Hà Tĩnh nỗ lực vượt khó, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp năm 2020
Sáng 20/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn và Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt chủ trì đầu cầu Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành NN&PTNT 2019; triển khai kế hoạch sản xuất nông nghiệp, đề án sản xuất vụ xuân và phát triển chăn nuôi năm 2020.
Lãnh đạo tỉnh cùng đại diện các sở, ngành liên quan và một số công ty, doanh nghiệp kinh doanh sản xuất về lĩnh vực nông nghiệp tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh.
Sản xuất nông nghiệp trong năm 2019 trên địa bàn tỉnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Trong đó, vụ hè thu liên tiếp chịu ảnh hưởng về hạn hán, mưa lũ...; dịch tả lợn châu Phi phát sinh, lây lan nhanh trên diện rộng và diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, ngành NN&PTNT thực hiện đồng bộ, kịp thời các giải pháp khôi phục sản xuất nên vẫn đạt nhiều kết quả quan trọng.
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt đánh giá lại tình hình sản xuất nông nghiệp năm 2019, đồng thời đưa ra những giải pháp cụ thể cho năm 2020
Sản xuất vụ đông 2018 đạt kết quả cao cả về diện tích, năng suất, sản lượng; vụ xuân 2019 đạt kết quả khá toàn diện; sản xuất cam, bưởi tiếp tục là năm được mùa. Tổng lương thực cả năm đạt 56,2 vạn tấn (mục tiêu kế hoạch trên 51 vạn tấn). Quy mô đàn gia súc (lợn, bò) giảm, chăn nuôi hươu, gia cầm phát triển khá mạnh; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt trên 108.400 tấn, bằng 97,3% so với năm nước.
Công tác quản lý, bảo vệ rừng được tập trung chỉ đạo; trồng rừng, chăm sóc rừng và khai thác gỗ rừng trồng đạt kết quả khá cao. Sản xuất thủy sản tăng trưởng cả về nuôi trồng và khai thác; tổng sản lượng ước đạt 49.550 tấn (đạt 101,5%KH), tăng 4,2% so với năm 2018.
Ông Trần Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú ý : Đến nay, toàn tỉnh buộc phải tiêu hủy 31.000 con lợn bị dịch tả lợn châu Phi. Để khống chế và giảm thiểu thiệt hại, ngành chuyên môn cùng các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp, kịch bản phòng, chống dịch bệnh...
Tại hội nghị, Sở NN&PTNT cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong sản xuất nông nghiệp năm 2019. Trong đó, tăng trưởng nông - lâm - thủy sản chưa đạt kế hoạch đề ra (cả năm ước đạt trên 2,5%, thấp hơn mục tiêu 3%/năm); tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng giá trị đạt kết quả còn thấp; sản xuất chăn nuôi lợn đã và đang gặp nhiều khó khăn do dịch tả lợn châu Phi, dịch LMLM...
Bà Võ Thị Hồng Minh - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP giống cây trồng Hà Tĩnh: Vụ Xuân năm 2020, công ty sẽ đưa nhiều bộ giống mới vào sản xuất, liên kết sản xuất tiêu thụ gắn với tích tụ ruộng đất.
Ngoài nguyên nhân khách quan thì sự thiếu quyết liệt của một số địa phương trong công tác chỉ đạo, nhất là tháo gỡ những khó khăn, thách thức; phát huy tiềm năng lợi thế, phát triển các mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết... chưa tốt, ảnh hưởng chung đến kết quả sản xuất của tỉnh.
Năm 2020 được cảnh báo thời tiết vẫn diễn biến cực đoan, khó lường, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh cao trong chăn nuôi. Bởi vậy, đòi hỏi toàn ngành nỗ lực, chủ động tham mưu, tập trung quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp, vừa có những ứng phó trước mắt kịp thời, vừa có chiến lược lâu dài để phát triển sản xuất, hạn chế các thiệt hại.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cho rằng: Sản xuất nông nghiệp năm 2019 dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên tất cả các lĩnh vực. Đó là chính là nỗ lực của tỉnh trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp thời gian qua.
Để sản xuất nông nghiệp năm 2020 đạt được mục tiêu đề ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Ngành nông nghiệp và các địa phương phải nhận thức đầy đủ về thời tiết, dịch bệnh, thị trường để khắc phục khó khăn, tạo bước đột phá cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Trước hết, dựa trên kế hoạch sản xuất của ngành NN&PTNT, các địa phương sớm xây dựng đề án sản xuất cụ thể, phù hợp với điều kiện của thực tế; trong đó, tuân thủ về lịch thời vụ, cơ cấu giống về vụ xuân và xây dựng, phát triển các mô hình liên kết sản xuất.
Trong quá trình sản xuất, các ngành chuyên môn cùng với địa phương phải tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình sâu hại, dịch bệnh để bảo vệ tốt cho cây trồng, vật nuôi, đưa nông nghiệp phát triển hiệu quả, bền vững.
Mặt khác, tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, kết nối với nông dân sản xuất theo chuỗi nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên mọi lĩnh vực...
Sản xuất nông nghiệp năm 2020, Hà Tĩnh đặt ra mục tiêu: Phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng nông, lâm, thủy sản đạt trên 2,5%/năm; tổng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản (theo giá so sánh) đạt trên 13.215 tỷ đồng. Trong đó, nông nghiệp 10.907 tỷ đồng, lâm nghiệp 965 tỷ đồng, thủy sản 1.343 tỷ đồng; giá trị sản xuất trên diện tích đạt trên 90 triệu đồng/ha; tốc độ tăng năng suất lao động nông nghiệp đạt trên 4%/năm.
Kế hoạch phát triển chăn nuôi năm 2020 cũng đưa ra giải pháp tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các loại dịch bệnh, chăn nuôi theo hướng có kiểm soát đảm bảo an toàn sinh học... để đạt mục tiêu 380.000 con lợn, 263.000 con trâu, bò; gia cầm 9,1 triệu con và 36.000 con hươu. Đối với sản xuất vụ xuân năm 2020, cần tuân thủ lịch thời vụ, tăng tỉ lệ chất lượng giống để phấn đấu tổng sản lượng lượng thực có hạt đạt trên 35 vạn tấn.