Hà Tĩnh: Chủ động ứng phó, giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh vừa ban hành văn bản chỉ đạo việc chủ động các phương án phòng, chống thiên tai và hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão số 3.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong thời gian tới, tình hình thiên tai dự báo sẽ diễn biến rất phức tạp, nguy cơ tác động trực tiếp đến tỉnh Hà Tĩnh rất cao. Để chủ động ứng phó, giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, các địa phương, cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở, các Đoàn công tác chủ động triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ liên quan.
Theo đó, tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả Luật Phòng, chống thiên tai; Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Kịp thời triển khai các công điện, chỉ thị, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về phòng, chống thiên tai năm 2024. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận biết về dấu hiệu, nguy cơ xảy ra thiên tai; hướng dẫn các kỹ năng để người dân chủ động ứng phó khi có sự cố, nhất là đối với người dân vùng sâu, vùng xa, địa bàn dân cư có nguy cơ xảy ra lũ quét, ngập úng, sạt lở đất.
Phát huy vai trò chủ động của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp cập nhật, hoàn thiện phương án phòng, chống thiên tai phù hợp với diễn biến thiên tai, sát với thực tế, phù hợp với từng ngành, lĩnh vực, địa phương để chủ động ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại khi có thiên tai xảy ra.
Theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai để chủ động triển khai phương án cứu hộ, cứu nạn, phương án đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông; chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” bảo đảm kịp thời, hiệu quả để giảm thiệt hại cho người dân. Tổ chức rà soát các khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất nhất là các khu vực dân cư, trường học, công sở, doanh trại, nhà máy, xí nghiệp, công trường xây dựng... để kịp thời thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho người dân; tổ chức kiểm tra, rà soát, chủ động xây dựng phương án di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, không để bị động, bất ngờ khi có thiên tai xảy ra.
Ưu tiên nguồn lực đầu tư công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung phương tiện, trang thiết bị bảo đảm công tác chỉ đạo, chỉ huy, triển khai nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; củng cố, nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở để ứng phó kịp thời. Các khu vực, địa điểm dự kiến là nơi người dân tránh, trú khi thiên tai xảy ra (nhà văn hóa cộng đồng, trường học...) cần sửa sang, bổ sung kịp thời các trang thiết bị, nhu yếu phẩm thiết yếu (phao cứu sinh, thuyền cứu hộ, nước uống, lương thực, thực phẩm...) để chủ động ứng phó khi có thiên tai xảy ra.
Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh giao các Sở, ngành và chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sửa chữa, nâng cấp đê điều, hồ đập, công trình phòng, chống thiên tai đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ; tiếp tục kiểm tra công trình đê điều, hồ, đập, cầu, cống, đặc biệt là các vị trí, công trình trọng điểm xung yếu để có phương án đầu tư, nâng cấp, tu bổ kịp thời; hướng dẫn các đơn vị quản lý các hồ chứa thủy lợi thực hiện nghiêm quy trình vận hành hồ chứa, nhất là các hồ đã xảy ra sự cố, các hồ có nguy cơ cao để đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du.
Đài khí tượng thủy văn tỉnh thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, cung cấp các bản tin dự báo cho UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các địa phương, các cơ quan thông tin đại chúng để kịp thời chỉ đạo và cung cấp thông tin cho người dân biết, chủ động phòng, chống thiên tai.
Thực hiện nghiêm Công văn số 11261-CV/VPTW ngày 9/9/2024 của Văn phòng Trung ương Đảng thông báo kết luận của Bộ Chính trị về giải quyết hậu quả bão số 3. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chủ trì tổ chức cuộc vận động các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và toàn xã hội phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ các gia đình, cá nhân bị nạn và khắc phục hậu quả thiên tai. Các địa phương, đơn vị căn cứ vào điều kiện cụ thể, xem xét tổ chức lực lượng tham gia hỗ trợ một số tỉnh phía Bắc khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra. Đối với việc quyên góp các nhu yếu phẩm, giao Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh làm đầu mối triển khai.