà con qua lại làm đồng, mua bán, chăn thả gia súc bình thường.
Nhưng quan sát kỹ, chúng tôi vẫn nhận ra bên kia cột mốc có những điểm, ổ tập kết hàng, có người và phương tiện túc trực. "Các đối tượng túc trực chỉ chờ sơ hở của cán bộ, chiến sĩ ta là nổ máy xe lao nhanh trên những bờ ruộng đưa hàng qua biên giới. Sau khi chở lọt một chuyến hàng, thì những người này quay lại chở theo bao cát hoặc đá trải trên những đoạn đường bị lún dấu bánh xe", Trung tá Nguyễn Văn Tùng vừa nói vừa chỉ tay về phía các đường mòn. Cũng vì điều này, mà chúng tôi nhận ra được tư thế sẵn sàng của những sĩ quan, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại các chốt canh.
Trung tá Nguyễn Văn Tùng cho biết thêm, người thồ hàng là dân tại chỗ và từ nơi khác đến, có điểm chung là nghèo. Nếu bị bắt giữ hàng, họ phải bồi thường cho chủ, nên những người này bất chấp. Họ huy động hàng chục người là phụ nữ, trẻ em đến vây lấy lực lượng để giành giật lại hàng (đường cát) mỗi khi bị lực lượng chức năng thu giữ. Thời gian qua cơ quan chức năng đã khởi tố nhiều vụ chống người thi hành công vụ, Trung tá Nguyễn Văn Tùng cho hay.
Chống buôn lậu trên tuyến biên giới Hà Tiên được xác định là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài của Bộ đội Biên phòng Kiên Giang. Tuy nhiên do điều kiện còn khó khăn, thường xuyên di động nên các lều canh, trại gác còn khá tạm bợ, đơn sơ, ảnh hưởng nhiều đến công việc, sinh hoạt và sức khỏe của bộ đội. Ngoài các chốt lớn ở các điểm nóng như: Bến Xuồng, Ðường Chùa, Lộ Hai Da, Chốt 314, Xa Kỳ, còn lại lều canh ở các đường mòn, lối mở trên toàn tuyến chỉ che tạm bằng bạt. "Trực chốt trong những ngày nóng, bộ đội trú tạm vào các tán cây, tăng võng trong các lều bạt. Trời mưa, nước tạt, gió lùa, bộ đội ngồi trong lều nhưng phải mặc đồ đi mưa. Trang thiết bị, công cụ hỗ trợ, phương tiện đi lại của bộ đội hạn chế cho nên khi tuần tra, truy bắt các đối tượng manh động vượt chốt gặp nhiều khó khăn, nhiều lúc việc ngăn chặn không thành công. Hàng lậu, hàng cấm vẫn còn vượt qua biên giới", một chiến sĩ chia sẻ.
Bến Xuồng là một địa điểm nổi tiếng nhất tại TP Hà Tiên về hoạt động buôn lậu, vốn là một cánh đồng ngập nước vào mùa mưa nằm ở khu vực biên giới giữa nước ta và bạn, thuộc khu phố Mỹ Lộ, phường Mỹ Ðức. Tên gọi Bến Xuồng được hình thành từ việc giới buôn lậu tập kết hàng bằng xuồng từ bên kia biên giới sang đây. Lúc cao điểm, tại Bến Xuồng, giao dịch nhộn nhịp không khác gì một khu chợ nổi thường thấy ở miền Tây. Tại bãi đất rộng nhìn ra Bến Xuồng đã mọc lên một căn nhà tiền chế, là nơi trực chiến, sinh hoạt của một tổ công tác thuộc biên chế Ðồn Biên phòng CKQT Hà Tiên. Chốt này khá thuận tiện, đứng ở cửa khi trời tù mù, chúng tôi cũng bao quát được cả một khu vực biên giới. Bên kia cột mốc, chúng tôi không nhận ra những địa điểm hoài nghi, không nhìn thấy ghe xuồng, hay ai đó thập thò hướng mắt về bên đây cột mốc.
Ðồn Biên phòng CKQT Hà Tiên đã cho dựng lên chốt này từ đầu năm đến nay, cử một tổ ứng trực 24/24 giờ trong ngày. Thượng úy Ninh Văn Nam, Ðội trưởng Ðội Tuần tra kiểm soát Ðồn Biên phòng CKQT Hà Tiên kiêm Chốt trưởng chốt Bến Xuồng cho biết, ngoài việc bố trí cán bộ, chiến sĩ trực chiến tại chốt, lãnh đạo Ðồn đã chỉ đạo Ðội Công tác vận động quần chúng bám sát, nắm chặt địa bàn, đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân về các quy định của pháp luật trong xử lý các hành vi vận chuyển, mua bán, tàng trữ hàng cấm, tiếp tay cho buôn lậu. "Về điều kiện vật chất tại chốt Bến Xuồng đầy đủ hơn những nơi khác cho nên hiệu quả công tác rất cao.
Từ khi chốt Bến Xuồng được dựng lên, từ một địa điểm nóng, Bến Xuồng trở thành điểm trắng hàng lậu. Việc dựng chốt chống buôn lậu đã phát huy tác dụng rõ rệt, có thể nhân rộng ra những điểm nóng khác trên toàn tuyến biên giới", Thượng úy Ninh Văn Nam đề xuất. Báo cáo của Ðồn Biên phòng CKQT Hà Tiên cho thấy, từ đầu năm 2019 đến nay, các điểm nóng về buôn lậu ở Hà Tiên như: Bến Xuồng, Ðường Chùa, Lộ Hai Da, Chốt 314, Xa Kỳ… đã vắng bóng hàng lậu, hàng cấm. Còn theo nhận xét của Ðại tá Hồ Tú Ðiền, hiện lượng đường cát lậu thẩm thấu vào Hà Tiên đã giảm đến hơn 90% và thuốc lá lậu cũng giảm hơn 70%. "Ðây là thành tích tốt nhất trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa trên dọc tuyến biên giới Hà Tiên từ trước đến nay", Ðại tá Hồ Tú Ðiền phấn khởi chia sẻ.