Hà Tĩnh là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về sáp nhập đơn vị hành chính
Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh ghi nhận, đánh giá cao việc thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính tại Hà Tĩnh - một trong những địa phương dẫn đầu cả nước. Với quyết tâm chính trị cao cùng nhiều cách làm bài bản, sáng tạo, tỉnh đã thực hiện tốt các chủ trương của Trung ương.
Sáng 29/4, đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh - Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dẫn đầu có buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh về “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021”.
Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng; Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Hồng Lĩnh, Đặng Ngọc Sơn, Lê Ngọc Châu; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ cùng một số lãnh đạo sở, ban, ngành cấp tỉnh tiếp, làm việc với đoàn.
Thực hiện chủ trương về sắp xếp các ĐVHC theo Nghị quyết số 37 ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 653 ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 32 ngày 14/5/2019 của Chính phủ về thực hiện sắp xếp các đơn vị cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021, Hà Tĩnh đã thực hiện sắp xếp 80 ĐVHC cấp xã, hình thành 34 ĐVHC cấp xã mới (giảm 46 ĐVHC) theo Nghị quyết số 819 ngày 21/11/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các ĐVHC cấp xã tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2019 - 2021.
Bài học kinh nghiệm sau sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 của Hà Tĩnh là: sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cấp xã; luôn tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu; chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và người dân; thực hiện sắp xếp phù hợp với quy hoạch tổng thể, yêu cầu phát triển; quan tâm giải quyết những băn khoăn, kiến nghị của cử tri; bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư (đến nay, Hà Tĩnh đã giải quyết chế độ, chính sách cho 627 cán bộ, công chức; còn lại 152 cán bộ, công chức và 52 người hoạt động không chuyên trách cấp xã)...
Sau sáp nhập, một số xã có diện tích tự nhiên lớn, quy mô dân số đông, nhiều thành phần dân cư nên công tác đảm bảo an ninh trật tự được tập trung, chú trọng, thể hiện qua việc chủ động bám nắm địa bàn, ổn định tình hình ngay tại cơ sở; xây dựng Đề án “Đảm bảo cơ sở vật chất cho công an xã, giai đoạn 2021 - 2026”; tham mưu HĐND tỉnh ban hành chính sách liên quan đến lực lượng công an xã bán chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.
Về quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, tài sản, cơ sở vật chất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở các ĐVHC thực hiện sáp nhập, tiếp tục sử dụng 880 cơ sở nhà, đất; điều chuyển 39 cơ sở nhà, đất; chuyển giao 8 cơ sở về địa phương quản lý, xử lý; bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với 150 cơ sở. Thời gian tới, Hà Tĩnh tiếp tục rà soát, điều chỉnh lại phương án đối với các cơ sở nhà, đất không thực hiện sắp xếp lại.
Theo Nghị quyết số 653/2019/NQ-UBTVQH14, Hà Tĩnh có TX Hồng Lĩnh thuộc diện bắt buộc sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021. Tuy vậy, tỉnh đề xuất chưa thực hiện do TX Hồng Lĩnh đang từng bước phát triển KT-XH, phấn đấu đạt đô thị loại III trong giai đoạn 2021 - 2025; tỉnh đang tập trung xây dựng TX Hồng Lĩnh trở thành đô thị phía Bắc của tỉnh...
Ngoài ra, Hà Tĩnh chưa thực hiện sắp xếp 12 ĐVHC cấp xã (thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021) bởi các đơn vị này đã có phương án sắp xếp với đơn vị liền kề khác; địa hình không thuận lợi cho việc thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập; khác biệt về văn hóa, phong tục, tập quán; một số ĐVHC nông thôn đang phấn đấu trở thành ĐVHC đô thị; quá trình nắm bắt dư luận chưa thực sự đồng tình.
Toàn tỉnh có trên 700 cán bộ, công chức, 500 người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư. Đến nay, căn bản việc sắp xếp, bố trí và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau sắp xếp cơ bản hoàn thành.
