Hà Tĩnh 'mổ xẻ' nguyên nhân gây lũ lớn
Ngày 24/10, tỉnh Hà Tĩnh đã họp báo công bố thiệt hại và công tác khắc phục sau lũ. Tại cuộc họp này lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh khẳng định trận lũ vừa qua người dân bị thiệt hại lớn, nguyên nhân do đâu cũng được đưa ra mổ xẻ.
Cuộc họp báo dưới sự chủ trình của Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Đặng Ngọc Sơn cùng với lãnh đạo Sở NNPTNT và Sở Thông tin và Truyền thông Hà Tĩnh. Cùng dự có ông Nguyễn Anh Tú, Phó vụ Trưởng vụ an toàn hồ đập (Bộ NNPTNT) và ông Nguyễn Cảnh Thái, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi.
Thiệt hại nặng nề
Ông Nguyễn Bá Đức, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Tĩnh cho biết: Trận lũ vừa qua (từ ngày 15 đến 20/10/2020) có lượng mưa gấp 2 lần năm 2010, các hồ chứa lớn nhỏ đều đầy nước, hồ Ngàn Trươi, Kẻ Gỗ bắt đầu xả lũ từ ngày 18/10, đặc biệt hồ Kẻ Gỗ xả lũ lên đỉnh điểm cao nhất là trên 1060m3/s sau đó ngớt mưa lượng xả lũ giảm xuống.
Hậu quả của trận lũ này đã khiến 118 xã, phường bị ngập lũ với 42.456 hộ trên 151.288 người của 11 huyện, thị thành phố bị ngập lũ. Tỉnh Hà Tĩnh đã sơ tán 18.771 hộ với 59.268 người đến nơi an toàn.
Mưa lũ cũng đã làm 6 người tử vong. Về dân sinh 42.456 hộ với 151.288 người bị ảnh hưởng, tài sản của người dân bị ngập sâu, nhà cửa, các đồ dùng gia đình, vật dụng, lương thực, gia súc, gia cầm.
Có 132 ha lúa mùa, nhiều diện tích cây ăn quả và hoa màu bị ngập và thiệt hại; 2.317ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập và thiệt hại. 40 trạm y tế, 1 bệnh viện bị ngập lụt, hư hỏng nghiêm trọng; nhiều hóa chất, thuốc men, trang thiết bị bị thiệt hại, đặc biệt tại Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Xuyên. Cầu Trốc Vạc ở huyện Hương Sơn; Cầu Kỳ Thượng và cầu Kỳ Giang huyện Kỳ Anh; Cầu Hương Bình, huyện Hương khê; mặt đường Nguyễn Huy Lung TP Hà Tĩnh và một số tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ bị hư hỏng nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn vùng lũ bị ngập và hư hỏng thiết bị, máy móc vật tư, phương tiện, thiệt hại hết sức nặng nề.
Cũng theo ông Nguyễn Bá Đức; Trong thiên tai mưa lũ xảy ra ác liệt, Nhân dân và cán bộ tỉnh Hà Tĩnh bày tỏ tấm lòng biết ơn tới Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, ngành, Hội, Đoàn thể Trung ương; Nhân dân cả nước và ở nước ngoài đã quan tâm, chia sẻ và hỗ trợ cho Hà Tĩnh cả về tinh thần và vật chất trong lúc hoạn nạn, khó khăn.
Việc khắc phục sau lũ trên địa bàn Hà Tĩnh sẽ rất nặng nề, đến ngày 23/10, hiện còn 106 trường nghỉ học với 38.600 em. Các giáo viên và học sinh cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể đang tổ chức dọn dẹp để các em đến trường. Tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các huyện thu gom toàn bộ số lượng lúa bị ngập vận chuyển đến chủ cơ sở để sấy cho dân.
Bà Nguyễn Thị Mai Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh cho hay: Sau lũ sẽ có nhiều hộ dân tái nghèo, người dân gặp nhiều khó khăn. Tới đây những khoản hỗ trợ, từ thiện được các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trao sẽ được Ủy ban MTTQ từ tỉnh tới huyện, xã trao cho người dân và sẽ hướng dẫn cho người dân vào việc đầu tư phát triển sản xuất, tăng sinh kế sau lũ.
