Hà Tĩnh chung sức hồi sinh sau lũ
Sau lũ, khó khăn chồng chất nhưng với sự hỗ trợ từ Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng những sẻ chia của đồng bào trong và ngoài nước, người dân vùng lũ Hà Tĩnh đang dần dựng xây lại cuộc sống mới.
Cả nước hướng về Hà Tĩnh
Lũ chồng lũ xảy ra trong tháng 10 vừa qua đã để lại những hậu quả nặng nề cho Hà Tĩnh. Thời điểm đó, nhằm giúp người dân Hà Tĩnh khắc phục khó khăn, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời hỗ trợ Hà Tĩnh 1.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia; 4 bộ xuồng cao tốc các loại, 166 bè cứu sinh, 5.560 phao cứu sinh, 200 nhà bạt cứu sinh, 4 máy phát điện.
Sau lũ, người dân Can Lộc khẩn trương xuống đồng, huy động máy móc, nhân lực phá bờ vùng, bờ thửa, hình thành vùng sản xuất quy mô lớn (Ảnh: Thúy Ngọc)
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có quyết định xuất cấp tiếp cho tỉnh 3.000 tấn gạo và tạm cấp hỗ trợ 50 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2020 cho Hà Tĩnh khắc phục hậu quả lũ lụt. Thủ tướng cũng trực tiếp chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có giải pháp hỗ trợ trước mắt đối với Hà Tĩnh trong khắc phục hậu quả mưa lũ và các giải pháp lâu dài trong phòng, chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại.
Không chỉ vậy, với tinh thần “tương thân, tương ái”, lực lượng quân đội tỉnh Nghệ An đã điều động cán bộ, chiến sỹ, phương tiện, vật chất tăng cường cho các đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ; Tỉnh đoàn Nghệ An cũng kêu gọi, huy động 150 sinh viên tình nguyện thuộc Trường Đại học Vinh đi vào vùng tâm lũ Hà Tĩnh để hỗ trợ Nhân dân khắc phục khó khăn sau lũ lụt.
Sinh viên Nghệ An hỗ trợ tình nguyện người dân Hà Tĩnh khắc phục hậu quả
Tình nguyện viên Trần Thị Hà (Trường Đại học Vinh) chia sẻ: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên” là khẩu hiệu hành động của nhóm sinh viên tình nguyện chúng tôi. Trong khó khăn, thiên tai, chúng tôi chỉ mong rằng, phần việc nhỏ của mình sẽ động viên tinh thần và góp công, góp sức giúp đỡ người dân Hà Tĩnh.
Đặc biệt, trong và sau lũ, Hà Tĩnh đã đón nhận tình cảm quý báu từ cộng đồng trong và ngoài nước đã trực tiếp về sẻ chia, trao tặng nhiều phần quà ý nghĩa. Tính hết ngày 25/11 đã có 3.717 tổ chức, cá nhân ủng hộ bà con Hà Tĩnh ở vùng bị ảnh hưởng lũ lụt số tiền và hàng hóa quy ra tiền là 224,684 tỷ đồng.
Thông qua kết nối từ Đài PT-TH Hà Nội, đoàn thiện nguyện tại TP Hà Nội đã đến động viên, chia sẻ và trao hỗ trợ cho bà con vùng lũ Hà Tĩnh.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Thị Mai Thủy cho biết: Nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân không chỉ là nguồn động viên tinh thần lớn lao để người dân Hà Tĩnh có thêm động lực vượt khó mà còn là nguồn lực quan trọng góp phần giúp bà con ổn định cuộc sống. Từ nguồn hỗ trợ này, đến nay, Ban Cứu trợ tỉnh đã phân bổ 57 tỷ đồng về các địa phương bị ảnh hưởng lũ lụt để bà con sửa sang nhà cửa, khôi phục sản xuất…
Sức mạnh “nội sinh”
Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo nhằm ổn định đời sống Nhân dân sau mưa lũ.
Gần đây nhất, ngày 19/11/2020, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng đã ký ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020; một số định hướng, mục tiêu và giải pháp phòng ngừa, ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Trước đó, ngày 29/10, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng đã ban hành Quyết định số 3659/QĐ-UBND về việc ban hành quy định tạm thời một số nội dung hỗ trợ Nhân dân khắc phục hậu quả bão lũ, ổn định đời sống trên địa bàn.
Hương Khê cấp phát gạo - nguồn gạo hỗ trợ của Chính phủ cho người dân
Đây là những “kim chỉ nam” góp phần định hướng, phát huy vai trò cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn dân trong khắc phục hậu quả thiên tai, tái thiết cuộc sống. Tỉnh cũng từng bước chỉ đạo công tác cứu đói khẩn cấp cho bà con, khắc phục khó khăn trước mắt và khôi phục sản xuất sau lũ theo các cấp độ.
Sau lũ người dân phường Văn Yên được khám, cấp phát thuốc miễn phí
Ngay trong những ngày cuối tháng 10, Hà Tĩnh đã kịp thời phân bổ 11 tỷ đồng từ nguồn cứu trợ của tỉnh để kịp thời khắc phục hậu quả trước mắt do mưa lũ gây ra. Đồng thời, các đơn vị cũng huy động nước uống, lương thực, thực phẩm cứu đói khẩn cấp cho bà con; cấp phát một số thuốc chữa bệnh, tiêu độc khử trùng, xử lý nước uống cho Nhân dân các địa bàn chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt; huy động nhân lực, vật lực xử lý sự cố đối với một số công trình đê, kè sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao...
Cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, thanh niên tình nguyện hỗ trợ người dân vệ sinh môi trường sau lũ.
Huy động hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ tại chỗ ở các địa phương giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt; hỗ trợ thu gom, vận chuyển sấy lúa, ổn định SXKD…
Hiện nay, Hà Tĩnh đang đề xuất Trung ương hỗ trợ các loại giống phục vụ sản xuất vụ đông và đông xuân; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương tiếp tục hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả lũ lụt. Cùng với đó, tỉnh cũng nỗ lực kêu gọi xã hội hóa các nguồn lực nhằm xây dựng các nhà văn hóa cộng đồng “2 trong 1”, nhà vượt lũ cho người dân và sửa chữa cơ sở hạ tầng hư hỏng.
Biến đổi khí hậu đang diễn biến vô cùng phức tạp, khó lường, bởi vậy, mỗi người dân Hà Tĩnh đều đang phát huy tinh thần đoàn kết, chung tay vượt qua khó khăn. Hơn cả, mỗi người dân, địa phương cũng đang tự mình xây dựng những giải pháp nhằm thích nghi và chủ động ứng phó với thiên tai.
Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/chinh-quyen/ha-tinh-chung-suc-hoi-sinh-sau-lu/202771.htm