Hà Tĩnh 'bỏ túi' 2.000 tỷ đồng/năm từ chế biến lâm sản
Việc quy hoạch, mở rộng mạng lưới cơ sở chế biến lâm sản ở Hà Tĩnh có ý nghĩa quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm gỗ rừng trồng, nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp, tạo việc làm cho người trồng rừng và thúc đẩy phát triển KT-XH các địa phương miền núi.
Hệ thống dây chuyền, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ được nhập từ các nước Châu Âu của Nhà máy Gỗ MDF, HDF ở Vũ Quang đã bước đầu đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả.
Đến Nhà máy Gỗ MDF, HDF (Công ty TNHH Thanh Thành Đạt) ở xã Sơn Thọ (Vũ Quang) mới thấy được quy mô, cách thức vận hành của một cơ sở sản xuất lớn và hiện đại trong chế biến lâm sản.
Với tổng mức đầu tư lên đến 1.440 tỷ đồng, nhà máy có mặt bằng rộng rãi, hệ thống máy móc hiện đại nhập từ nước ngoài về, được điều hành bởi một chuyên gia người Brazil, vận hành bởi đội ngũ kỹ sư giỏi.
Từ vận chuyển, tiếp nhiên liệu đến các công đoạn chế biến và cho sản phẩm ra lò đều được thực hiện nhịp nhàng, đồng bộ, an toàn, sạch sẽ và hiệu quả. Nếu vận hành tối đa, mỗi ngày cơ sở sản xuất này có thể sản xuất được 120.000m3 ván ép, 2.400m3 ván thanh...
Khu vực tập kết sản phẩm mới ra lò của Nhà máy Gỗ MDF, HDF
Ông Cao Hùng Châu - Phó giám đốc Nhà máy Gỗ MDF, HDF cho hay: “Dù mới đi vào vận hành nhưng các sản phẩm mới ra lò đã đáp ứng về chất lượng, mẫu mã, bước đầu đã được khách hàng đánh giá cao. Việc nhà máy đi vào hoạt động có ý nghĩa rất lớn đối với người trồng rừng trên địa bàn Hà Tĩnh, đồng thời tạo việc làm ổn định cho hơn 200 lao động sản xuất trực tiếp trong nhà máy và giúp hàng ngàn hộ dân được đảm bảo sinh kế, thu nhập từ sản xuất rừng nguyên liệu và tham gia phục vụ các công đoạn gián tiếp.
Ngoài ra, nhà máy cũng góp phần bình ổn giá cả thu mua, khắc phục tình trạng đầu nậu ép giá người trồng rừng, cải thiện chất lượng rừng trồng theo hướng tăng năng suất, trồng rừng gỗ lớn...”.
Công nhân của Cơ sở thu mua và chế biến keo tràm Cảnh Phượng (Hương Khê) tuyển lựa gỗ loại lớn để xẻ thanh bán cho các cơ sở đóng đồ gia dụng, dân dụng...
Ngoài Nhà máy Gỗ MDF, HDF của Công ty TNHH Thanh Thành Đạt thì ở Hà Tĩnh hiện nay còn có nhiều cơ sở làm ăn hiệu quả, chấp hành tốt chính sách pháp luật, giúp giải quyết tốt các vấn đề kinh tế, nguyên liệu, lao động, hoạt động các đoàn thể, thực hiện các hoạt động an sinh xã hội...
Điển hình như Công ty Cổ phần An Hồng ở Tổ dân phố 10, thị trấn Xuân An (Nghi Xuân). Từ gỗ nguyên liệu, công ty đã chế biến các sản phẩm về gỗ khá đa dạng, nhất là gỗ lát sàn, ốp tường để tiêu thụ cả ở trong nước lẫn xuất khẩu sang Đài Loan.
Với việc chế biến hàng trăm m3 gỗ mỗi năm, công ty đạt doanh thu 5,3 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 53 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân hàng tháng khoảng 4 triệu đồng/người, đóng nộp ngân sách và thực hiện các nghĩa vụ khác đầy đủ.
Công nhân Công ty Cổ phần An Hồng sản xuất ván lát sàn xuất khẩu sang Đài Loan
Hiện trên địa bàn Hà Tĩnh đã có 335 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chế biến lâm sản, trong đó có 5 cơ sở sản xuất ván sàn, ván ghép thành; 145 cơ sở sản xuất đồ mộc dân dụng, đồ gỗ văn phòng, nội thất; 6 cơ sở sản xuất ván bóc, ván ép; 2 cơ sở bột giấy; 2 cơ sở sản xuất viên nén sinh khối; 4 cơ sở sản xuất dăm; 167 cơ sở cưa xẻ...
Nhìn chung, mạng lưới cơ sở chế biến lâm sản đang hoạt động cơ bản được quy hoạch, tổ chức, sắp xếp khoa học, hợp lý, gắn với các khu, cụm công nghiệp, vùng nguyên liệu. Ngoài việc đảm bảo các quy định pháp luật về môi trường, định hướng phát triển ngành nghề chế biến lâm sản thì nó cũng đã phần nào đáp ứng được nhu cầu sản xuất, tiêu thụ.
Công nhân Công ty TNHH Lâm sản Lam Hồng (TX Hồng Lĩnh) sản xuất gỗ dán, gỗ lạng, gỗ ép và ván mỏng.
Theo thống kê, mỗi năm toàn tỉnh chế biến khoảng 500.000m3 gỗ nguyên liệu, chủ yếu là gỗ rừng trồng; mang về giá trị sản xuất trên 2.000 tỷ đồng/năm, trong đó giá trị xuất khẩu đạt trên 20 triệu USD; tạo việc làm thường xuyên cho hơn 5.000 công nhân, lao động và 70.000 người dân trồng rừng ở khu vực gần rừng.
Ông Hoàng Quốc Huấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh đánh giá: “Sau khi được quy hoạch, quản lý tốt, các cơ sở chế biến trên địa bàn tỉnh ta đã hoạt động đúng định hướng, đúng quy hoạch, phát huy hiệu quả về nhiều mặt.
Ngoài việc góp phần đảm bảo việc làm, thu nhập, đời sống cho người trồng rừng, các cơ sở chế biến lâm sản, nhất là các đơn vị lớn đã tạo được “đầu kéo” trong phát triển sản xuất xuyên suốt từ khâu trồng, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm; thúc đẩy ngành chế biến gỗ rừng trồng theo hướng tinh sâu; nâng cao hiệu quả và giá trị sản xuất nền lâm nghiệp”.