Hà Tĩnh: Bệnh lạ bùng phát khiến hàng trăm gia súc có nguy cơ tử vong
Hiện nay, Hà Tĩnh đã có gần 600 con trâu bò đã bị nhiễm bệnh lạ, trong đó có gần 50 con chết và được tiêu hủy. Đây là loại bệnh mới xuất hiện tại Hà Tĩnh.
Những ngày qua, căn bệnh lạ ở trâu, bò tại địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã xuất hiện và bùng phát ở 8 huyện, thành phố, thị xã. Công tác khoanh vùng, khống chế dịch bệnh mặc dù được các địa phương, ngành chuyên môn triển khai nhưng dịch bệnh vẫn đang lan nhanh và có chiều hướng phức tạp.
Theo cơ quan thú y, đây là loại bệnh mới gọi là bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò. Bệnh dịch này mới xuất hiện tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Bệnh do virus thuộc họ Poxviridae gây ra. Bệnh khiến trâu bò có các biểu hiện sốt cao; suy nhược cơ thể; sưng hạch, có các nốt sần đặc biệt ở da đầu, cổ, chân; viêm mũi, viêm kết mạc...
Đường truyền lây chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve; bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch và qua tiếp xúc trực tiếp.
Được biết, Ổ dịch đầu tiên của Hà Tĩnh được phát hiện đầu tiên tại xã Phú Phong, huyện Hương Khê với 3 con bò mắc bệnh. Dịch sau đó xuất hiện liên tiếp tại nhiều xã ở huyện Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên và TP Hà Tĩnh.
Mặc dù, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò diễn ra phức tạp nhưng hiện tại người dân địa phương vẫn còn thói quen chăn nuôi thả rông. Đây cũng là một trong những nguyên nhân lây truyền bệnh nhanh chóng.
Ông Dương Đình Loan, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh cho biết, riêng tại huyện Kỳ Anh, đã xác định 5 xã xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò và một số địa phương có trâu, bò bắt đầu xuất hiện triệu chứng bệnh này.
“Toàn huyện Kỳ Anh đã xác định có 14 con bò của 12 hộ dân ở 8 thôn, 5 xã trên bị bệnh viêm da nổi cục. Hiện chúng tôi yêu cầu các địa phương tiếp tục tuyên truyền cảnh báo đến các hộ chăn nuôi. Đồng thời hướng dẫn người chăn nuôi cách phòng dịch, chăm sóc, nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi”, ông Loan cho biết thêm.
Ngành chuyên môn và các địa phương ở Hà Tĩnh đã chủ động tập trung nhiều giải pháp hạn chế lây lan, khoanh vùng dịch bệnh, vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chuồng trại và vùng dịch, chữa trị cho những con gia súc bị nhiễm bệnh; yêu cầu người dân ký cam kết cách ly, nuôi nhốt trâu bò bị nhiễm bệnh và nghi nhiễm bệnh trong chuồng, không chăn thả, đưa trâu bò ra ngoài.
Trao đổi với chúng tôi, Ông Nguyễn Khắc Khánh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đến nay tại địa bàn Hà Tĩnh đã có gần 600 con trâu bò ở 30 xã thuộc các huyện Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Can Lộc, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh bị nhiễm bệnh viêm da nổi cục; đã có gần 50 con chết và được tiêu hủy.
Theo đại diện lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, viêm da nổi cục còn được gọi là bệnh da sần, là bệnh truyền nhiễm do virus thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò, không lây nhiễm và không gây bệnh trên người. Bệnh tồn tại trong thời gian dài ngoài môi trường, thời gian ủ bệnh từ 4 đến 14 ngày. Qua theo dõi nhận thấy, diễn biến bệnh viêm da nổi cục trên địa bàn tỉnh khá phức tạp, có chiều hướng lây lan nhanh, tỷ lệ chết khá cao (tỷ lệ chết chiếm 7% tổng số gia súc mắc bệnh) và nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh, lây lan trong thời gian tới là rất cao.
Bệnh viêm da nổi cục do virus gây ra, trong khi đó vaccine viêm da nổi cục đang sử dụng ở diện thí điểm, chưa sử dụng tiêm phòng đại trà cho đàn trâu bò trên địa bàn, khó khăn rất lớn cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Đặc biệt, dịch viêm da nổi cục là bệnh mới, nên việc giám sát, phát hiện của người chăn nuôi, thú y cơ sở còn chậm.
Nhà chức trách Hà Tĩnh cũng đề nghị các địa phương hướng dẫn người dân giám sát đàn trâu, bò. Khi có biểu hiện bị bệnh hoặc nghi bị bệnh cần báo cáo chính quyền và cơ quan thú y triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Các địa phương cần hướng dẫn người chăn nuôi chăm sóc, nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi; thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh, tiêu độc chuồng trại, khu vực chăn nuôi,… bằng vôi bột, hóa chất để tiêu diệt mầm bệnh; không mua, bán trâu, bò tại các vùng đang có dịch.