Hà Tĩnh: Nhiều người dân trắng tay sau lũ

Lũ chồng lũ, bão chồng bão, cứ thế thiên tai cứ dồn dập kéo đến khiến cho cuộc sống của người dân Hà Tĩnh đã nghèo nay còn nghèo thêm, nhiều gia đình trắng tay sau lũ.

Thiệt hại nặng nề

Đợt mưa lớn kéo dài đã gây ngập lụt tại nhiều địa phương, đặc biệt là một số huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, TP. Hà Tĩnh. Thời điểm cao nhất, có 118 xã, phường, thị trấn với 42.456 hộ/151.288 người của 11 huyện, thành phố bị ngập sâu trong nước lũ. Mưa lũ đã khiến 6 người chết, tài sản của người dân các xã bị ngập sâu gồm nhà cửa, các đồ dùng gia đình, vật dụng, lương thực, gia súc, gia cầm thiệt hại nặng nề.

Đợt mưa lớn kéo dài đã gây ngập lụt tại nhiều địa phương

Đợt mưa lớn kéo dài đã gây ngập lụt tại nhiều địa phương

Mưa lớn khiến 132ha lúa mùa cùng nhiều diện tích cây ăn quả và hoa màu; 2.317ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập và thiệt hại; 40 trạm y tế, 1 bệnh viện bị ngập lụt, hư hỏng nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn vùng lũ bị ngập và hư hỏng thiết bị, máy móc vật tư, phương tiện, thiệt hại hết sức nặng nề.

Ngoài ra, mưa lũ cũng làm kết cấu hạ tầng các tuyến đường giao thông, điện, trường học, trạm xá, thông tin liên lạc, hệ thống công trình hồ đập thủy lợi... bị thiệt hại nghiêm trọng, nhiều tuyến giao thông bị cắt đứt, hiện tại chưa thể thống kê chính xác. Hiện, còn 106 trường nghỉ học, số học sinh nghỉ học là 38.600 em…

Trao đổi cùng phóng viên, ông Hà Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên, cho biết đây là đợt mưa lũ lịch sử kể từ năm 2010 đến nay. Dù đã có kế hoạch chủ động ứng phó với lũ tuy nhiên do mưa lớn kéo dài và hồ Kẻ Gỗ xả lũ nên khiến hơn 13.390 hộ dân ngập trong nước lũ. Trong đó, có 6 xã chịu thiệt hại nặng nề nhất gồm; xã Cẩm Thạch, Cẩm Thành, Cẩm Mỹ, Cẩm Duệ, Cẩm Vịnh, Cẩm Quan.

Theo quan sát của phóng viên, phía trong những ngôi nhà bị ngập nước, khi lũ rút chỉ còn sót lại những vệt nước loang lỗ trên tường, mọi tư trang đồ dùng của gia đình gần như đã bị cuốn theo dòng nước.

Mọi tư trang đồ dùng của gia đình gần như đã bị cuốn theo dòng nước

Mọi tư trang đồ dùng của gia đình gần như đã bị cuốn theo dòng nước

“Tôi còn còn chưa khỏi rùng mình khi nhớ lại 4 ngày trong lũ, cả gia đình co ro trên tủ giữa đêm tối đen kịt. Không điện, không đèn… mọi người chỉ đo mực nước bằng cách dùng gậy hoặc tay khoát xuống dòng nước trong đêm tối như mực”, một người dân nhớ lại.

Tính đến hiện tại, người dân đã cơ bản dọn dẹp xong và bắt đầu lại cuộc sống sau lũ, nhưng đâu đó nỗi lo về những diễn biến của cơn bão số 8, số 9 đang hướng vào Miền Trung khiến cho người dân thấp thỏm.

Nước lũ lên nhanh, vợ chồng anh Phạm Ngọc Lộc (30 tuổi, trú tại thôn 4, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên) chỉ kịp đưa các đồ đạc điện tử lên cao rồi cùng các con chạy đi sơ tán. Bao nhiêu lúa gạo cùng đàn gia cầm không thể “chạy” lũ đã ngâm trong nước suốt 4 ngày qua. Khi lũ rút, vợ chồng anh Lộc tranh thủ phơi những bao lúa đã bắt đầu lên mầm với hy vọng vớt lại chút thức ăn cho vật nuôi.

“Dân chúng tôi sợ nhất xả lũ, nước lũ lên quá nhanh khiến mọi người không kịp trở tay bao tài sản, lúa thóc bị ngập nước hư hỏng hết. Năm nay, biết là xả lũ nhưng không ngờ nước lên nhanh như vậy. Nhà tôi ở trên cao mà cũng xoay xở không kịp”, anh Lộc nói.

Nhiều người dân bất lực nhìn tài sản trong nhà trôi theo dòng nước lũ

Nhiều người dân bất lực nhìn tài sản trong nhà trôi theo dòng nước lũ

Vừa đi vừa khóc, ông Nguyễn Huy Nhung (55 tuổi, thôn 2, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên) bất lực nhìn tài sản trong nhà trôi theo dòng nước lũ. Khi nước lên. ông chỉ kịp đưa con lợn nái vào trong nhà tránh lũ và đấy cũng là tài sản duy nhất ông giữ lại được.

“Nhà được duy nhất con trâu đực để sản xuất nhưng lũ cuốn mất rồi, 2 tấn lúa, rồi gà vịt cũng bị chìm và cuốn trôi trong nước. Trận lũ vừa rồi làm tan hoang, tài sản đi hết theo nước lũ rồi các chú ơi”, ông Nhung nghẹn ngào.

