Hà Tĩnh 'giải cứu' hàng trăm nhà văn hóa bỏ hoang
Nhiều nhà văn hóa ở Hà Tĩnh bị bỏ hoang đã gây lãng phí tài nguyên đất và tài sản do nhân dân đóng góp.
Thực hiện chủ trương sáp nhập các đơn vị thôn, tổ dân phố, đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh giảm được gần 700 thôn, tổ dân phố. Tuy nhiên, số nhà văn hóa thôn, tổ dân phố tương đương đang bị dư thừa, cùng với đó là hàng trăm nghìn m2 đất khuôn viên.
Xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên có 17 thôn nay thực hiện sáp nhập, chỉ còn 9 thôn. Như vậy, trên địa bàn xã Cẩm Quan dư thừa ít nhất 8 nhà văn hóa. Nguồn vốn ban đầu xây dựng nhà văn hóa trung bình từ 500 triệu đồng, chủ yếu là do nhân dân đóng góp.
Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch UBND xã Cẩm Quan cho biết: Nếu thời gian tới, nhân dân các thôn nhất trí chọn được địa điểm thì Ủy ban nhân dân xã sẽ hỗ trợ hầu như toàn bộ kinh phí xây dựng nhà văn hóa mới.
“Khi sáp nhập sẽ dôi dư các nhà văn hóa thì phải sắp xếp điều chỉnh lại, thậm chí sau sáp nhập 2 thôn cũng không thể chọn được nhà văn hóa nào làm trung tâm cả. Bây giờ phải sử dụng tạm nhưng thời gian tới sẽ chọn xây dựng nhà văn hóa có vị trí trung tâm hơn giữa các thôn sáp nhập. Sau này, sáp nhập vào chọn được vị trí mới thì UBND xã phải hỗ trợ nhân dân xây mới”, ông Quang Trung nói.
Thực hiện chủ trương sáp nhập thôn, tổ dân phố, huyện Cẩm Xuyên đã giảm từ 282 thôn xóm xuống còn 250 thôn và hiện nhiều địa phương trong huyện đang tiếp tục thực hiện việc sáp nhập. Quá trình này đang làm dư thừa một số lượng lớn nhà văn hóa thôn, thậm chí trong đó có những công trình vừa mới được xây dựng một vài năm trước đó.
Theo số liệu thống kê, huyện Cẩm Xuyên đang dư thừa 67 nhà văn hóa thôn với tổng diện tích khuôn viên hơn 32.000 m2. Trước thực trạng nhà văn hóa bỏ hoang gây lãng phí tài nguyên đất và tài sản do nhân dân đóng góp, UBND các xã làm tờ trình đề nghị huyện Cẩm Xuyên cho chuyển nguồn gốc đất để đấu giá nhà văn hóa bỏ hoang.
Ông Trần Hữu Duyệt, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Đối với các nhà văn hóa không còn giá trị sử dụng, huyện hướng dẫn xã thành lập hội đồng theo phòng tài chính xem còn những tài sản nào trên đất còn sử dụng được cho thanh lý. Tiếp đó, phòng Tài nguyên môi trường tiếp tục đánh giá các vị trí nhà văn hóa của từng thôn, nếu còn phù hợp quy hoạch đất ở thì quy hoạch vào đất ở để cấp hoặc đấu giá. Đối với nào xen kẽ thì cấp cho người dân để tránh lãng phí nguồn tài nguyên này”.
Trước khi thực hiện chủ trương sáp nhập, tỉnh Hà Tĩnh có 2.837 thôn, xóm, tổ dân phố, trong đó có 1.025 đơn vị có quy mô dưới 100 hộ. Sau 5 năm thực hiện, tỉnh đã giảm được 722 thôn, xóm, tổ dân phố; giảm tỷ lệ quy mô đơn vị dưới 100 hộ dân từ 36,1% xuống còn 7,8%. Sau khi sáp nhập, toàn tỉnh Hà Tĩnh có hơn 600 nhà văn hóa thừa, hàng trăm nghìn mét vuông đất bỏ hoang..
Để tháo gỡ những vướng mắc trong việc xử lý thu hồi đất đai đối với nhà văn hóa thôn, xóm, UBND tỉnh Hà Tĩnh có chủ trương đối với các khu đất thu hồi tại địa bàn thành phố, thị xã giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh quản lý. Đồng thời lập phương án bố trí sử dụng, trình UBND tỉnh phê duyệt.
Ông Bùi Văn Thập, Giám đốc Sở Thể thao- Văn hóa và Du lịch, Hà Tĩnh cho biết: “Sáp nhập các thôn làm dư thừa các nhà văn hóa có thể bán đấu giá hoặc cho thuê. Đây chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Theo đó, rà soát lại các nhà văn hóa nào có thể sử dụng được sau khi sáp nhập thì tiếp tục sử dụng và có thể nâng cấp lên. Còn nhà văn hóa nào không sử dụng được, thì đấu giá tài sản đó để sử dụng nguồn tiền thu về tiếp tục đầu tư nhà văn hóa mới hoặc sửa chữa nâng cấp nhà văn hóa cũ. Nếu chưa đấu giá được thì cho thuê một thời gian”.
Các khu đất thu hồi nhà văn hóa thuộc các địa bàn huyện thì giao cho UBND cấp xã quản lý và có trách nhiệm căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có liên quan để lập phương án bố trí sử dụng. Trên cơ sở, phương án sử dụng đất được phê duyệt thì các khu đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương được xác định là đất quy hoạch mục đích công cộng, phúc lợi thì việc giao đất thực hiện theo Luật Đất đai. Các khu đất quy hoạch vào mục đích đất ở, đất sản xuất kinh doanh, thương mại thì thực hiện giao đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá.
“Nhà văn hóa dôi dư, cứ 2 thôn nhập lại thì dư 1 nhà văn hóa. Do điều kiện trước đây, tiêu chuẩn xây dựng nhà văn hóa thôn có tiêu chí thấp nên giá trị tài sản trên đất không còn nhiều. Cho nên tập trung xử lý đất đai tập trung xác định giá trị tài sản và thanh lý tài sản, đấu giá đất rồi trích lại tiền cho nhân dân thực hiện xây dựng nhà văn hóa mới. Chúng tôi đã hỗ trợ từ 5-7 thôn xây dựng nhà văn hóa mới”, ông Bùi Quang Hoàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kỳ Anh cho biết./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/ha-tinh-giai-cuu-hang-tram-nha-van-hoa-bo-hoang-943208.vov