Hà Tĩnh lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin về thuốc giả

Đường dây nóng của Sở Y tế Hà Tĩnh sẽ tiếp nhận các thông tin về thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Công an tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc; bắt giữ, khởi tố 14 bị can về tội "sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh".

Trong số 21 sản phẩm bị thu giữ, có 4 loại được xác định là giả mạo thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành gồm: Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter và Neo-Codion; 16 sản phẩm không thuộc danh mục thuốc đã được Bộ Y tế cấp giấy đăng ký lưu hành (tên 16 sản phẩm như trong ảnh phía dưới).

 Danh sách 16 sản phẩm không thuộc danh mục thuốc đã được Bộ Y tế cấp giấy đăng ký lưu hành.

Danh sách 16 sản phẩm không thuộc danh mục thuốc đã được Bộ Y tế cấp giấy đăng ký lưu hành.

Để nâng cao hiệu quả quản lý thuốc, Sở Y tế Hà Tĩnh đã thiết lập đường dây nóng, tiếp nhận các thông tin về thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn tỉnh, với số điện thoại: 0965.341.616.

Sở Y tế cũng đã có công văn gửi các địa phương, cơ sở y tế, công ty dược, cơ sở bán lẻ thuốc trong tỉnh để cảnh báo thuốc giả, thuốc lưu hành trái phép trên thị trường.

Theo đó, Sở Y tế đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 41/CĐ-TTg ngày 17/4/2025 về xử lý vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe; Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; các công văn của Bộ Y tế, Sở Y tế về tăng cường quản lý, kiểm tra chất lượng thuốc, đấu tranh chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Tăng cường giám sát, kiểm tra chặt chẽ nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đảm bảo quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng. Các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường thông tin, tuyên truyền tới các cơ sở buôn bán, sử dụng thuốc và người dân biết để không buôn bán, sử dụng các thuốc giả. Chỉ mua bán thuốc tại các cơ sở kinh doanh dược hợp pháp, không mua bán thuốc không rõ nguồn gốc; kịp thời thông báo các dấu hiệu nghi ngờ về sản xuất, kinh doanh thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc tới cơ quan y tế và cơ quan có chức năng liên quan.

Chỉ đạo và phối hợp các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dược, cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng thuốc trên địa bàn, chú trọng đến việc kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ thuốc do các cơ sở kinh doanh, sử dụng, việc duy trì đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt.

 Sở Y tế yêu cầu các cơ sở bán lẻ thuốc không kinh doanh và không sử dụng các thuốc giả có các thông tin nêu trên.

Sở Y tế yêu cầu các cơ sở bán lẻ thuốc không kinh doanh và không sử dụng các thuốc giả có các thông tin nêu trên.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thông báo rộng rãi cho cán bộ, nhân viên, người lao động tại các khoa phòng, bộ phận biết, không kinh doanh, phân phối và sử dụng các thuốc giả có các thông tin nêu trên. Tuân thủ đúng quy định trong hoạt động đấu thầu, mua bán thuốc, kiểm tra chặt chẽ năng lực tài chính và khả năng cung ứng của các nhà cung cấp.

Các công ty dược thông báo cho các chi nhánh, cơ sở bán lẻ thuốc trong hệ thống phân phối của mình và kiểm tra trong kho thuốc của đơn vị, không kinh doanh, phân phối và sử dụng các thuốc giả có các thông tin nêu trên. Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh và Sở Y tế về công tác hành nghề dược, kiểm soát chặt chẽ quá trình phân phối, cung ứng thuốc.

Các cơ sở bán lẻ thuốc không kinh doanh và sử dụng các thuốc giả có các thông tin nêu trên. Thực hiện đúng các quy định về hành nghề dược, kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa lưu thông.

Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tăng cường lấy mẫu, kiểm tra chất lượng thuốc lưu hành trên địa bàn đối với các thuốc có nguy cơ bị làm giả hoặc kém chất lượng và báo cáo kịp thời các vụ việc phát hiện tới Sở Y tế và cơ quan chức năng liên quan.

Sở Y tế giao các phòng chuyên môn của sở tiếp tục thực hiện nghiêm việc tăng cường quản lý, kiểm tra chất lượng thuốc, đấu tranh chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tăng cường giám sát, kiểm tra chặt chẽ nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đảm bảo quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng. Phối hợp với cơ quan công an, quản lý thị trường, Ban Chỉ đạo 389 và các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dược, cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng thuốc trên địa bàn, chú trọng đến việc kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ thuốc do các cơ sở kinh doanh, sử dụng; việc duy trì đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt phân phối thuốc (GDP), thực hành tốt bán lẻ thuốc (GPP).

Quang Hòa

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/ha-tinh-lap-duong-day-nong-tiep-nhan-thong-tin-ve-thuoc-gia-post286860.html