Hà Tĩnh: Những làng nghề 'làm ngày cày đêm' cho Tết đủ đầy
Những ngày này, tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã bắt đầu tấp nập, nhộn nhịp vào vụ Tết. Nhiều làng nghề không dám nhận thêm đơn hàng vì quá tải.
Không dám nhận thêm đơn hàng
Đã thành lệ từ nhiều năm nay, vào những ngày giáp Tết, nhiều hộ làm bánh đa nem tại xã Thạch Hưng (TP Hà Tĩnh) gần như thức trắng.
Làm ngày, cày đêm… nhưng các cơ sở sản xuất bánh đa nem vẫn không thể đáp ứng nguồn cung tăng cao trong những ngày này.
Anh Trần Hậu Nam (thôn Bình, xã Thạch Hưng), chủ cơ sở sản xuất Nam Quỳnh, cho biết, công việc luôn bắt đầu từ 3 giờ sáng đến tận 3 giờ chiều. Khi bánh được giao tận tay cho các thương lái, mọi công việc mới hoàn thành. Mỗi ngày, cơ sở anh Nam tráng được khoảng 30.000 - 40.000 bánh, tương đương với 2 tạ gạo/ngày. Mùa Tết, các cơ sở phải tăng năng suất lên 50.000 - 60.000 bánh/ngày, khoảng 3,5 tạ gạo, mới đáp ứng đủ các đơn hàng. Hiện nay, giá bánh trên thị trường dao động vào khoảng 20.000 đồng/tệp (khoảng 100 bánh).
“Sở dĩ bánh đa nem ở đây được thị trường đón nhận do chất lượng bánh nổi trội hơn so với nhiều loại bánh sản xuất nơi khác. Bánh duy nhất được làm từ gạo và nước, hoàn toàn không có các phụ gia. Bánh thành phẩm thường mỏng và dai, khi sử dụng làm thức ăn không có vị chua”, anh Nam chia sẻ.
Thành phần chính của bánh đa nem Thạch Hưng là gạo Khang Dân. Loại gạo ít dẻo, khi sử dụng làm bánh không bị bết dính. Gạo thường được ngâm từ tối hôm trước, đến sáng sớm hôm sau sẽ bắt đầu công đoạn xay bột, tráng bánh. Bánh sau khi tráng xong được trải trên từng tấm phên (hay còn gọi là giàng) làm bằng tre. Quá trình phơi bánh cũng quyết định không nhỏ đến chất lượng bánh, bởi nếu gặp trời mưa bánh sẽ bị mốc, nếu trời nắng to hoặc quá hanh khô bánh sẽ bị giòn, nứt vỡ.
Thông thường, bánh đa nem sẽ được phơi 1giờ nếu trời nắng ráo, gặp thời tiết mưa nhiều, các chủ cơ sở phải dùng quạt, máy sấy. Phương pháp này phải mất từ 10h -12h đồng hồ, tuy nhiên, chất lượng bánh vẫn bảo đảm sự dai giòn.
Những ngày giáp Tết, bánh đa nem Thạch Hưng càng được dịp lên ngôi. Nhiều chủ sản xuất không dám nhận thêm đơn hàng. “Gần 2 tháng nay cả nhà tôi gần như thức trắng mà vẫn không đủ bánh để bán. Đơn hàng cũ giờ vẫn còn rất nhiều, trong khi đơn hàng mới thì ngày nào cũng có. Gia đình tôi đã tăng lượng nhân công nhưng vẫn không thể đáp ứng đủ. Từ đầu tuần này, tôi không nhận thêm đơn hàng nào nữa”, chị Nguyễn Thị Hảo (thôn Bình) cho hay.
Theo ông Nguyễn Chính Đàn, Chủ tịch UBND xã Thạch Hưng (TP Hà Tĩnh): “10 năm lại đây, sản xuất bánh đa nem đã đưa lại thu nhập ổn định cho người dân. Toàn xã hiện có khoảng 30 máy tráng với gần 80 hộ sản xuất bánh đa nem. Trong thời gian tới, chính quyền địa phương rất mong các cơ quan chức năng, hỗ trợ xây dựng thương hiệu bánh đa nem để tìm kiếm những thị trường lớn hơn”.
Nghề làm hương sạch ở xứ dó trầm
Từ lâu, xã Phúc Trạch (huyện Hương Khê) được mệnh danh là thủ phủ của cây dó trầm. Đây là một trong những loại cây kinh tế chính của xã Phúc Trạch, góp phần rất lớn trong việc tăng thu nhập cho người dân địa phương. Các sản phẩm từ trầm có giá trị từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Dù “sinh sau đẻ muộn”, nhưng nghề sản xuất hương trầm đang đưa lại nguồn thu ổn định cho người dân trong dịp Tết.
Về xã Phúc Trạch (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) trong những ngày cuối năm, từ đầu làng đến cuối làng, đâu đâu cũng ngửi thấy mùi hương trầm phảng phất trong gió. Hương trầm của Phúc Trạch có mùi thơm dịu nhẹ, không khắt nồng. Khác với các sản phẩm hương khác, hương trầm của Phúc Trạch còn có thành phần là trầm hương của cây dó bầu. Nhiều khách hàng vốn đã yêu thích thứ hương trầm miền sơn cước này đến dịp Tết lại tìm về đây lấy hàng.
Tranh thủ những ngày nắng ráo, nhiều hộ mang hương ra phơi. Sau khi khô, lên màu đẹp, cây hương được đóng gói cẩn thận, chất thành từng khu chuẩn bị đưa lên xe vận chuyển đến nơi phân phối.
Anh Nguyễn Chí Thành – chủ cơ sở sản xuất hương trầm Đinh gia, cho biết, anh làm nghề chế tác trầm hương từ năm 2016. Ngoài các cây gỗ trầm lớn được tạo hình để bán, anh Thành tận dụng những miếng gỗ nhỏ để làm hương trầm sạch, hương que, hương vòng, hương cuốn thủ công và trầm nụ.
“Dịp Tết là thời điểm tiêu thụ hương trầm nhiều nhất. Gia đình tôi phải thuê thêm 10 lao động địa phương để kịp sản xuất nguồn hàng cung ứng. Vụ Tết, cơ sở của tôi xuất ra thị trường khoảng hơn 50.000 thẻ hương tương đương 3 tấn bột; hơn 1.000 hộp hương nụ với giá từ 300 – 400 ngàn đồng… Tính doanh thu mỗi mùa Tết gia đình tôi đạt được từ 500 – 600 triệu đồng”, anh Thành nhẩm tính.
Ngoài việc sử dụng các phương pháp sản xuất truyền thống, các cơ sở sản xuất hương trầm Phúc Trạch còn kết hợp với máy móc hiện đại. Nhiều năm trở lại đây, hương sản xuất ra không chỉ dồi dào về số lượng mà chất lượng cũng bảo đảm hơn.
Ông Trần Quốc Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch cho biết: “Xã Phúc Trạch có khoảng trên 300 ha diện tích trồng cây dó trầm. Hầu hết các hộ dân trong xã ít nhiều đều có diện tích trồng loại cây này. Nghề làm hương trầm xuất hiện thời gian sau này nhưng nhiều cơ sở sản xuất hương đã tiêu thụ rộng rãi khắp cả nước, đem lại thu nhập cao cho người dân trong dịp Tết”.