Hà Tĩnh: Khơi dòng tín dụng, thúc đẩy nông thôn mới

Vốn tín dụng ngân hàng chiếm hơn 80% nguồn vốn xây dựng nông thôn mới tại các xã cho thấy đóng góp quan trọng của ngành Ngân hàng với công cuộc xây dựng nông thôn mới của tỉnh, giúp các xã về đích đúng lộ trình.

Một tỉnh khó khăn như Hà Tĩnh nằm trong tốp đầu về kết quả triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia (CTMTQG) xây dựng nông thôn mới đã là một sự cố gắng lớn. Trong bối cảnh phải gánh chịu hậu quả nặng nề của thiên tai trong thời gian gần đây, rồi dịch bệnh gia súc, gia cầm, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi... thì kết quả đó càng đáng trân trọng.

Và một trong những trợ lực để Hà Tĩnh vượt qua những khó khăn này vươn lên trong hành trình xây dựng nông thôn mới không thể không kể đến sự san sẻ gánh nặng, phát triển kinh tế địa phương cùng chính quyền và người dân của hệ thống các TCTD trên địa bàn tỉnh.

Khu dân cư kiểu mẫu Nam Trà, xã Hương Trà, huyện Hương Khê

Khu dân cư kiểu mẫu Nam Trà, xã Hương Trà, huyện Hương Khê

Tạo chính sách hai chiều kéo - đẩy

Còn nhớ sự cố môi trường biển năm 2016, Chi nhánh NHNN đã chỉ đạo các TCTD trên cơ sở rà soát, xác định thiệt hại tiến hành xây dựng và thực hiện phương án hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng; cho vay mới để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đồng thời tích cực thực hiện các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội tại các vùng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó. NHNN tỉnh cũng đã chỉ đạo các NHTM Nhà nước thực hiện cho vay thu mua, tạm trữ thủy hải sản theo chỉ đạo của NHTW theo Quyết định 772/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện chính sách tạm thời hỗ trợ thu mua muối cho diêm dân theo quyết định của UBND tỉnh, cũng như các quy định tạm thời về một số chính sách hỗ trợ ổn định đời sống và khôi phục sản xuất do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển.

Hay đối với cơn bão tàn khốc số 10, Chi nhánh NHNN cũng chỉ đạo các TCTD nhanh chóng xác định dư nợ của khách hàng bị thiệt hại để thực hiện các giải pháp hỗ trợ, như cơ cấu lại thời hạn nợ (gốc và lãi), xem xét miễn giảm lãi vay, cho vay mới... giúp khách hàng vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì và ổn định sản xuất.

Mới đây nhất là dịch tả lợn châu Phi đến thời điểm báo cáo, dư nợ cho vay ngành chăn nuôi lợn trên địa bàn là 345 tỷ đồng, có 1 khách hàng vay vốn tại các TCTD bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi với dư nợ 400 triệu đồng, cũng được các ngân hàng cùng bàn bạc, đề ra các giải pháp hỗ trợ kịp thời…

Song đó cũng chỉ là các giải pháp mang tính giải quyết những vấn đề phát sinh tức thời, về dài dạn 10 năm qua, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Huy Tiến cho biết, để triển khai có hiệu quả CTMTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh NHNN tỉnh đã chủ trì, đầu mối triển khai các văn bản có liên quan của Chính phủ, của Ngành đến các TCTD trên địa bàn nhằm đẩy mạnh vốn tín dụng ngân hàng để phát huy thế mạnh về sản xuất, kinh doanh, phát triển ngành nghề tại các xã xây dựng nông thôn mới. Các đề án, kế hoạch của ngành Ngân hàng trên địa bàn được NHNN tỉnh kịp thời ban hành phù hợp với thực tế của địa phương, như Đề án về đẩy mạnh phát triển tín dụng nông nghiệp nông thôn; Kế hoạch thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”…

Việc thực hiện chương trình nông thôn mới cũng được Chi nhánh NHNN lồng ghép với Hội nghị triển khai nhiệm vụ của Ngành từ đầu năm và tại các cuộc giao ban giữa các ngân hàng trên địa bàn, trong đó chú trọng việc đẩy mạnh cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn và các hoạt động tài trợ, đỡ đầu xây dựng nông thôn mới và từ thiện, xã hội. NHNN tỉnh cũng gắn phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” với thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hàng năm của các đơn vị.

Bên cạnh các chính sách tín dụng ưu đãi của Ngành, từ cuối năm 2011 đến nay, Chi nhánh NHNN đã chủ trì, phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 22 văn bản về việc hỗ trợ lãi suất cho các thành phần kinh tế vay vốn tại các TCTD từ nguồn vốn CTMTQG xây dựng nông thôn mới và nguồn ngân sách tỉnh, cụ thể như: Chính sách hỗ trợ các khách hàng vay vốn tại Quỹ đầu tư phát triển tỉnh, chính sách tạm thời hỗ trợ thu mua muối cho diêm dân và quy định tạm thời một số chính sách hỗ trợ ổn định đời sống và khôi phục sản xuất do ảnh hưởng của sự cố môi trường, chính sách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, chủ trì tham mưu xây dựng quy trình, hồ sơ, thủ tục cho các đối tượng được hỗ trợ lãi suất theo các chính sách của tỉnh... Những chính sách trên đã được các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế đánh giá cao và đã phát huy vốn tín dụng ngân hàng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh, là điểm sáng để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay…

