Hà Tĩnh: Bãi rác quá tải, dân mong mỏi dự án xử lý rác hiện đại
Hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có nhiều điểm tập kết, xử lý rác thải sinh hoạt đã quá tải gây ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong số hàng chục điểm tập kết, xử lý rác thải ở các địa phương trong tỉnh Hà Tĩnh, hiện có một số bãi rác đã quá tải. Nguyên nhân là thời gian đưa vào sử dụng đã lâu, hoặc một số bãi/điểm tập kết rác chỉ mới sử dụng hình thức chôn lấp, chưa có lò đốt.
Tại huyện Nghi Xuân hiện có 2 điểm tập kết, xử lý rác ở xã Cương Gián và xã Xuân Thành.
Ông Lê Hữu Phong, chuyên viên phòng TN-MT huyện Nghi Xuân cho biết bãi rác ở xã Cương Gián phục vụ thu gom và xử lý rác cho 6 xã, bãi rác ở xã Xuân Thành thu gom và xử lý rác cho 11 xã, thị trấn.
Theo ông Phong, 2 cơ sở xử lý rác này có tổng công suất 1,7 tấn/giờ, tương đương với việc xử lý khoảng 35 tấn rác trên địa bàn toàn huyện trong một ngày. Hiện nay hai cơ sở này đang quá tải về mặt công suất để xử lý toàn bộ lượng rác trên địa bàn huyện, rác thu gom về hai bãi này tồn đọng với khối lượng rất lớn.
Riêng bãi tập kết, xử lý rác ở xã Xuân Thành có diện tích 1,2ha, bắt đầu hoạt động từ năm 2014 với hình thức chôn lấp và tập kết lộ thiên. Đến năm 2017 vì lượng rác quá tải nên được đầu tư xây dựng thêm lò đốt. Tuy nhiên, lò đốt chỉ có công suất 16 tấn/ngày, trong khi đó lượng rác gom về khoảng 21 tấn/ngày nên không thể xử lý hết được. Đến nay lượng rác tồn đọng ở đây đã chất cao như núi, mùi hôi thối lan ra khu dân cư lân cận gây ô nhiễm môi trường.
“Về phương án giải quyết thì huyện đã ban hành đề án phân loại rác và xử lý rác hữu cơ tại nguồn, nhằm mục đích giảm thiểu lượng rác phát sinh. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đang xây dựng đề án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn toàn tỉnh với quy mô diện tích lớn hơn và áp dụng công nghệ hiện đại.
Huyện cũng đã đề nghị UBND tỉnh sớm ban hành đề án này để địa phương căn cứ thực hiện. Thứ hai nữa là có cơ chế chính sách về thu hút đầu tư để triển khai có tính khả thi các nội dung của đề án”, ông Phong nói.
Tại huyện Lộc Hà, hiện có một bãi thu gom, xử lý rác cho tất cả 12 xã thị trấn trên địa bàn. Bãi rác này đóng tại thôn Thượng Phú, xã Hồng Lộc, có diện tích 5ha, hoạt động từ năm 2015. Do chỉ xử lý bằng hình thức chôn lấp và tập kết lộ thiên, nên qua nhiều năm, lượng rác của cả huyện dồn về tồn đọng rất lớn gây ô nhiễm môi trường trong khu vực.
Ông Lê Viết Bình, Chủ tịch UBND xã Hồng Lộc cho biết: “Trong thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực xung quanh bãi rác của huyện trên địa bàn xã Hồng Lộc là có. Mặc dù huyện đã đầu tư ngân sách để nâng cấp, sửa chữa, tuy nhiên do khối lượng rác tập kết về nhiều nên việc xử lý môi trường gặp nhiều khó khăn.
Hiện có chủ trương xây dựng bãi rác với quy mô, công nghệ cao hơn. Người dân và chính quyền chúng tôi mong các cơ quan, các ngành tạo mọi điều kiện tốt nhất để chủ đầu tư sớm tiến hành xây dựng bãi rác lớn hơn đảm bảo môi trường cho địa bàn xã”.
Theo ông Bình, hiện sự ô nhiễm từ bãi rác của huyện Lộc Hà đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của khoảng 10 hộ dân tại vùng Cồn Toóc, thôn Thượng Phú.
Ông Phan Tiến Dũng, Trưởng phòng TN-MT huyện Lộc Hà cho hay, bãi rác của huyện này hiện nay đã được lấp đầy. “Để xử lý rác tồn đọng trên địa bàn thì thứ nhất là UBND huyện đang chỉ đạo Ban Quản lý cụm công nghiệp huyện (đơn vị quản lý và vận hành bãi thu gom và xử lý rác) phải thực hiện việc san ủi, lấp đất để tạo khoảng trống cho việc tiếp tục thu gom rác và xử lý. Tuy nhiên biện pháp này cũng chỉ đáp ứng một thời gian ngắn thôi, còn về lâu dài thì hiện nay UBND tỉnh đã có quyết định về chủ trương đầu tư cho cho một doanh nghiệp trong lĩnh vực môi trường vào đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác", ông Dũng nói.
Trưởng phòng TN-MT huyện Lộc Hà cho biết thêm: "Hiện tại công ty đầu tư đã giải phóng xong mặt bằng hơn 9ha, đã làm báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên hiện nay theo đề án của tỉnh và yêu cầu trong giai đoạn mới thì cần phải xây dựng lò đốt theo công nghệ hiện đại, nên báo cáo đánh giá tác động môi trường không phù hợp với yêu cầu mới.
Do đó, công ty và tỉnh đang phối hợp với các sở, ngành và địa phương thực hiện dự án theo hướng chỉ đạo của tỉnh để trong thời gian tới xử lý rác vừa đáp ứng được mức độ thu gom ngày một lớn vừa đảm bảo công tác bảo vệ môi trường, nhất là không để tình trạng rác chôn lấp ảnh hưởng môi trường lâu dài”.
Ông Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc Cụm công nghiệp huyện Lộc Hà (đơn vị vận hành bãi rác) cho biết, hiện máy ủi phục vụ san lấp bị hỏng nên hằng tháng đơn vị phải thuê máy bên ngoài vào làm việc.
"Nếu trong thời gian tới nhà đầu tư chưa hoàn thành dự án nhà máy xử lý rác mà bãi quá tải thì chúng tôi sẽ sử dụng diện tích đất dự phòng trong khuôn viên bãi để đào hố chôn lấp theo phương án cũ", ông Nguyễn Đức Dũng cho hay.