Hà Tĩnh: Giăng 'thiên la địa võng' tận diệt chim trời bất chấp lệnh cấm
Hàng năm cứ vào dịp tháng 8 - 9 Âm lịch, các loại chim như cò, cói, vạc… lại đến mùa di cư. Nạn tận diệt chim trời tồn tại nhiều năm ở Hà Tĩnh nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp ngăn chặn. Vì thế, lượng chim trời cũng dần khan hiếm.
Muôn vàn "trận địa" để tận diệt
Có mặt tại các cánh đồng ở các huyện Lộc Hà, Nghi Xuân, Thạch Hà (Hà Tĩnh), chúng tôi chứng kiến cảnh người dân địa phương dùng nhiều phương thức để săn bắt chim trời. Trên cánh đồng lúa, những con chim giả được giăng trắng cả cánh đồng, rồi người ta dựng nhiều hàng rào lưới, loa điện giả tiếng chim... để đánh bẫy.
Để đánh được cò, vạc, các thợ đánh chim đã làm những con cò giả đặt giữa các đầm nước, trên các ruộng lúa; thậm chí dùng chim còn sống cho đứng trên những thanh gỗ được đóng kiểu chữ T buộc chân vào dây cước cắm ở các cánh đồng.
Bên cạnh đó, người ta còn sắm thêm cả bộ dàn gồm: Ắc quy, loa phát thanh ghi sẵn âm thanh chim mồi. Ngoài ra, một số thợ săn còn dùng điện thoại ghi lại tiếng chim rồi bật lên dụ chim đến khu vực đánh bẫy.
Con mồi để bẫy chim các thợ săn thường chọc thủng mắt, hoặc lấy chỉ khâu mắt lại. Theo những người đánh bẫy chim thì việc khâu mắt chim để tiếng kêu của con chim đó to hơn bình thường và việc chọc mù mắt để chim không thể mổ được những con chim mồi khác.
Từ các loài chim nhỏ như én, chèo bẻo, cho tới loại lớn như gà nước, cò, vạc, diệc… vốn dĩ sống đời tự do, hoang dã, bỗng chốc biến thành mục tiêu, sản phẩm mua bán của con người. Trung bình mỗi ngày mỗi người đánh bắt được 30-40 con. Sau khi bắt được chim trời, họ vặt sạch lông mang ra chợ bán.
Theo tìm hiểu của PV, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, hiện giá chim cói dao động từ 25.000 - 30.000 đồng/con (tùy loại), cò có giá từ 40.000 - 50.000 đồng/con, vạc từ 80.000 - 100.000 đồng/ con, diệc từ 200.000 - 300.000 đồng/con (tùy loại), đặc biệt có những con diệc lang có giá lên đến 450.000 – 5.000.000 đồng/con…
Anh K (trú tại huyện Lộc Hà) cho biết, tùy vào thời tiết từng ngày, nếu ngày nào gió đẹp, mưa nhẹ thì chim cò di cư nhiều, có thể bắt được 60-70 con/ngày. Nếu thời tiết nắng nóng thì chim ít hơn, có ngày chỉ được 5-10 con. Giá mỗi loại chim khác nhau từ 30.000 - 50.000 đồng/con. Thịt chim được nhiều người ưa chuộng nên rất dễ bán, có ngày gia đình anh thu được cả tiền triệu.
"Thông thường tùy đặc tính của từng loại hay đi tránh bão hoặc kiếm ăn nhiều vào thời gian nào, chúng tôi sẽ bố trí phương thức bẫy phù hợp. Tùy từng loại chim mà cách thức bẫy cũng khác nhau. Cò, vạc... bẫy bằng que dính nhựa; chim én, chim sẻ... thì bẫy bằng sập. Sau khi giăng bẫy, chúng tôi núp ở túp lều dựng tạm, được ngụy trang bằng những cành cây cách đó chừng mấy chục mét. Khi săn cò, phải thật tinh mắt mới phát hiện ra một đàn cò, khi nó mới chỉ là một chấm nhỏ trên trời. Chờ một lúc cho chúng bay tới gần cánh đồng thì mới tung mồi nhử đàn cò sẽ xuống bẫy ngay", anh K kể.
Ông T.V.H (ở huyện Nghi Xuân) chia sẻ: "Vào mùa săn chim trời, chúng tôi phải nghỉ làm các công việc khác trước cả tháng để chuẩn bị dụng cụ như: Vót cây nhựa, làm lùm cây, hình nộm… Để săn chim, hầu như đêm nào chúng tôi cũng phải thức. Biết là đánh chim trời là bị cấm nhưng vì hoàn cảnh muốn kiếm thêm chút thu nhập nên chúng tôi đành làm liều".
Khó xử lý vì nhiều người xem đó là nghề
Tình trạng giăng "thiên la địa võng" bắt chim trời ở Hà Tĩnh diễn ra công khai. Người dân xem việc đánh bắt chim trời là một nghề kiếm sống. Nói về vấn đề này, ông Trần Sông Hương-Chủ tịch UBND xã Xuân Hội (huyện Nghi Xuân) khẳng định, tình trạng săn bắt chim trời diễn ra từ hàng chục năm nay. Do đời sống, nghề nghiệp, quá trình người ta đánh bắt lâu dài nên bây giờ bắt người dân dừng hẳn là việc rất khó. Chính quyền địa phương cũng đã tuyên truyền, vận động nhưng phải từng bước chứ chưa triệt để được.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch UBND xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân) cho biết: "Ngay từ đầu năm, UBND xã đưa cam kết đến từng hộ dân yêu cầu chấm dứt tình trạng săn bắt chim trời. Vì có những gia đình hai, ba thế hệ đánh bắt chim nên bây giờ họ khó chấm dứt hắn. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bằng mọi cách đế không xảy ra tình trạng săn bắt chim trời di cư trên địa bàn. Cam kết năm sau sẽ chấm dứt tình trạng trên".
Ông Nguyễn Hải Lý - Chủ tịch UBND xã Thạch Hải (huyện Thạch Hà) cho hay, trên địa bàn xã vẫn còn có một số hộ dân đánh bắt chim trời, nhưng so với những năm trước đã hạn chế dần. Trong các cuộc họp, hội nghị… chính quyền vẫn thông báo cho người dân để họ biết luật cấm đánh bắt chim trời.
Hiện bắt đầu vào mùa săn chim trời ở Hà Tĩnh và kéo dài cho đến hết năm. Đây cũng chính quãng thời gian, những thợ săn dùng đủ các loại đồ nghề, từ hiện đại đến thô sơ đua nhau đi "tận diệt" chim trời. Và cứ thế mỗi năm, đàn cò, chim quốc, chim chiền chiện, chim sẻ, chim én… càng về ít hơn. Với tình trạng đánh bắt tận diệt chim trời như hiện nay, chắc chắn không lâu nữa những ví von về sự yên bình với những đàn chim, cánh cò… ở làng quê sẽ biến mất, tình trạng mất cân bằng sinh thái đang hiển hiện.
Tận diệt chim trời là hành động hủy hoại môi trường, phá vỡ môi sinh, bị cấm từ lâu. Những đàn chim ngày một ít đi làm mất cân bằng sinh thái trong tự nhiên, ảnh hưởng đến sản xuất mùa màng, đồng thời là hình ảnh gây phản cảm, búc xúc cho xã hội. Cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh cần sớm có biện pháp ngăn chặn để tránh việc mất cần bằng sinh thái.