Hà Tĩnh giảm 132 trường công lập, tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng giáo dục
Chủ trương sáp nhập trường lớp ở Hà Tĩnh đã được triển khai sớm, thực hiện thận trọng, đúng lộ trình, đạt được mục tiêu giảm đầu mối, nâng cao chất lượng giáo dục.
Thu gọn đầu mối đơn vị công lập, giảm 400 cán bộ quản lý, hành chính
Trước đây, để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, mạng lưới trường lớp ở các bậc học, cấp học đã được mở rộng trên tất cả các địa phương, vùng miền.
Với thực trạng quy mô trường lớp nhỏ, năm học 2020 - 2021, Trường THPT Hồng Lam sẽ sáp nhập với Trường THPT Hồng Lĩnh (TX Hồng Lĩnh).
Tuy nhiên, những năm gần đây, từ việc thực hiện tốt công tác giảm sinh, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường ngày càng giảm, đã tác động đến quy mô trường lớp bố trí đội ngũ và đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất của ngành giáo dục…
Vì thế, việc quy hoạch lại mạng lưới trường lớp nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đã trở thành tất yếu và sớm được Hà Tĩnh triển khai.
Mục tiêu lớn nhất của việc giảm đầu mối là nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
“Từ chủ trương đúng và sự tuyên truyền thấu đáo đến tận người dân, giai đoạn từ 2012 đến nay, Hà Tĩnh đã giảm được 132 đầu mối công lập. Trong đó, từ năm 2012 - 2015 giảm được 94 trường, giai đoạn từ 2015 đến nay, toàn tỉnh giảm thêm 38 trường”, thầy Lê Quang Cảnh - Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính Sở GD&ĐT cho biết.
Cùng với việc giảm các đầu mối công lập, việc sáp nhập trường cũng là lời giải cho bài toán xóa bỏ những điểm trường nhỏ lẻ ở các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng chuyên môn.
Đến cuối năm học 2019-2020, mạng lưới trường lớp ở Hà Tĩnh còn 704 trường, trong đó có 267 trường mầm non, 241 trường tiểu học, 150 trường THCS và 46 trường THPT. Cùng với việc giảm số lượng lớn các đầu mối công lập, hơn 200 trường học có các phân hiệu, điểm lẻ cũng đã được khắc phục nhờ việc quy hoạch về một mối thuận lợi cho việc huy động nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất.
Sáp nhập trường không gây xáo trộn việc dạy và học
Cũng theo tính toán sơ bộ của Phòng Kế hoạch - Tài chính Sở GD&ĐT Hà Tĩnh: Việc quy hoạch lại mạng lưới trường, giảm 132 đầu mối tương ứng với việc giảm gần 400 cán bộ quản lý và bộ phận hành chính. Ngoài việc tiết kiệm được một khoản lớn cho ngân sách, các trường học cũng có cơ hội kiện toàn, củng cố và tăng cường đội ngũ giáo viên đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục.
Củng cố cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy học
Là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác sáp nhập giai đoạn 2000-2001, Trường THCS Lưu Vĩnh Bắc Sơn (Thạch Hà) được hình thành từ việc sáp nhập 3 trường THCS Thạch Lưu, THCS Thạch Vĩnh và THCS Bắc Sơn.
Trường THCS Lưu Vĩnh Bắc Sơn được công nhận đạt chuẩn năm 2010 nhờ được đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ.
Thầy Nguyễn Thái Phước - Hiệu trưởng Trường THCS Lưu Vĩnh Bắc Sơn cho biết: “Thay vì đầu tư nhỏ lẻ ở 3 điểm trường như trước kia, việc đầu tư cơ sở vật chất nay đã được quy về 1 mối.
Với tổng nguồn đầu tư hơn 25 tỷ đồng qua các năm, đến nay, 19 lớp với hơn 600 học sinh đã có đầy đủ phòng học, phòng chức năng, sân chơi, bãi tập phục vụ hoạt động học tập, vui chơi. Trường tiếp tục giữ vững danh hiệu trường chuẩn".
5 năm trở lại đây, từ một đơn vị nằm ở tốp cuối, Trường THCS Lưu Vĩnh Bắc Sơn đã có sự bứt phá trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu bậc THCS của huyện Thạch Hà.
Chủ trương sáp nhập trường lớp cũng đã tạo nên bước đột phá để Trường THCS Nguyễn Tất Thành (Can Lộc) mở ra một trang mới trong chặng đường phát triển. Từ 2 trường ban đầu (THCS thị trấn Nghèn với quy mô hơn 20 lớp, THCS Tiến Lộc quy mô 8 lớp - chất lượng thấp), sau khi quy về một mối, trường đã được huyện và chính quyền 2 địa phương quan tâm đầu tư hơn 15 tỷ đồng để đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho đổi mới phương pháp dạy, học.
Chất lượng giáo dục Trường THCS Nguyễn Tất Thành đã có bước đột phá kể từ khi sáp nhập.
Thầy Nguyễn Đình Hải - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tất Thành cho biết: “Cái được của sáp nhập trường còn là việc tăng cường đội ngũ. Với tổng số hơn 60 cán bộ, giáo viên, việc sinh hoạt các tổ chuyên môn ngày càng chất lượng hơn.
Tình trạng giáo viên dạy chéo môn được khắc phục hoàn toàn, phong trào thi đua dạy tốt, học tốt được tiếp sức, góp phần tạo nên bước đột phá về chất lượng dạy học”.
Trường THCS Bình An Thịnh (Lộc Hà) được sáp nhập từ 3 trường THCS Bình Lộc, An Lộc và Thịnh Lộc.
Trung bình mỗi năm học, Trường THCS Nguyễn Tất Thành có từ 5 đến 10 học sinh giỏi tỉnh, hơn 100 học sinh giỏi huyện. Chất lượng đại trà và chất lượng mũi nhọn ngày càng được củng cố. Trường cũng được đánh giá là một trong những trường có chất lượng tốt bậc THCS ở Can Lộc.
Chủ trương sáp nhập trường ở Hà Tĩnh đang tiếp tục được thực hiện theo đúng lộ trình và hiệu quả đã được minh chứng bằng thực tiễn. Đây là nền tảng vững chắc để tiếp tục thực hiện việc sắp xếp mạng lưới giáo dục hướng tới mục tiêu giảm đầu mối, nâng cao chất lượng giáo dục trong thời gian tới.
Đề án sắp xếp hệ thống trường trung học phổ thông tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo được xây dựng dựa trên Nghị quyết 19 Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị quyết số 29 Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT và Nghị quyết số 96/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 của HĐND tỉnh về phát triển giáo dục mầm non và phổ thông tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo.