Hà Tĩnh: Hoàn thiện bản đồ giao thông

Những năm qua, mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã và đang được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, với những công trình trọng điểm, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, tạo thuận lợi kết nối giao thương hàng hóa và liên kết vùng.

Nút giao đoạn qua xã Lưu Vĩnh Sơn (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) thuộc dự án thành phần Bãi Vọt - Hàm Nghi.

Nút giao đoạn qua xã Lưu Vĩnh Sơn (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) thuộc dự án thành phần Bãi Vọt - Hàm Nghi.

Ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông

Với vị trí trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ, Hà Tĩnh nằm trên các trục giao thông quan trọng, mang tính chiến lược như QL8, QL12, trở thành một trong những cửa ngõ lớn, có nhiều lợi thế trong liên kết, hợp tác phát triển với Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan trên trục hành lang kinh tế Đông - Tây. Để phát huy lợi thế về vị trí địa lý, Hà Tĩnh xác định tầm quan trọng của đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội.

Những năm qua, Hà Tĩnh luôn dành sự quan tâm đặc biệt để nâng cấp mạng lưới giao thông, bởi chỉ khi hạ tầng giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại, kết nối liên vùng, đáp ứng nhu cầu vận chuyển, lưu thông hàng hóa thì nền kinh tế mới có điều kiện để tăng trưởng nhanh, ổn định và bền vững. Xác định được điều đó, lãnh đạo các cấp, ban ngành của địa phương không chỉ ưu tiên đầu tư tuyến đường giao thông chính cấp tỉnh mà các tuyến cấp huyện cũng được chú trọng đầu tư bằng nguồn ngân sách tỉnh, huyện và các nguồn hỗ trợ, chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu khác…

Khởi công đường Xô Viết Nghệ Tĩnh kéo dài

Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh kéo dài về phía Đông do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư 1.498 tỷ đồng. Dự án nhằm đảm bảo nhu cầu giao thông, vận tải trên địa bàn; thúc đẩy phát triển phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển kinh tế vùng bãi ngang ven biển của huyện Thạch Hà. Đây là dự án hiện thực chủ trương mở rộng TP Hà Tĩnh về phía Đông, góp phần khai thác hiệu quả du lịch biển Thạch Hải (Thạch Hà).

Hiện tại, dự án có 5 nhà thầu tham dự thầu gồm: Liên doanh Xây dựng công trình Hà Tĩnh, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam, Liên doanh Xô Viết Nghệ Tĩnh, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Miền Trung. Dự án khởi công cuối năm nay và hoàn thành vào năm 2026.

Dự án đường vành đai phía Đông TP Hà Tĩnh đã triển khai.

Dự án đường vành đai phía Đông TP Hà Tĩnh đã triển khai.

Xây dựng tuyến đường ven biển

Dự án nâng cấp tuyến đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng có tổng mức đầu tư 1.495,8 tỷ đồng (vốn trái phiếu Chính phủ và ngân sách tỉnh), được đầu tư xây dựng 3 đoạn tuyến, tổng chiều dài 62,12 km, đạt quy mô đường cấp III đồng bằng. Tuyến đường hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2022, kinh tế - xã hội của địa phương - nơi tuyến đường đi qua - đã “thay da đổi thịt”.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Trần Văn Tùng cho hay: “Tuyến đường ven biển được xây dựng với mục tiêu chia sẻ lưu lượng phương tiện cho QL1; tạo điều kiện khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên biển và vùng ven biển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường kết nối vùng kinh tế Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh, Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình và tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, thuận lợi trong xử lý các tình huống ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu dọc ven biển từ Nghi Xuân đến thị xã Kỳ Anh. Đồng thời, kết nối các khu du lịch, dịch vụ, dọc bờ biển Hà Tĩnh; tạo điều kiện khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên biển và vùng ven biển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, tăng cường củng cố quốc phòng an ninh”.

Tăng cường kết nối với Khu du lịch Thiên Cầm

Ngày 03/3/2022, Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp QL8C gồm 2 đoạn: Đoạn từ Thiên Cầm - QL1 và đoạn từ QL8 - đường Hồ Chí Minh. Trong đó, tuyến QL8C dài 11 km, QL8 dài 16,7 km. Tổng mức đầu tư dự án 1.076 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Dự án hoàn thành đưa vào sử dụng từng bước hoàn thiện QL8C theo quy hoạch được duyệt; tăng cường kết nối, nâng cao năng lực khai thác trên đoạn tuyến kết nối QL1 với Khu du lịch Thiên Cầm; đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn giao thông, hỗ trợ công tác cứu hộ cứu nạn vào mùa mưa lũ tại khu vực bờ tả ngạn sông Ngàn Phố; tạo điều kiện hỗ trợ phát triển du lịch, kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo quốc phòng an ninh khu vực.

Xây cầu và mở rộng đường giao thông nông thôn

Bên cạnh việc xây dựng, nâng cấp các tuyến giao thông trọng điểm, các dự án đầu tư cầu được chú trọng. Cầu Hộ Độ mới nằm trong dự án cải tạo mặt đường, chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật đường Quang Trung, đoạn từ đường Nguyễn Huy Lung đến cầu Hộ Độ và bổ sung 1 đơn nguyên cầu Hộ Độ, với tổng mức đầu tư 157 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư. Cầu Hộ Độ mới nằm song song với cầu Hộ Độ cũ, thi công từ tháng 7/2022 và thông xe vào tháng 11/2023. Cầu dài hơn 241 m, gồm 2 mố, 6 trụ, được xây dựng bằng bê tông cốt thép rộng 11 m, trong đó bề rộng làn cơ giới 7 m. Dự án sau khi hoàn thành giúp người dân lưu thông thuận lợi, an toàn; tạo kết nối giữa TP Hà Tĩnh và huyện Lộc Hà trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thu hút khách du lịch đến với phố biển Lộc Hà.

Ưu tiên đầu tư công trình có tính cấp bách, trọng điểm

Ông Lê Anh Sơn, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh cho biết: “Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025, là năm tổ chức Đại hội Đảng các cấp, Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XX, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Hà Tĩnh tiếp tục phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ chính trị; tăng cường công tác quản lý điều hành dự án, quản lý chất lượng, tiến độ các công trình, quản lý vốn, tài sản. Trong đó, chú trọng công tác quản lý chất lượng xây dựng công trình, tiết kiệm chống lãng phí trong xây dựng cơ bản giao thông... tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành với các giải pháp quyết liệt, có hiệu quả để thực hiện hoàn thành vượt mức kế hoạch.

Cùng với đó, Hà Tĩnh tiếp tục huy động đa dạng nguồn lực để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; huy động nguồn lực Nhân dân đóng góp cùng với hỗ trợ từ ngân sách tỉnh để xây dựng đường giao thông nông thôn đạt tiêu chuẩn. Đặc biệt, tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn đầu tư công thông qua xây dựng, thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công hàng năm, trung hạn, dài hạn theo quy định, bảo đảm cho nguồn lực quan trọng này nhanh chóng đi vào vận hành, phát huy hiệu quả. Tỉnh ưu tiên đầu tư các công trình có tính cấp bách, trọng tâm, trọng điểm, các công trình kết cấu hạ tầng bảo đảm tính đồng bộ, tính kết nối, mà trước hết là các công trình hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, liên tỉnh, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.

Kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn được phát triển mạnh, đảm bảo kết nối hài hòa với mạng lưới quốc lộ, tỉnh lộ, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và tạo động lực thu hút đầu tư phát triển tại khu vực nông thôn.

Phương Dung - Lê Minh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/ha-tinh-hoan-thien-ban-do-giao-thong-392147.html