Hà Tĩnh: Nước lũ từ sông Cả tràn về, vùng ven sông La ngập nặng
Lũ từ thượng nguồn sông Cả đổ về gây ngập lụt nhiều thôn xóm ven sông La (Hà Tĩnh), làm hàng trăm héc-ta hoa màu chìm trong nước. Nhiều khu vực bị chia cắt tạm thời, thiệt hại nông nghiệp ước tính hàng tỷ đồng.
Ngập úng có nguy cơ đạt đỉnh chiều 25/7
Tối 24 và rạng sáng 25/7, chính quyền địa phương ghi nhận tình trạng ngập lụt tại các xã ven sông La, đặc biệt xã Đức Quang và Đức Minh (Hà Tĩnh), chủ yếu do lượng nước lớn từ thượng nguồn sông Cả (Nghệ An) đổ về. Nguy cơ ngập úng đạt đỉnh dự báo xảy ra chiều nay, 25/7.

Tại thôn Tiền Phong (xã Đức Quang), khoảng 100 hộ dân bị cô lập tạm thời do nước lũ dâng cao.
Cùng thủy triều dâng trưa 25/7, mực nước tại các vùng trũng ven sông La tiếp tục tăng, dự báo đạt đỉnh, gây nguy cơ ngập úng sâu và mở rộng phạm vi ảnh hưởng.
Tình trạng ngập cục bộ tại các xã vùng trũng hai bên sông La tái diễn nhiều năm, mỗi lần đều gây thiệt hại đáng kể, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp. Trong đợt lũ lần này, thiệt hại bước đầu được ghi nhận cả ở diện tích hoa màu lẫn hạ tầng dân sinh.
Tại xã Đức Minh, các thôn Thanh Kim, Thịnh Kim, Văn Khang, Tân Khang… bị nước lũ bao vây. Theo thống kê sơ bộ, gần 65ha hoa màu, chủ yếu là sắn, đậu, vừng, đã bị ngập sâu, nguy cơ mất trắng. Nhiều tuyến đường trục thôn bị chia cắt tạm thời, khoảng 50 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp.

Lực lượng công an hỗ trợ người dân di dời tài sản lên cao.
Xã Đức Quang, các thôn Tiền Phong, Quang Lộc 1, Quang Lộc 2, Trung Thành, Quyết Tiến cũng ghi nhận hơn 60ha lúa và hoa màu bị ngập úng. Riêng thôn Tiền Phong, khoảng 100 hộ dân bị cô lập tạm thời do đường liên thôn ngập sâu, việc đi lại gặp nhiều khó khăn, người dân phải sử dụng thuyền để di chuyển.
Ông Nguyễn Tiến Bảy, người dân thôn Tiền Phong, cho biết: “Tối qua, nước lên nhanh, sáng nay có dấu hiệu rút. Tôi chưa yên tâm nên kê cao tài sản và chuẩn bị sẵn phương án di chuyển người già, trẻ nhỏ ra nơi an toàn nếu nước tiếp tục dâng”.
Người dân chủ động phòng lũ, chính quyền túc trực xuyên đêm
Mặc dù nước lũ dâng nhanh, thiệt hại về người và tài sản cố định không lớn nhờ người dân có kinh nghiệm ứng phó. Nhiều hộ đã kịp thời đưa gia súc đến nơi cao, kê cao đồ đạc, tích trữ lương thực và chuẩn bị sẵn phương tiện ứng cứu khi cần thiết.

Lũ khiến nhiều hoa màu của người dân bị ngâm trong nước.
Ông Nguyễn Văn Long (thôn Thịnh Kim, xã Đức Minh) cho biết: “Gia đình tôi chủ động nâng giường tủ, đưa thiết bị điện và lương thực lên tầng hai. Mặc dù nước sáng nay có hạ chút ít, chúng tôi vẫn cảnh giác cao độ”.
Chính quyền các xã đã kích hoạt phương án phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, thành lập tổ công tác kiểm tra liên tục tại những điểm ngập sâu, khu vực có nguy cơ sạt lở. Lực lượng dân quân, công an, đoàn viên thanh niên được huy động hỗ trợ người dân di chuyển tài sản, vật nuôi và ứng trực 24/24 tại các điểm xung yếu.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo xã Đức Minh khẳng định: “Chúng tôi không để bà con bị động. Công tác kiểm tra thực địa, tuyên truyền phòng chống lũ được triển khai từ tối qua. Hiện, các lực lượng túc trực thường xuyên để kịp thời hỗ trợ sơ tán khi có tình huống xấu xảy ra”.