Hà Tĩnh 'hồi sinh' sau mưa lũ

Tháng mười với những cơn lũ liên tiếp đã tàn phá mùa màng và hệ thống cơ sở vật chất, làm ảnh hưởng đến đời sống KT-XH của nhiều địa phương trên toàn tỉnh. Chung tay tái thiết cuộc sống sau lũ là hình ảnh đầy nhân nghĩa, đầy lạc quan, tin tưởng ở Hà Tĩnh…

Người dân thôn Bắc Văn, xã Thạch Văn (Thạch Hà) đồng loạt ra đồng khôi phục sản xuất

Đến thăm trại chăn nuôi của ông Trần Văn Báu ở thôn Tân Hòa - xã Tân Lâm Hương (Thạch Hà) những ngày sau lũ, chúng tôi thấy niềm lạc quan hiện rõ trên gương mặt người nông dân lam lũ. Bị lũ cuốn mất 11 con hươu, hàng nghìn con cá, vịt, ông Trần Văn Báu rơi vào tình cảnh vô cùng điêu đứng. Bao nhiêu vốn liếng đầu tư vào đó mất hết.

Cũng may, ông đã nhận được sự hỗ trợ, giúp trả được khoản nợ ngân hàng nên dẫu vẫn còn nợ nần nhưng đã thoát khỏi vấn đề trả lãi hằng tháng.

Ông Báu cho biết: “Hiện nay, tôi đang be lại bờ, sửa sang lại chuồng trại để trong thời gian tới khi thời tiết ổn định thì vay vốn ngân hàng để tiếp tục gây dựng lại việc chăn nuôi. Hy vọng, trong thời gian tới, xã, huyện và tỉnh sẽ có những sự hỗ trợ cụ thể về giống để gia đình giảm bớt khó khăn”.

Ông Trần Văn Báu tháo dỡ ván cản nước, chuẩn bị be lại bờ bao để thả lại cá giống khi thời tiết thuận lợi.

Khẩn trương khắc phục hậu quả lũ lụt, người dân “làng rau gia vị” thôn La Xá - xã Tân Lâm Hương cũng đang nỗ lực khôi phục vụ đông. Mặc dù trời còn mưa lâm thâm, ruộng vườn chưa khô nước lũ nhưng bà Nguyễn Thị Bính đã bắt đầu xới xáo những khoảnh đất cao để trồng lại một số loại rau.

Bà Bính chia sẻ: “7 sào rau gia vị đến kỳ thu hoạch của gia đình tôi đã bị mất trắng do lũ. Thiệt hại trong lũ của riêng gia đình tôi khoảng 200 triệu đồng nhưng vấn đề khó khăn hơn nữa là một số loại rau đã mất hẳn giống, không thể khôi phục lại và trong 2 tháng tới, gia đình sẽ không có thu nhập. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn vững tin vì xã đã khảo sát và thông tin sẽ trích ngân sách hỗ trợ một số loại giống để giúp gia đình khôi phục sản xuất vụ đông”.

Tranh thủ thời tiết khô ráo, bà Nguyễn Thị Bính ở thôn La Xá (Tân Lâm Hương - Thạch Hà) bắt đầu làm lại vụ đông.

Tái thiết cuộc sống sau lũ không chỉ là chuyện riêng của những người bị ảnh hưởng do lũ, đó còn là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị. Ngày 29/10, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng đã ban hành Quyết định số 3659/QĐ-UBND về việc ban hành quy định tạm thời một số nội dung hỗ trợ Nhân dân khắc phục hậu quả bão, lũ, ổn định đời sống trên địa bàn. Trong đó có những quy định cụ thể về trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp.

Người dân thôn 7 xã Đức Bồng (Vũ Quang) giúp nhau dọn vườn sau lũ.

Ông Lê Ngọc Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Ngay trong lũ và sau khi nước rút, chúng tôi đã có các hoạt động hỗ trợ người dân phục hồi sinh kế. Trước hết là tập trung các nguồn lực cứu trợ, phân bổ về xã và hỗ trợ cho Nhân dân.

