Hà Tĩnh huy động mọi nguồn lực thực hiện chương trình giảm nghèo

Để làm tốt chương trình giảm nghèo, Hà Tĩnh đã thực hiện quyết liệt nhiều biện pháp, đặc biệt là tập trung vào việc huy động mọi nguồn lực.

MTTQ - Quỹ người vì nghèo huyện Hương Khê trao bò cho các hộ nghèo trên địa bàn. (Ảnh: V.H)

MTTQ - Quỹ người vì nghèo huyện Hương Khê trao bò cho các hộ nghèo trên địa bàn. (Ảnh: V.H)

Vận động hơn 83 tỷ đồng hỗ trợ người nghèo

Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” gắn với các hoạt động, công trình phần việc chào mừng đại hội MTTQ các cấp nhiệm kỳ 2024 - 2029, từ đầu năm 2024 đến nay, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã huy động được 18 tỷ đồng, nguồn an sinh xã hội vận động được hơn 65 tỷ đồng.

Theo đại diện UBMTTQ Hà Tĩnh, từ nguồn huy động này đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa 124 nhà ở; trao 506 mô hình sinh kế giảm nghèo; hỗ trợ 673 lượt khám chữa bệnh, 288 thẻ BHYT cho người dân và chi phí học tập cho hơn 600 học sinh nghèo; phối hợp Công an tỉnh hoàn thành xây dựng và giải ngân kinh phí hỗ trợ xây dựng 1.000 nhà ở cho hộ nghèo, hộ khó khăn từ nguồn vận động tài trợ của Bộ Công an…

Hoạt động tuyên truyền, vận động nguồn lực được quan tâm thực hiện với nhiều hình thức phong phú. Công tác quản lý, sử dụng nguồn quỹ đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định; hình thức hỗ trợ linh hoạt, đa dạng, phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân.

Các tổ chức thành viên phối hợp chặt chẽ, kịp thời với MTTQ trong việc tham gia các hoạt động vì người nghèo, tích cực thực hiện hiệu quả các chương trình an sinh xã hội.

Từ nay đến cuối năm 2024, MTTQ sẽ tiếp tục trao 100 mô hình sinh kế giảm nghèo; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Phối hợp các tổ chức thành viên tiếp tục vận động nguồn lực; nhân rộng các mô hình kinh tế, giúp người dân thoát nghèo bền vững…

Cùng đó, thành lập đoàn kiểm tra, giám sát công tác vận động, quản lý, sử dụng các loại quỹ như: quỹ vì người nghèo, cứu trợ, phòng chống dịch… giai đoạn 2022 - 2023 trên địa bàn toàn tỉnh.

Tăng cường vai trò các tổ chức và nguồn lực cộng đồng

Thông tin từ Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh, bình quân mỗi năm, tỉnh Hà Tĩnh triển khai 20 - 30 mô hình giảm nghèo, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế, góp phần giảm nghèo; mỗi mô hình từ 100 - 200 triệu đồng, hỗ trợ cho 15 - 20 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Các mô hình chủ yếu hỗ trợ giống, thức ăn, chuồng trại chăn nuôi gà, bò, nuôi ong lấy mật, trồng cam, ổi... ở các huyện: Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Sơn...

 Ngành chức năng huyện Cẩm Xuyên trao các mô hình sinh kế cho người nghèo trên địa bàn. (Ảnh: N.H)

Ngành chức năng huyện Cẩm Xuyên trao các mô hình sinh kế cho người nghèo trên địa bàn. (Ảnh: N.H)

Tỉnh Hà Tĩnh cũng đã triển khai hiệu quả các chính sách giảm nghèo đặc thù phù hợp với thực trạng hộ nghèo trên địa bàn như: đối với nhóm hộ nghèo có khả năng lao động, tập trung hỗ trợ sinh kế, dạy nghề, giải quyết việc làm thông qua hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững… Đối với nhóm hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội, ưu tiên tập trung hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, giáo dục, nhà ở, hỗ trợ thu nhập hằng tháng.

Để thành công trong việc giảm nghèo, Hà Tĩnh cũng chú trọng vào việc tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, và nguồn lực từ cộng đồng. Các chương trình, dự án được triển khai đều có sự tham gia tích cực từ các đơn vị này, đồng thời khuyến khích người dân tham gia vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Việc huy động nguồn lực xã hội, phát triển các hình thức trợ giúp dựa vào cộng đồng để tạo điều kiện, cơ hội cho các đối tượng yếu thế vượt qua hoàn cảnh, vươn lên hòa nhập cộng đồng…

Trong quá trình thực hiện Chương trình đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo, rà soát, đánh giá, phân tích kỹ nguyên nhân nghèo của từng hộ để có các giải pháp tác động phù hợp, nhằm giúp người nghèo có cơ hội tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản.

Cùng với đó, các cấp, ngành, địa phương đã rất quyết liệt triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách giảm nghèo gắn với phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế cho người dân; các chính sách về hỗ trợ BHYT, tiền điện, hỗ trợ giáo dục, nhà ở, vốn vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội…

Liên quan đến việc thực hiện chương trình giảm nghèo trên địa bàn, mới đây, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã ban hành văn bản số 4093 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 gửi Ủy ban MTTQ tỉnh; các sở liên quan; UBND các huyện, thành phố, thị xã.

Đối với Sở LĐ-TB&XH, UBND tỉnh Hà Tĩnh giao trách nhiệm chủ trì, đôn đốc các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo năm 2024 trên địa bàn tỉnh (chương trình giảm nghèo).

Sở LĐ-TB&XH triển khai các hoạt động giám sát, đánh giá thực hiện chương trình giảm nghèo; tăng cường tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở; rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình giảm nghèo, theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao chủ trì, chủ động phối hợp với sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn kịp thời hoặc báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Tham mưu UBND tỉnh kế hoạch rà soát, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo; xác định hộ gia đình làm nông, lâm, ngư và diêm nghiệp có mức sống trung bình cuối năm 2024.

Tiến Hiệp

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ha-tinh-huy-dong-moi-nguon-luc-thuc-hien-chuong-trinh-giam-ngheo-post692373.html