“Mổ xẻ” nguyên nhân gây ngập lũ
Ông Trần Đức Thịnh, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thủy Lợi Hà Tĩnh cho biết: "Mỗi ngày xuất bản 2 báo cáo, thông tin, tin nhắn đến Ban chỉ huy Phòng chống bão lụt, chúng tôi cũng đã trao đổi với Ban quản lý hồ Kẻ Gỗ, sau đó báo cáo với Sở TTTT để báo cáo với các thuê bao di động trên địa bàn Hà Tĩnh". Đối với vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ do mưa lớn nhiều trạm thông tin ở các huyện, xã bị ngập lũ, mất liên lạc tại một số vùng hạ du, ảnh hưởng công tác điều hành.
Nguyễn Bá Đức, Phó Sở NNPTNT Hà Tĩnh cho biết: hồ Kẻ gỗ ngoài cấp nước cho người dân thì còn điều tiết lũ. Còn vận hành hồ thì đảm bảo an toàn hồ, từ ngày 15/10 đến 21/10, điều hành xả lũ từ ngày 15-đến 6h ngày 17/10, thì nước trong hồ mới đạt 26,62 Hm (chiều cao của hồ) nên không có nước để xả. “Vì vậy đến 13h ngày 18/10, nước trong hồ lên đến cao trình 30,70 Hm nên mới tiến hành xả 30m3 /s, đến 9h ngày 19/10, mới xả 1060m3/s, thời gian xả cao nhất này chỉ có 1 tiếng đồng hồ sau đó giảm xuống, còn nước lại trong hồ là 200 triệu m3”, ông Đức khẳng định.
Ông Trần Đức Bá, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh cho biết nguyên nhân chỉ vùng hạ lưu hồ Kẻ Gỗ ngập lụt lớn còn các địa phương khác hay ngập lũ năm nay không ảnh hưởng nặng là vì vùng TP. Hà Tĩnh và Cẩm Xuyên mưa trên 1000mm, còn các vùng trên mưa nhỏ hơn.
Phó Giám đốc phụ trách Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh quản lý hồ Kẻ Gỗ, ông Nguyễn Văn Tâm cho biết: Căn cứ vào quy trình thì Ban quản lý hồ đã điều tiết xả lũ. Quá trình xả thì tăng lưu lượng dần. Tuy nhiên do nước lượng đổ về quá nhanh nên phải tăng lưu lượng lên 1060m3/s. Vừa qua, nắng hạn 73 ngày không mưa nên hồ Kẻ Gỗ cạn khô, nên lượng nước trong hồ không đủ, một phần nữa là xả lũ qua kênh đổ về hạ du là không được phép, gây mất an toàn kênh mương với lại cũng gây ngập lũ vùng hạ du. Việc điều tiết hồ Kẻ Gỗ tới đây có lặp lại như trận lũ vừa qua nữa không, ông Tâm cho biết thêm: “Nếu tới đây bão số 8 vào dự báo mưa 100-150mm thì hồ Kẻ Gỗ sẽ không phải xả lũ”.
Ông Nguyễn Cảnh Thái, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi cho biết: Những con số về báo cáo quá trình xả lũ hồ Kẻ Gỗ cho thấy, nếu như không xây hồ Kẻ Gỗ thì trận lũ vừa qua sẽ ngập lụt khoảng 50.000ha. Đối với hồ Kẻ Gỗ nếu nước tràn qua cao trình 35 Hm thì phải xả khẩn cấp để đảm bảo công trình. “Còn việc thông tin cho nổ mìn để phá tràn là không thể xảy ra, nếu nước dâng cao qua tràn thì tự vỡ tràn thôi”- ông Thái cho biết thêm.
Còn ông Nguyễn Anh Tú, Phó vụ Trưởng vụ an toàn hồ đập (Bộ NNPTNT) cho hay: “ Đối với hồ Kẻ Gỗ sau khi nước tràn về quá nhanh, nhận được báo cáo của tỉnh Hà Tĩnh, Bộ cho chỉ đạo họp ngay trong đêm 18/10, sáng 19/10, có đoàn của Bộ vào Hà Tĩnh để xử lý”.
Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định: "Đối với quy trình xả lũ hồ Kẻ Gỗ chúng tôi công khai minh bạch thông tin cho người dân”.
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/ha-tinh-mo-xe-nguyen-nhan-gay-lu-lon-551991.html