Về những nội dung liên quan đến Quyết định 3659 của UBND tỉnh, chúng tôi cũng đã tiến hành khảo sát, rà soát, thống kê thiệt hại và nhu cầu của người dân sau lũ để triển khai việc hỗ trợ theo quy định. Riêng về nhóm giải pháp khôi phục sinh kế sau lũ cho Nhân dân, chúng tôi cũng đã có phương án hỗ trợ cụ thể, chỉ chờ cơ chế của tỉnh nữa là sẽ triển khai để người dân sớm tái thiết cuộc sống”.

Là địa bàn bị ngập lụt 2 lần, những ngày này, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể và Nhân dân huyện Vũ Quang cũng đang nỗ lực khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống sau lũ. Khắp các thôn, xã, các ngả đường là hình ảnh chung tay tái thiết cuộc sống.

Không chỉ dọn dẹp nhà cửa, vườn tược của gia đình, nhiều người còn giúp đỡ hàng xóm và xung kích dọn vệ sinh, trồng lại hoa trên các đường thôn, ngõ xóm. Bên cạnh đó, các cơ quan, đoàn thể cũng tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình có những hành động cụ thể để chung tay giúp người dân ổn định cuộc sống.

Cán bộ y tế dự phòng huyện Vũ Quang phun tiêu độc khử trùng tại thôn 5 xã Đức Bồng

Anh Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Vũ Quang thông tin: “Sau lũ, môi trường sống cũng như môi trường sản xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chính vì thế, ngay từ trong lũ, chúng tôi đã lên kế hoạch khử khuẩn cụ thể, nước rút đến đâu tiến hành phun hóa chất khử trùng đến đó. Nhờ đó, môi trường sống của người dân được đảm bảo. Hiện nay, huyện đang chỉ đạo các địa phương tiến hành các biện pháp để đảm bảo môi trường sản xuất nhằm tiến hành khôi phục vụ đông khi thời tiết thuận lợi”.

Chịu ảnh hưởng của thiên tai trong dịp này còn có các ngư dân. Do điều kiện thời tiết, họ không thể đi biển đánh cá nên tàu nằm bờ. Đặc biệt, rất nhiều ngư dân ở các vùng biển Cẩm Xuyên còn mang thuyền lên hỗ trợ chính quyền trong công tác cứu hộ, cứu trợ Nhân dân các xã bị ngập. Và ngay sau khi nước rút, họ cũng đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để trở lại với nghề đánh bắt hải sản .

Ông Nguyễn Minh Thư chuẩn bị ngư cụ cho chuyến đi biển đầu tiên sau lũ.

Ông Nguyễn Minh Thư (tổ dân phố Song Yên, thị trấn Thiên Cầm, Cẩm Xuyên) chia sẻ: “Do ảnh hưởng của bão, thuyền bị hỏng nên tôi theo thuyền của hàng xóm đi cứu hộ, cứu trợ ở các xã ngập lụt. Nay, qua cơn hoạn nạn rồi, tôi trở về sửa sang lại tàu, chuẩn bị ngư cụ để sẵn sàng ra khơi. Trong những ngày vừa qua, chúng tôi cũng đã nhổ neo, giăng những mẻ lưới đầu tiên sau hơn 1 tháng nằm bờ. Kết quả khá may mắn khi tàu gặp được luồng cá, ai nấy đều phấn khởi".

Ngư dân Thiên Cầm phấn khởi khi trúng đậm luồng cá chim

Sau lũ, khó khăn chất chồng nhưng từ trong sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự sẻ chia của đồng bào cả nước, người dân vùng lũ đã nhận được sự động viên kịp thời. Những hình ảnh tái thiết cuộc sống trên khắp ruộng, vườn, bờ bãi đã vẽ nên bức tranh đầy lạc quan về một miền quê đã quen với thiên tai, bão lũ. Tin rằng, sự chung tay của toàn xã hội sẽ là nguồn “nhiên liệu” giúp cuộc sống sớm hồi sinh trong mỗi ngôi nhà, mỗi miền quê…

Anh Hoài

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/nong-nghiep/ha-tinh-hoi-sinh-sau-mua-lu/201517.htm