Tại buổi làm việc, thành viên đoàn giám sát đã yêu cầu Hà Tĩnh làm rõ các nội dung trong quá trình triển khai thực hiện sáp nhập ĐVHC như: bố trí nguồn lực cho cán bộ, công chức; phương án sáp nhập 1 ĐVHC cấp huyện và 12 ĐVHC cấp xã trong thời gian tới; cách giải quyết cơ sở vật chất dôi dư; tình hình phát triển KT-XH của các xã mới; phát huy năng lực của đội ngũ cán bộ sau sáp nhập; các khó khăn, vướng mắc...
Trao đổi với đoàn giám sát, đại biểu Hà Tĩnh khẳng định: Sáp nhập ĐVHC là chủ trương lớn, đúng đắn của Trung ương. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh xuống cơ sở đã tạo được sự thống nhất, đồng thuận trong các tầng lớp Nhân dân để từ đó, tạo đà cho các địa phương mới sáp nhập phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải: Việc ổn định tư tưởng cho cán bộ và các tầng lớp nhân dân trước khi thực hiện sáp nhập được Hà Tĩnh quan tâm, đặt lên hàng đầu. Đến nay, các xã mới đã đi vào ổn định, các tầng lớp nhân dân đồng thuận, KT-XH đang trên đà phát triển. Trước khi sáp nhập, các tiêu chí trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tại một số xã trên địa bàn Hà Tĩnh đạt thấp, tuy nhiên, cùng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, hiện nay, Hà Tĩnh chỉ còn lại 8 xã chưa về đích NTM và đang quyết tâm hoàn thành trong năm nay.
Tại buổi làm việc, đại biểu Hà Tĩnh đã thông tin rõ nét hơn về quá trình thực hiện sáp nhập ĐVHC trên địa bàn. Đại biểu cho rằng, đây là cơ hội để lựa chọn đội ngũ cán bộ có uy tín, vững về chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công việc tại xã mới. Theo đó, công tác lựa chọn cán bộ dựa trên việc lấy phiếu tín nhiệm từ thôn, tổ dân phố.
Hà Tĩnh cũng là một trong những địa phương tiến hành sáp nhập thôn sớm nhất cả nước, đã tiến hành sáp nhập từ 2.837 xuống 1.946 (giảm 891 thôn) và sẽ có sự điều chỉnh hợp lý để tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng đề xuất: Trên cơ sở đánh giá những ưu điểm, hạn chế của quá trình sáp nhập, Trung ương cần có hướng dẫn cụ thể để các địa phương thống nhất triển khai thực hiện; ban hành phương án giải quyết chế độ cho cán bộ dôi dư cũng như hướng xử lý tài sản dôi dư sau sáp nhập; cần sắp xếp mạng lưới cơ sở vật chất về y tế, giáo dục sau sáp nhập đồng bộ hơn; cân nhắc kỹ việc tiếp tục sáp nhập ĐVHC trong thời gian tới.
Đối với việc sáp nhập ĐVHC cấp xã cần căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng địa phương; có trụ sở làm việc cho đội ngũ công an xã để thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo ANTT tại cơ sở.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh ghi nhận, đánh giá cao việc thực hiện sáp nhập ĐVHC tại Hà Tĩnh - một trong những địa phương dẫn đầu cả nước. Với quyết tâm chính trị cao cùng nhiều cách làm bàn bản, sáng tạo trong việc huy động sức mạnh tổng hợp, tỉnh hoàn thành các chủ trương của Trung ương.
Dù là địa phương có số lượng ĐVHC sắp xếp khá lớn và còn không ít khó khăn nhưng đến nay, tình hình cơ bản ổn định, phát huy tinh thần đoàn kết trong Nhân dân.
Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh đề nghị, Hà Tĩnh tiếp tục quan tâm làm tốt việc quy hoạch phát triển địa phương mang tính lâu dài để làm tiền đề cho việc sắp xếp, bố trí các đơn vị hành chính trong các năm tiếp theo.
Đoàn sẽ tiếp thu đầy đủ các đề xuất, kiến nghị của đại biểu để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong các kỳ họp sắp tới. Ngoài ra, nghiên cứu kỹ việc thực hiện sáp nhập ĐVHC giữa các địa phương khác nhằm tiếp tục tìm ra phương án tối ưu nhất.