Hà Tĩnh chủ động phòng ngừa, khoanh vùng dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò
Sau khi xuất hiện ổ dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò tại huyện Lộc Hà và Thạch Hà (Hà Tĩnh), các địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn, khoanh vùng dịch, hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi.
Ngành chuyên môn đã lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính với dịch bệnh viêm da nổi cục tại huyện Lộc Hà.
Tại ổ dịch ở xã Mai Phụ (Lộc Hà), 3 chốt thông báo vùng có dịch tại các cửa ngõ vào, ra đã được lập. Xã cũng đang hướng dẫn người dân có trâu, bò bị bệnh thực hiện rải vôi bột, phun tiêu độc khử trùng, đồng thời quản lý chặt chẽ, không để tình trạng thả rông trâu, bò trong vùng có dịch.
Anh Mai Chí Thường (thôn Đông Thắng, xã Mai Phụ) chia sẻ: “Gia đình có 2 con bò bị bệnh. Hiện tại, chúng tôi đã vệ sinh, dọn dẹp lại khuôn viên chuồng trại, sân vườn, phun thuốc khử trùng và sẽ tiến hành chăm sóc cẩn thận, bổ sung thêm vitamin, chất dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe cho vật nuôi”.
Anh Thường đã dọn dẹp vệ sinh chuồng trại, khu vực quanh nhà và tiến hành rải vôi bột khử khuẩn.
Được biết, ngay sau khi có kết quả dương tính với dịch viêm da nổi cục trên địa bàn, xã Mai Phụ đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp bách phòng chống dịch, chủ động lấy thêm một số mẫu trâu, bò khác để gửi đi xét nghiệm; cử cán bộ trực tiếp theo dõi, nắm thường xuyên thông tin tại các ổ dịch trong thôn.
Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà Phan Văn Thanh cho biết: “Đến thời điểm này, dịch đã xuất hiện tại xã Thạch Châu và xã Mai Phụ. Huyện đã tổ chức đoàn xuống kiểm tra tại địa phương và những hộ dân có trâu, bò bị bệnh, nghi nhiễm; chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã có dịch bệnh triển khai thông báo tình hình và nghiêm túc thực hiện một số biện pháp chủ yếu nhằm kiểm soát, phòng chống dịch; cấp phát hơn 600 lít hóa chất cho người dân. Tuy nhiên, thời điểm này thời tiết mưa rét, nhiệt độ xuống thấp cũng đã gây không ít khó khăn cho công tác rải vôi, phun tiêu độc khử trùng ở cơ sở".
Các hộ dân tiến hành phun hóa chất tiêu độc khử trùng tại gia đình để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Đối với huyện Thạch Hà, công tác phòng chống, ngăn ngừa loại dịch bệnh mới này cũng đang được chủ động triển khai.
Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Thạch Hà Trần Hậu Sinh cho biết: “Địa phương tập trung cao cho công tác phòng ngừa tại chỗ theo hướng dẫn và đã thực hiện ký cam kết đối với người dân không “bán chạy”, không thả rông trâu bò tại vùng dịch; thông báo rộng rãi về tình hình dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm, chủ động bảo vệ đàn vật nuôi; cấp phát hóa chất để hộ chăn nuôi phun tiêu độc khử trùng”.
Huyện Thạch Hà đã cấp phát hóa chất về các xã để hướng dẫn người dân chủ động vệ sinh môi trường.
Được biết, trên địa bàn Hà Tĩnh đã xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò tại 4 xã: Đỉnh Bàn, Thạch Hải (Thạch Hà), xã Mai Phụ, Thạch Châu (Lộc Hà) với tổng số gia súc mắc bệnh là 25 con (đã có kết quả xét nghiệm dương tính).
Ngoài ra còn một số địa phương, trâu, bò có hiện tượng bị viêm da nổi cục, cơ quan chuyên môn đang tiếp tục giám sát và lấy mẫu xác định dịch bệnh gửi ra Chi cục Thú y vùng 3 (thuộc Cục Thú y).
Chốt biển thông báo vùng có dịch viêm da nổi cục tại xã Thạch Châu (Lộc Hà).
Ông Nguyễn Khắc Khánh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho hay: Nguy cơ bệnh viêm da nổi cục tiếp tục lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao, nhất là trong thời điểm cuối năm, thời tiết mưa rét, sức đề kháng vật nuôi giảm sút.
Vì thế, ngành chuyên môn đề nghị các địa phương đã có dịch kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp huyện, xã để chỉ đạo công tác theo đúng quy định; xuống trực tiếp tại các địa phương đôn đốc thực hiện đồng bộ các giải pháp để xử lý ổ dịch; quản lý đàn trâu, bò bị bệnh, nghi mắc bệnh, cho nuôi nhốt tại chuồng.
Các địa phương đã có dịch phải chủ động các biện pháp nhất là vệ sinh môi trường để hạn chế sự lây lan của dịch.
Đồng thời, tổ chức tổng vệ sinh, tiêu độc, phun thuốc sát trùng, sử dụng các thuốc diệt côn trùng (ve, mòng, ruồi, muỗi,...) như Hantox 200 tại các hộ chăn nuôi có gia súc bị bệnh, nghi bị bệnh; khoanh vùng dịch và kiểm soát việc vận chuyển trâu bò ra, vào tại các xã có dịch và khu vực liên quan.
Rà soát, bổ sung và bố trí kinh phí để thực hiện kế hoạch phòng, chống bệnh viêm da nổi cục tại địa phương, trong đó, lưu ý bố trí kinh phí mua vắc-xin tiêm phòng viêm da nổi cục, công tiêm phòng, mua thuốc diệt côn trùng, ve, mòng... và kinh phí tổ chức chủ động lấy mẫu, tham gia chống dịch, trực chống dịch.
Chăm sóc tốt đàn trâu, bò trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt để đảm bảo sức khỏe và phát triển ổn định.
“Đối với các địa phương chưa có dịch, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát đàn gia súc, tăng cường chăm sóc, bổ sung chất dinh dưỡng; kịp thời phát hiện các trường hợp gia súc nghi mắc bệnh để báo lên cơ quan chức năng; thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng, trại bằng các loại thuốc sát trùng, vôi bột… Đồng thời, các địa phương báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh, công tác phòng chống dịch cho Sở NN&PTNT (qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y) theo đúng quy định” - ông Nguyễn Khắc Khánh khuyến cáo