Tại thôn Yên Khánh (xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên) bà Nguyễn Thị Quế vẫn chưa hết bàng hoàng sau 3 ngày đi tránh lũ. Trở về nhà, cảnh tượng hiện ra trước mắt là đồ đạc trong nhà trôi hết, cả gia đình được hai con bò cũng đã chết dưới lớp bùn non.

Nợ nần chồng chất

Đối với vùng nông thôn, khi nguồn thu nhập kinh tế của nhiều gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào trồng trọt và chăn nuôi, sau trận lũ không ít hộ dân rơi vào cảnh trắng tay. Những nông dân không chỉ mất đi nguồn thu nhập trước mắt mà lo ngại hơn là họ đã mất đi sinh kế lâu nay bởi không còn vốn để tái sản xuất và nợ nần chồng chất sau lũ.

Sau 2 ngày nằm suy sụp, chị Trương Thị Thành Vinh (37 tuổi, xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) mới gắng gượng dậy để dọn dẹp khu vườn trồng nấm của gia đình. Hơn 3 vạn phôi nấm đang cho thu hoạch của gia đình chị Vinh đã tan hoang sau một trận lũ. Bốn ngày ngâm trong nước lũ toàn bộ phôi nấm đã bị nứt bao, úng nước. Hơn 1 tạ nấm đã trổ nhưng không kịp hái bán giờ cũng chỉ có thể đem đổ đi.

Khi nguồn thu nhập kinh tế của nhiều gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào trồng trọt và chăn nuôi, sau trận lũ không ít hộ dân rơi vào cảnh trắng tay

Khi nguồn thu nhập kinh tế của nhiều gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào trồng trọt và chăn nuôi, sau trận lũ không ít hộ dân rơi vào cảnh trắng tay

“Hai vợ chồng tích góp mãi mới làm được mấy nhà nấm. Nhưng mấy năm dịch bệnh, nấm rẻ nên bị lỗ. Đầu năm, hai vợ chồng đã vay mượn gần 600 triệu để chồng đi xuất khẩu lao động kiếm thêm thu nhập. Ai ngờ vừa sang bên thì lại dịch bệnh Covid nên không có việc làm. Để có tiền trả lãi, tôi phải chạy vạy vay mượn khắp nơi để đầu tư gần 200 triệu vào nhà nấm. Nào ngờ, một trận lũ quét sạch toàn bộ, giờ biết lấy gì để mà trả lãi và nuôi con”, chị Vinh không cầm được nước mắt.

Sau đợt dịch tai xanh, bà Trần Thị Thuyết (trú tại thôn Tân Vĩnh xã Cẩm Thành) vừa vay gần 700 triệu tái đàn với hy vọng vực dậy kinh tế. Gần nửa năm, chưa kịp vui mừng vì đàn lợn phát triển khỏe mạnh thì trận lũ đã cướp hết toàn bộ cơ nghiệp của bà. Số nợ cũ chưa trả hết bà Thuyết lại chồng chất thêm nợ mới.

Những ngày qua, cứ nhìn vào chuồng lợn trống trơn chỉ còn nước lũ bà Thuyết lại khóc ngất. Gần trăm con lợn nái cùng lợn thịt chuẩn bị đến tuổi xuất chuồng đã bị nước lũ cuốn đi gần hết. “Khi nước lên, tôi ngồi trên cao để tránh lũ, nhìn thấy đàn lợn của mình bị dòng nước cuốn trôi lòng đau như cắt. Lợn trôi hết, sống sót được hơn chục con nhưng chắc không sống được lâu. Giờ chẳng còn gì để vớt vát nữa, trận lũ đã làm gia đình tôi trắng tay rồi, nợ nần còn một đống không biết làm sao”, bà Thuyết khóc nghẹn.

Vài ba tạ thì còn đem phơi được chứ mấy tấn lúa đem phơi cũng chẳng biết phơi ở đâu

Vài ba tạ thì còn đem phơi được chứ mấy tấn lúa đem phơi cũng chẳng biết phơi ở đâu

Trường hợp như bà Thuyết không phải là duy nhất, chị Nguyễn Thị Hậu, một hộ kinh doanh lúa gạo trên địa bàn xã Cẩm Duệ mấy ngày qua cũng như ngồi trên đống lửa. Gia đình chị Hậu thuê mặt bằng để làm kho lúa ở vị trí khá cao, tuy nhiên nước lũ lên nhanh ngoài dự kiến kiến khiến hàng nghìn bao lúa phía dưới ngâm trong nước đã bắt đầu lên mầm.

Trời hửng nắng, trong khi các hộ dân khác tranh thủ lấy lúa ướt đem phơi thì chị Hậu lại chán chường nhìn hàng ngàn bao gạo nằm ngổn ngang lẫn trong lớp bùn non. “Vài ba tạ thì còn đem phơi được chứ mấy tấn lúa đem phơi cũng chẳng biết phơi ở đâu. Cả kho lúa nhà tôi có đến vài chục tấn, tất cả đều bị ngâm nước. Lúa đã nảy mầm, bốc mùi chua hết rồi. Tất cả vốn liếng coi như mất trắng, không biết đến khi nào mới lấy lại được”, chị Hậu thở dài.

Rất nhiều người dân tại vùng tâm lũ cũng đang bị rơi vào tình cảnh ngồi trên đống nợ sau khi lũ rút. Mưa lũ đã qua đi, người dân đang cố gượng dậy để khắc phục nhưng hậu quả vẫn còn ngổn ngang.

THÀNH VĂN - CẨM KỲ

Lắng nghe dân để biết họ đang cần gì sau lũ

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/ha-tinh-nhieu-nguoi-dan-trang-tay-sau-lu-22260.html