Hà Tĩnh có 15 đặc sản được đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu
Thực hiện đề án hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2015 -2020, đến nay, toàn tỉnh có 15 sản phẩm đặc sản, 2.251 đối tượng sở hữu công nghiệp được đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu.
Chỉ dẫn địa lý “Bưởi Phúc Trạch” của Hà Tĩnh đã được Liên minh Châu Âu bảo hộ.
Cụ thể, các sản phẩm đặc sản được đăng ký bảo hộ thương hiệu gồm: Kẹo cu đơ Hà Tĩnh, cam bù Hương Sơn, cam Khe Mây, cam Thượng Lộc, cam Sơn Mai, mực Thạch Kim - Cửa Sót, nước mắm Kỳ Ninh, mật ong Hương Sơn (bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận); cam Vũ Quang, mật ong Vũ Quang, mộc Thái Yên, chè Hồng Lộc, rau an toàn Tượng Sơn (bảo hộ nhãn hiệu tập thể).
Đặc biệt, Hà Tĩnh đã đăng ký bảo hộ thành công 2 sản phẩm chỉ dẫn địa lý gồm bưởi Phúc Trạch và nhung hươu Hương Sơn, đưa Hà Tĩnh trở thành top đầu các tỉnh có số sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý trên cả nước.
Qua đó, các sản phẩm được chuẩn hóa về chất lượng và hệ thống nhận diện thương hiệu. Công tác quản lý, kiểm soát sản phẩm được thiết lập trên 2 hệ thống là quản lý nội bộ và sự kiểm soát của các cơ quan có thẩm quyền.
Nhiều sản phẩm đã xây dựng được hệ thống liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ với sự tham gia của các doanh nghiệp. Công tác quảng bá, phát triển sản phẩm được tổ chức bài bản, có hệ thống.
Dự kiến, nhãn hiệu tập thể chè Hồng Lộc sẽ được cấp văn bằng bảo hộ vào đầu năm 2021.
Kết quả đánh giá của Sở KH&CN cho thấy, sau khi được thiết lập quyền sở hữu trí tuệ, giá trị thương hiệu và giá trị của sản phẩm tăng từ 15-25% và giữ ổn định. Thị trường tiêu thụ được phát triển theo chuỗi ngành hàng liên kết.
Bên cạnh đó, hoạt động hỗ trợ thiết kế, đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp được triển khai đồng bộ, đạt hiệu quả thiết thực. Đến tháng cuối năm 2020, toàn tỉnh đã có 2.251 đối tượng sở hữu công nghiệp được đăng ký bảo hộ, tăng hơn 5 lần so với năm 2015 trở về trước.
Việc đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu mang lại hiệu quả toàn diện trên nhiều mặt: thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp được bảo hộ, phát triển; văn hóa và nhận thức của doanh nghiệp về gìn giữ uy tín, chất lượng sản phẩm, dịch vụ từng bước thay đổi và nâng cao; sức cạnh tranh, thị trường, doanh thu của sản phẩm, doanh nghiệp được phát triển một cách bền vững; các sản phẩm chủ lực của tỉnh được xây dựng, chuẩn hóa về mẫu mã, truy xuất nguồn gốc, đăng ký chất lượng,...