Nâng sức bền nông thôn mới

Cùng với hệ thống các chính sách mang tính hỗ trợ và thúc đẩy, 10 năm qua, NHNN Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh đã tạo điều kiện cho các TCTD trên địa bàn tích cực mở rộng mạng lưới hoạt động đến khu vực nông nghiệp, nông thôn. 53 đầu mối TCTD nỗ lực thực thi có hiệu quả các giải pháp ưu tiên nguồn vốn để cho vay hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách Trung ương, của tỉnh, từ nguồn vốn CTMTQG xây dựng nông thôn mới, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất kinh doanh và tiêu dùng góp phần giúp các xã trên địa bàn hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Đến 30/9/2019 dư nợ cho vay các xã xây dựng nông thôn mới đạt 27.640 tỷ đồng (trong đó dư nợ trung dài hạn chiếm 53,3%), tăng 10,5% so với đầu năm, chiếm 95,32% dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và chiếm 58% tổng dư nợ toàn địa bàn. Số khách hàng còn dư nợ là 254.223 (hộ dân 252.322, doanh nghiệp 1.871, HTX 30). Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cho vay các xã xây dựng nông thôn mới chỉ chiếm 0,73%.

Lũy kế từ năm 2011 đến tháng 7/2019: doanh số cho vay các xã xây dựng nông thôn mới đạt 151.147 tỷ đồng (chiếm 36,8% tổng doanh số cho vay toàn địa bàn). Bình quân hàng năm doanh số cho vay tăng khoảng 25% so với doanh số cho vay của năm trước. Dư nợ cho vay các xã xây dựng nông thôn mới tăng bình quân 19%/năm. Các chương trình hỗ trợ tín dụng ưu đãi đã được triển khai rộng rãi trên toàn tỉnh hỗ trợ người dân gia tăng giá trị sản xuất. Trong đó, doanh số cho vay thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản (giai đoạn 2010-2013) đạt 82.128 triệu đồng với 2.463 lượt khách hàng, lãi suất hỗ trợ lũy kế là 26.242 triệu đồng. Tiếp đó từ 2014 đến nay, chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch đã hỗ trợ được 1.975 lượt khách hàng với doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất đạt 587.512 triệu đồng; Số lãi tiền vay đã hỗ trợ là 76.297 triệu đồng.

Đối với các chính sách hỗ trợ lãi suất của tỉnh, các TCTD đã thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất thuộc nguồn ngân sách tỉnh, nguồn mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với doanh số cho vay các loại lũy kế (từ 01/01/2011 đến 31/7/2019) đạt 7.496 tỷ đồng. Số lãi suất đã và sẽ hỗ trợ đạt trên 275 tỷ đồng, số khách hàng được hỗ trợ lãi suất là 34.764 khách hàng.

Vốn tín dụng ngân hàng chiếm hơn 80% nguồn vốn xây dựng nông thôn mới tại các xã cho thấy đóng góp quan trọng của ngành Ngân hàng với công cuộc xây dựng nông thôn mới của tỉnh, giúp các xã về đích đúng lộ trình. Đến thời điểm báo cáo, tổng số các xã về đích nông thôn mới trên địa bàn lên 158 xã/229 xã.

Những hỗ trợ của hệ thống các TCTD trên địa bàn với nông thôn mới thêm ấm tình với việc NHNN tỉnh và 5 chi nhánh NHTMCP đồng tài trợ (VPBank, Techcombank, BAC A BANK, Maritime Bank và HDBank) đã đỡ đầu, hỗ trợ xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên xây dựng nông thôn mới với tổng giá trị 587,2 triệu đồng. NHNN tỉnh cũng tạo điều kiện thành lập mới QTDND trên địa bàn xã nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ ngân hàng góp phần giúp xã về đích nông thôn mới vào năm 2015.

Hay như với xã khó khăn Thạch Hội, huyện Thạch Hà, NHNN tỉnh và 4 chi nhánh NHTMCP đỡ đầu (Vietcombank Bắc Hà Tĩnh, BAC A BANK, SeABank và MBBank) đã hỗ trợ 459 triệu đồng giúp xã hoàn thành 4 tiêu chí, đó là nhà ở dân cư, điện, trường học và tổ chức sản xuất. Doanh số cho vay của các TCTD từ đầu năm 2016 đến nay đạt 206,4 tỷ đồng, dư nợ hiện tại gần 71 tỷ đồng, nợ xấu 0% góp phần hỗ trợ Thạch Hội từ xuất phát điểm thấp đến nay đã đạt chuẩn 14/20 tiêu chí.

Hệ thống các TCTD trên địa bàn cũng đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng hộ nghèo, gia đình chính sách, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, đặc biệt là sau sự cố môi trường biển và các đợt thiên tai gây ảnh hưởng lớn trên địa bàn tỉnh. Tổng giá trị các hoạt động an sinh xã hội của ngành Ngân hàng Hà Tĩnh (từ 2011-7/2019) là 377,84 tỷ đồng, tài trợ xây dựng các trường mầm non, trường học, nhà văn hóa xã, trao tặng bò giống…

Để tiếp sức cho tỉnh trên chặng đường xây dựng nông thôn mới, Giám đốc NHNN tỉnh Nguyễn Huy Tiến cho biết, trong giai đoạn 2019-2020, hệ thống các TCTD trên địa bàn đặt mục tiêu đưa dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới tại 229 xã, chiếm khoảng 95% dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả và đủ điều kiện vay vốn; ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tiếp tục chủ động phối hợp với các cấp, các ngành tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền xây dựng, hoàn thiện các chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn, hoàn thành xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh nhà.

Ngọc-Huệ

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/ha-tinh-khoi-dong-tin-dung-thuc-day-nong-thon-moi-94517.html